Từ ngày 9/5, thị trường tiền số trở nên hỗn loạn khi giá hai token của Terra là Luna và UST rơi tự do, từ mức vốn hóa hơn 30 tỷ USD một tuần trước đó còn khoảng 70 triệu USD. Người chơi khắp thế giới gần như mất trắng tài khoản sau cú sập, những "cá mập" như Changpeng Zhao, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Binance, hay tỷ phú Michael Novogratz của quỹ đầu tư Galaxy Digital cũng bị thổi bay hàng trăm triệu USD.
Luna khiến người chơi phải trả giá thế nào?
Bác sĩ phẫu thuật Keith Baldwin, 44 tuổi ở Massachusetts (Mỹ), kể với Wall Street Journal rằng ông đã tiết kiệm được 177.000 USD trong 10 năm. Năm ngoái, ông dùng số tiền của mình đầu tư vào USD Coin (tiền mã hóa neo giá trị vào USD) với lãi suất 9% một năm. Tháng 4, ông chuyển hết số tiền của mình vào đồng TerraUSD (UST) với lợi tức 15%. Khi UST lao dốc, hơn 90% số tiền của ông đã "bay hơi" trong vài ngày.
Baldwin nói ông không phải tín đồ của tiền số. Ông muốn dùng tiền tiết kiệm để mua nhà và cho con đi học, nhưng cú sập của Tera khiến mọi dự định của ông tan biến. Giờ đây bác sĩ này đang phải siết chặt chi tiêu để bù đắp lại khoản tiền đã bị mất. "Tôi không muốn các con mình bị liên lụy vì sai lầm mà tôi gây ra", ông nói.
Trong khi đó, người phụ nữ tên Valeria, 47 tuổi tại Buenos Aires (Argentina) kể với Rest of World rằng mỗi tháng bà kiếm được 300 USD nhờ bán đồ ăn tại nhà. Tuy nhiên, do lạm phát và bất an về việc giữ tiền trong người, bà dùng toàn bộ 1.000 USD tiết kiệm cùng 500 USD vay mượn để đầu tư vào UST. Người phụ nữ này tin lời quảng cáo rằng UST được neo giá 1:1 với USD.
Valeria cẩn thận dành ra hàng tháng trời để tìm hiểu về dự án Terra trước khi đầu tư. Thế nhưng đến tháng 5, "thảm họa" Luna diễn ra khiến giá UST giảm mạnh, mất mốc một USD. Giờ đây, UST chỉ còn 3% giá trị so với trước. Nhìn số tiền tiết kiệm của mình không cánh mà bay, Valeria bất lực khi không thể rút tiền, toàn bộ giao dịch Luna và UST đều bị ngừng. "Tôi thấy thất vọng và cùng đường vì đã đầu tư vào một đồng stablecoin (tiền số ổn định) rớt giá", bà nói.
Không bài học nào được rút ra
Theo Vice, khủng hoảng Luna góp phần thổi bay 1,6 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử. Nhưng không lâu sau những "đau đớn" mà Terra gây ra, ngày 28/5, giao thức mới Terra 2.0 được thông qua và chính thức khởi chạy. Vài tiếng sau đó, một số sàn giao dịch bắt đầu niêm yết Luna 2.0 và đồng này lại được mua bán một cách sôi động. Giá token có lúc tăng 60 lần lên 30 USD nhưng nhanh chóng rơi xuống 6 USD.
"Một giao thức vừa tan rã được hồi sinh và thị trường vẫn náo nhiệt như chưa có gì xảy ra, hàng tỷ USD vẫn tiếp tục được đổ vào các dự án mới", Vice bình luận.
Một ví dụ khác cho thấy sự điên rồ của thị trường tiền điện tử là cuối tháng 5, Adam Neumann, cựu CEO tai tiếng của WeWork, trở lại với dự án Flowcarbon cùng mục tiêu khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu bằng blockchain. Cụ thể, ông muốn đưa tín chỉ CO2 (Carbon Credit) vào blockchain, giúp việc mua bán CO2 dễ dàng và có thể thực hiện xuyên quốc gia. Theo giáo sư kinh tế Robert Mendelsohn tại Đại học Yale, thực tế đây chỉ là một dự án thuần tính kinh tế và kiếm tiền, bởi mua bán tín chỉ CO2 không giúp ích gì cho việc giảm lượng khí thải phát ra môi trường.
Neumann vốn được mệnh danh là "siêu lừa" trong giới khởi nghiệp công nghệ từ năm 2019. Ông từng phóng đại về startup của mình, giúp công ty có lúc được định giá tới 47 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi hồ sơ IPO được công bố, kết quả kinh doanh thảm hại của WeWork cho thấy công ty không có sở nào để đạt được mức định giá khổng lồ như vậy.
Bất chấp tai tiếng của nhà sáng lập và sự vô nghĩa của dự án, Flowcarbon vẫn nhận được khoản tài trợ 70 triệu USD từ một chi nhánh của a16z, công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng trong giới tiền mã hóa.
Nhà kinh tế học Paul Krugman nhận định các nhà đầu tư lớn như a16z và người dùng cá nhân có vẻ không còn nơi nào để đi. Nhiều người tìm đến tiền điện tử như một kênh đầu tư, tương tự bất động sản trước đây, cho dù chúng mang lại rủi ro lớn thế nào.
Theo Vice, tiền điện tử đang được xem như một loại hàng hóa chứ không được nhắc nhiều về vấn đề bảo mật hay phát triển bền vững sau khủng hoảng. Những người bị mất trắng khi tham gia vào thị trường tiền số ngày một nhiều, nhưng các dự án vừa sụp đổ vẫn tiếp tục được hồi sinh một cách ngoạn mục. Trong vòng xoáy của thị trường tiền số, người dùng liên tục kêu gọi "bắt đáy" nhưng không ai biết đâu mới thật sự là đáy. "Sau những hỗn loạn của thị trường, dường như không bài học nào rõ ràng được rút ra, chẳng ai học được gì sau những cú sập", trang này nhận định.
Thảo Hiền