Hơn 17h ngày 20/7, sau cuộc điện thoại chưa đầy 10 giây với chỉ huy, những bước chân rầm rập lập tức vang lên giữa hành lang của Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. 15 chàng trai xỏ giày, mặc áo, vác theo dây thừng, búa tạ, xà beng, máy banh cắt thuỷ lực thoăn thoắt lên xe cứu hộ với những mái đầu còn cắt nham nhở.
90 giây sau khi nhận lệnh, tiếng còi hiệu bắt đầu hú vang trên con phố Kiều Mai - trụ sở của đội. Hai chiếc xe chuyên dụng màu đỏ nối đuôi nhau nhằm hướng phố Phạm Văn Đồng, cách đó 5,2 km.
17h31', Hà Nội đã bớt tấp nập do dịch bệnh nhưng trong cơn mưa rào đúng giờ tan tầm đường phố vẫn có những điểm ùn. Hai xe đến nơi sau 9 phút. Với những dụng cụ khoan cắt nặng cả chục cân trên vai, tốp lính cứu hoả hối hả đi vào con ngõ nhỏ.
Căn nhà số 43 và 45 cách nhau một khoảng chỉ 20 cm và lúc này bé trai 14 tuổi tên Tùng đang kẹt ở giữa, được một người dân khi đứng ở trên cao phát hiện ra. Bé mắc chứng tự kỷ, sống cách đó chưa đầy 100 m, đi lạc từ trưa hôm trước, đã được người nhà báo công an. Với cánh tay phải vắt vòng sau lưng, người hơi khom và đầu chúi xuống dưới, Tùng bị kẹt trong tư thế này đã hơn một ngày, dầm đủ 3 trận mưa.
"Tùng ơi, có nghe tiếng các chú gọi không?", hai chiến sĩ bắt đầu hỏi chuyện để đánh giá tinh thần nạn nhân, trong khi hai người khác đi quanh khu vực xem xét kết cấu và vật liệu hai căn nhà trước khi quyết định phá tường của nhà nào.
Một bên là nhà dân với bức tường dày 20 cm chắc chắn. Bên còn lại là căn phòng trọ tường 10 cm, phá dỡ nhanh nhưng vật liệu kém, dễ gây sụp đổ thứ cấp trong quá trình khoan. Quyết định được đưa ra rất nhanh khi chọn phương án phá tường nhà trọ. Chiếc khoan, "vũ khí tác chiến" quan trọng nhất lúc này phải được trao vào tay của những người lính cứu nạn nhiều kinh nghiệm nhất.
26 năm quần mình với lửa, trung tá Khúc Nguyên Khánh đã không nhớ hết những nạn nhân được mình cõng ra từ những vụ hoả hoạn hay tai nạn, mắc kẹt. Anh ngắm nghía một vài giây, vỗ vỗ vào bức tường rồi bắt đầu nâng chiếc khoan trong tay, bình tĩnh như cầm đôi đũa ăn cơm.
Đồng đội anh, đại uý Lê Tiến Thành, 34 tuổi, vừa khoan, vừa trò chuyện với Tùng, trấn an tinh thần và liên tục dặn: "Đứng im nhé, khi nào chú bảo mới được cử động nhé, không là gạch rơi vào tay đấy". Hai phút trôi qua kể từ mũi khoan đầu tiên, cậu bé vẫn không lên tiếng đáp lại bất cứ câu hỏi nào khiến anh hơi lo lắng.
Trong tiếng giật chói tai của máy banh cắt, phía ngoài căn phòng, người nhà cháu bé ngày càng tỏ ra bồn chồn, sốt ruột, mất bình tĩnh. Mũi khoan xiên chéo từ trên xuống, mỗi mảng vữa, gạch rơi ra, đều được đồng đội của họ đỡ gọn trong lòng bàn tay để không làm tổn thương đến Tùng.
17h49', một mảng tường dưới chân Tùng cũng được mở ra, cánh tay cậu bé đang vắt sau lưng lộ ra. "Tùng ơi, chú gỡ cái tay ra cho đỡ mỏi đã nhé", đại uý Thành đánh tiếng rồi thò tay vào trong, xoay nhẹ để gỡ cánh tay Tùng, dặn cậu bé cử động dần tay cho đỡ tê mỏi. "Yên tâm, các chú gần xong rồi, sẽ đưa cháu ra". Cậu bé vẫn không nói gì.
Được thoải mái cử động cánh tay sau hơn một ngày mắc kẹt, Tùng bắt đầu nhúc nhích, quờ quạng khiến nhóm lính cứu nạn chốc chốc lại phải nhắc nhở cậu bé đứng im, tránh để mũi khoan hay gạch vữa rơi vào người.
Đến phần khó nhất là hông và ngực, đều là những bộ phận trọng yếu. Trên vai họ lúc này là trách nhiệm duy trì cùng lúc hai nhiệm vụ, bảo vệ tính mạng cho Tùng và không để sụp đổ căn nhà, cũng chính là bảo vệ tính mạng cho mình và đồng đội.
Hai người lính cứu hộ cẩn trọng lựa vị trí mũi khoan như bác sĩ trong ca phẫu thuật, mồ hôi vã ra trong bộ đồ bảo hộ. "Tùng ơi đứng im nào, hóp bụng vào cho chú nhé". Đáp lại lời họ là tiếng sụt sịt khe khẽ vọng qua mảng tường thủng ngổn ngang sắt đá. Cẳng chân bên phải của cậu bé đã thò ra được, rơm rớm máu chảy ra từ những vết xước. Anh Khánh nhắc đồng đội phủi bớt bụi, lấy vải che lại cho cháu để tránh nhiễm trùng.
17h56', khi viên gạch cuối cùng rơi xuống tay người lính cứu hộ, toàn bộ phần cơ thể từ ngực trở xuống của cậu bé lộ ra, giờ chỉ cần lựa xoay thân và đầu cậu bé ra. Công đoạn cuối cùng nghe đơn giản, nhưng cần nhiều sự kết hợp của cả nhóm cứu hộ và người bị nạn. Lúc này, cậu bé Tùng đã mệt nhoài, đói lả sau một ngày một đêm mắc kẹt, khắp người xây sát, hầu như không thể phối hợp.
Một người luồn tay qua khe tường hẹp, đỡ lấy đầu cậu bé xoay nhẹ sang trái để mặt, mũi, mắt không cọ vào vách tường. Ba cảnh sát khác đỡ lấy phần hông, tay và hai chân của Tùng, nhích từng cm. "Nhẹ thôi nhẹ thôi, từ từ, xoay một chút vai sang bên kia đi, sắp được rồi, sắp được rồi", những tiếng giục giã liên tục vang lên trong gian phòng trọ mù bụi.
Hai con mắt sưng húp và bên má phải tướt máu của Tùng, cuối cùng cũng ló ra khỏi mảng tường vỡ trong tiếng khóc oà của người thân nín thở suốt hơn 30 phút. Toàn thân cậu bé mềm như cọng bún trong tay nhóm lính cứu hộ. "Cháu nghe thấy các chú nói gì không", một trong số họ hỏi, cậu bé 14 tuổi nặng chưa đến 40 kg gật gật đầu đáp lại.
Đại uý Thành xốc Tùng trên lưng. Trên đường chạy ra ngoài, cuối cùng, anh cũng nghe thấy câu nói đầu tiên của cậu bé: "Cháu khát. Cháu đói". Người lính áo xanh đặt Tùng trên chiếc cáng đặt sẵn ở đầu đường, phần việc còn lại bây giờ thuộc về những người khoác áo trắng blouse. Anh Thành chạy lại vào trong ngõ thu dọn đồ đạc để rời đi. Lúc này là 18h03'.
Cuộc tác chiến 32 phút vừa diễn ra chỉ là một trong hàng trăm vụ cứu hoả, cứu nạn mà 49 chiến sĩ trong Đội phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn quận Bắc Từ Liêm thực hiện mỗi năm, nhưng không phải tình huống duy nhất trong ngày hôm đó. Chỉ 4 giờ sau, các anh lại lên đường làm nhiệm vụ dập đám cháy cột điện ở khu dân cư cách đó 8 km. Nửa đêm, 20 chiến sĩ ngồi bệt bên những bậc thềm và sân đơn vị gặm bánh mì, uống thêm cốc nước đá rồi trở về phòng nghỉ.
Ở đội, những ngày xe cứu hoả không hú còi, nếu không đến các cơ quan, doanh nghiệp và khu dân cư tập huấn phòng cháy, 49 chiến sĩ không kể tuổi tác, đều tập thể lực bằng những bài chạy vượt rào, vượt tường, leo cầu thang hay mang vác vật nặng, kéo lốp ôtô.
Trung tá Khánh tâm sự, được đào tạo khắc nghiệt và nhiều thử thách, vào sinh ra tử với đồng đội, những người lính như anh hiểu hơn ai hết giá trị của sự sống nên "dù vất vả, ai đã chọn ngành này đều không nỡ rời đi".
* Tên nạn nhân đã thay đổi
Thanh Lam