Vượt qua những khác biệt văn hóa luôn là một trong những thách thức với sinh viên quốc tế khi du học. Trong chuỗi tọa đàm Global UniTalk được tổ chức bởi Viện ISB - Đại học Kinh tế TP HCM và Đại học Western Sydney, chủ đề "Cạm bẫy" du học - Co cụm hay hội nhập quá đà?, chị Evelyn Thảo Nguyễn - Thạc sĩ ngành Công tác xã hội, Đại sứ sinh viên tại Đại học Western Sydney và chị Trang Nguyễn - Quản lý Tuyển sinh Khu vực Đông Dương của Đại học Western Sydney đã chia sẻ nhiều câu chuyện về hội nhập khi du học tại xứ sở chuột túi.
Du học 7 tháng mới kết bạn được với người bản xứ
Với nhiều du học sinh Việt Nam, chuẩn bị kỹ càng cho cuộc sống và quá trình học tập tại Australia là vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc bắt nhịp học tập tại môi trường mới, nhiều bạn thường có nhu cầu kết bạn với người bản xứ. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của các bạn đôi khi "không như là mơ".
Nhớ lại những ngày đầu khi tới Australia, chị Evelyn Thảo Nguyễn nhận thấy sinh viên bản xứ, đặc biệt tại thành phố lớn như Sydney, ngoài tham gia các lớp học tại trường còn đi làm thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa để tích lũy kinh nghiệm. Ai cũng bận rộn, trong khi thời gian gặp gỡ và trao đổi trên lớp chỉ 1-2 tiếng mỗi buổi học. Điều này làm cho nhiều du học sinh gặp khó khăn để duy trì những mối quan hệ ngoài giờ học.
"Tại Australia, các bạn trẻ thường sinh ra ở đâu thì lớn lên học tập tại đó. Họ đã có sẵn những mối quan hệ bạn bè. Cuộc sống của họ rất bận rộn nên không còn thời gian để dìu dắt một người bạn mới. Tôi đã mất khoảng 6-7 tháng để tìm được những bạn bản xứ cùng làm việc tại trường", chị Evelyn Thảo Nguyễn chia sẻ thêm.
Theo chị, khó khăn nhất khi hội nhập là ngôn ngữ. Biết nói tiếng Anh và trò chuyện lưu loát với người bản xứ là hai điều rất khác nhau. Nhiều học sinh nhút nhát, không dám hỏi lại khi không hiểu dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười. Nhiều bạn viết tốt nhưng lại ngại nói nên cũng khó giao tiếp.
Những thử thách trong thời gian đầu ấy có thể khiến du học sinh cảm thấy tự ti, kể cả các bạn vốn có năng lực tiếng Anh tốt và hướng ngoại. Theo chia sẻ từ các khách mời trong chương trình Global UniTalk, quá trình hội nhập cần thời gian và các bạn không cần tạo cho mình áp lực hòa nhập ngay lập tức. Du học sinh có thể dần cải thiện bằng cách mạnh dạn giao tiếp để tiếng Anh tốt hơn, từ đó sẽ kết giao thuận lợi hơn.
"Cạm bẫy" của hội nhập quá đà
Nhiều bạn khi đi du học đã đặt ra cho mình những tham vọng đầy thử thách: vừa muốn duy trì phong độ học tập xuất sắc như hồi còn ở Việt Nam, vừa muốn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Điều này có thể khiến cuộc sống du học mất cân bằng và dẫn tới nhiều sai lầm đáng tiếc.
Chị Trang Nguyễn chia sẻ câu chuyện của một du học sinh Việt Nam tại Australia: "Bạn học cực kỳ giỏi tại Việt Nam. Lúc du học, bạn nghĩ rằng mình không chỉ học mà còn phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Đến cuối học kỳ đầu tiên, bạn rớt môn, không dám chia sẻ với ai và cố gắng tìm việc làm thêm để bù vào học phí. Nhưng rồi cũng không thể cân bằng. Cuối cùng sau 3 năm, bạn vẫn chưa thể tốt nghiệp".
Trường hợp khác được chị Trang chia sẻ là một bạn du học sinh nhỏ tuổi tại Australia phải về nước sau khi phạm tội giả mạo thẻ tín dụng, xuất phát từ việc chạy theo lối sống đua đòi cùng một nhóm bạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến con đường học tập, làm việc sau này của bạn.
"Các bạn Tây thường tổ chức tiệc rượu tại nhà của nhau. Tôi và một số bạn du học sinh từng tự ép bản thân tham gia để hòa nhập, để có bạn có bè. Nhưng thật ra, các bạn có thể chia sẻ mình không thích tham gia, mọi người đều sẽ tôn trọng bạn", chị Evelyn Thảo Nguyễn chia sẻ thêm.
Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều du học sinh và phụ huynh, chị Trang cho rằng các bạn trẻ nên dành thời gian đầu để tập trung cho việc học. Sau đó, các bạn có thể nhìn nhận về môi trường sống, mong muốn kết bạn của mình như thế nào để tìm kiếm cơ hội giao lưu, tránh chạy theo hội nhập mà quên đi mục tiêu du học của mình.
Hiểu rõ bản thân và biết được điểm khác biệt của mình ở đâu, tự tin với điều đó là một chìa khóa quan trọng để bước vào đất nước đa văn hóa như Australia. "Nếu bạn chỉ chạy theo lối sống phương Tây hay làm theo ý mọi người để kết bạn, đối phương sẽ không xem trọng bạn, vì bạn không đem lại giá trị mới cho họ", chị Trang Nguyễn chia sẻ.
Ngược lại, co cụm quá sẽ khiến quá trình du học thiếu trải nghiệm, bạn khó có những cơ hội làm việc lâu dài. Tại nhiều trường đại học ở Australia nói chung và Đại học Western Sydney nói riêng luôn có các dịch vụ, các hoạt động miễn phí để du học sinh kết nối với nhau, vừa hòa nhập, vừa giữ được bản sắc riêng của mình.
An Nhiên
Global Pathways là mô hình du học xu hướng toàn cầu hiện nay. Trong giai đoạn đầu học tại Việt Nam, Global Pathways hướng tới rèn luyện nội lực, giúp sinh viên phát huy năng lực học tập để đạt kết quả cao nhất khi du học, đồng thời trang bị kỹ năng sống cần thiết cho hội nhập, khuyến khích xác định mục tiêu và xây dựng lộ trình nghề nghiệp cho mỗi người...Giai đoạn tiếp theo, sinh viên sẽ chuyển tiếp đến các đại học thuộc top 1% thế giới, nhận bằng từ các đại học này, gồm: Đại học Macquarie, Monash, Western Sydney, Wollongong, Griffith, South Australia (Australia) và Đại học Massey, Waikato (New Zealand). Chương trình Global Pathways cũng trao nhiều học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc.