Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, được xem là tác nhân quan trọng khiến FTX sụp đổ. Ngày 2/11, CoinDesk công khai bảng cân đối kế toán của Alameda Research, một quỹ phòng hộ tiền điện tử thuộc sở hữu của người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried (SBF). Ngay sau đó, CZ tuyên bố bán toàn bộ token FTT của sàn FTX mà ông nắm giữ. Điều này đã kích hoạt một đợt rút tiền lớn, khiến sàn lộ ra bí mật mà SBF lâu nay vẫn giấu: FTX mất khả năng thanh khoản vì đã lấy tiền của khách hàng để chuyển qua Alameda.
Theo các chuyên gia, về cơ bản CZ và Binance đã "thoát" kịp thời trước sự sụp đổ của FTX. Tuy nhiên, sàn này vẫn chịu nhiều tác động lớn. Ngày 14/11, trong chương trình Ask me anything trên Twitter, CZ cho biết Binance chứng kiến sự gia tăng nhẹ về số lượt rút tiền sau sự cố FTX nhưng nói đây là phản ứng bình thường trong giai đoạn đi xuống của thị trường tiền số. Ông cũng phủ nhận cố ý gây ra "sự hỗn loạn" trong thị trường tiền số. Trước đó, CZ bị nghi tìm cách loại bỏ FTX - đối thủ trực tiếp của Binance - bằng việc bán FTT và liên tục đăng các tweet bất lợi cho sàn này.
Binance cũng bị tấn công sau sự cố FTX. Tối 13/11, AXS - token quản trị của game blockchain Việt Axie Infinity - tăng giá gấp ba, nhưng nhanh chóng bị "xả" khiến giá từ gần 20 USD xuống còn 7 USD mỗi đồng. Khi mọi nghi vấn đổ dồn vào việc AXS có thể bị "bơm xả", một tài khoản Binance cho biết mình bị hack. Hacker đã dùng tài khoản trị giá gần 1,5 triệu USD của người này để thực hiện giao dịch, khiến giá tăng giảm bất ngờ. Sáng 14/11, CZ thừa nhận hệ thống bị tấn công nhưng nguyên nhân xuất phát từ API của bên thứ ba là Skyrex và 3commas. Ông khuyến cáo người dùng nên xóa những API này. Ngoài AXS, vấn đề còn ảnh hưởng đến các token khác là TVK, CVX và ACM.
BlockFi
Ngày 10/11, BlockFi - một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới - thông báo ngừng cho người dùng rút tiền sau khủng hoảng FTX. Hãng cũng yêu cầu khách hàng không gửi vào ví hoặc tài khoản lãi suất của họ.
Được định giá ba tỷ USD vào tháng 3 năm ngoái, BlockFi chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường tiền số liên tiếp đón nhận tin xấu. BlockFi cũng đối mặt với sự giám sát của giới chức tài chính về mức lãi suất của mình và từng phải trả 100 triệu USD tiền phạt cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Hồi tháng 7, trong chiến dịch "giải cứu thị trường" của SBF, FTX Mỹ đồng ý cung cấp cho BlockFi khoản tín dụng trị giá 400 triệu USD.
Ngày 11/11, Celsius Network - công ty cho vay tiền số đã phá sản hồi giữa năm - cho biết đang có 3,5 triệu token Serum (SRM) trị giá khoảng một triệu USD và 13 triệu USD khác đang liên kết với Alameda Research qua FTX và token FTT.
Việc không thể rút tiền càng làm nghiêm trọng vấn đề của Celsius Network. Sau cú sập Luna, Celsius không thể gồng gánh trong tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng và đã nộp đơn phá sản với khoản lỗ 1,2 tỷ USD.
Tổng tài sản người dùng đang bị "mắc kẹt" gần 4,7 tỷ USD. Sau hơn bốn tháng, khách hàng của Celsius vẫn chưa thể lấy lại tiền gửi của họ. Theo Forbes, công ty hiện chỉ có 167 triệu USD tiền mặt để hỗ trợ các hoạt động nhất định trong tình trạng phá sản.
Coinbase
Ngày 8/11, Coinbase cho biết đang gửi khoảng 15 triệu USD trên sàn FTX và toàn bộ vẫn chưa được rút về. Họ khẳng định chỉ gửi tiền, không mua FTT, không làm việc với Alameda và cũng không cho FTX vay.
Coinbase là tiền số sàn lớn thứ hai thế giới theo Coinmarketcap. Tháng 4/2021, họ trở thành công ty tiền số đầu tiên tại Mỹ niêm yết ra công chúng. Thương vụ IPO này cũng giúp người sáng lập Brian Armstrong trở thành tỷ phú. Tính đến cuối quý III/2022, Coinbase có 5 tỷ USD tiền mặt và một số tiền không xác định khác làm quỹ đảm bảo cho khách hàng.
CoinShares
Ngày 10/11, công ty quản lý tiền điện tử CoinShares xác nhận trên Twitter rằng họ có khoản đầu tư trị giá 30,3 triệu USD vào FTX. Đến nay, số tiền vẫn chưa thể lấy ra. CEO CoinShares Jean-Marie Mognetti khẳng định "sức khỏe tài chính của công ty vẫn mạnh mẽ" và họ vẫn có tài sản ròng hơn 282 triệu USD.
Crypto.com
Ngày 14/11,Crypto.com - sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Singapore - thừa nhận đã gửi một tỷ USD sang FTX suốt một năm. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này đã được rút lại. Theo CEO Kris Marszalek, họ chỉ còn thiệt hại "dưới 10 triệu USD" và khẳng định sẽ công bố bảng cân đối kế toán thời gian tới.
Galaxy Digital Holdings
Ngày 9/11 - một ngày sau khi FTX đóng băng rút tiền, công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử Galaxy Digital Holdings cho biết đã đầu tư hơn 76,8 triệu USD vào FTX. Trong số này, 47,5 triệu USD "đang trong quá trình rút", còn lại đã được lấy khỏi sàn. Galaxy Digital Holdings tuyên bố công ty hiện vẫn có hơn một tỷ USD tiền mặt và 1,5 tỷ USD thanh khoản.
Galois Capital
Quỹ phòng hộ Galois Capital có một nửa tài sản mắc kẹt trên FTX. Theo FT, số tiền ước tính khoảng 100 triệu USD. "Tôi vô cùng xin lỗi vì rơi vào hoàn cảnh hiện tại", người đồng sáng lập Kevin Zhou viết trong email gửi các nhà đầu tư. Ông cho rằng có thể mất vài năm để thu hồi "một số phần trăm" tài sản trên.
Genesis Trading
Công ty môi giới tiền số Genesis Trading ngày 10/11 cho biết đã bị mắc kẹt số tiền khoảng 175 triệu USD trên sàn FTX. Họ chỉ gửi tiền vào nền tảng, không mua FTT hoặc bất kỳ token nào khác.
Silvergate Capital Corporation
Ngày 13/11, nhà cung cấp giải pháp tài chính và tài sản kỹ thuật số Silvergate Capital Corporation cũng thông báo đã gửi tiền vào FTX nhưng chưa thể rút ra. Đại diện công ty không nêu chi tiết số tiền, nhưng "chưa tới 10% trong số 11,9 tỷ USD đầu tư vào toàn bộ nền tảng kỹ thuật số kể từ 30/9".
Sàn giao dịch tiền số Voyager Digital đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 7 với các khoản nợ ước tính lên đến 10 tỷ USD. Công ty đạt được thỏa thuận mua lại từ FTX với giá 1,42 tỷ USD vào tháng 9. Tuy nhiên, ngày 11/11, Voyager Digital tuyên bố kết thúc thỏa thuận bán mình cho FTX sau khi sàn này bị sập. Công ty sau đó đã mở lại quy trình đấu thầu và "đang thảo luận tích cực với các nhà thầu thay thế". Voyager Digital hiện có khoảng ba triệu USD trên FTX.
Bảo Lâm (theo Reuters)