Hai năm kết hôn với người chồng Australia Mark Jackman, rồi cùng anh bỏ phố về quê, cuộc sống của Thảo trầm lắng hơn hẳn. Sống ở trang trại nên cách cả quả đồi mới gặp một hàng xóm, vật nuôi trở thành những người bạn thân thiết nhất của cô.
Ở trang trại, ngoài 300 con bò, hàng chục con lạc đà để làm kinh tế, gia đình Thảo còn là chốn an toàn của những con thú "không nơi nương tựa" như chó, ngựa, dê, một con chim sẻ non. Gần đây nhất, vợ chồng cô gái Việt nhận nuôi chú chó Mayo, 2 tuổi.
Hôm 10/12, Thảo và chồng phát hiện một chú chó màu đen đi lạc vào chuồng bò ở trang trại. Hai vợ chồng cô đưa sang hàng xóm ở quả đồi bên cạnh hỏi nhưng không ai nhận. Họ xuống chân đồi, hỏi hết hàng quán vẫn không tìm được chủ nhân của chú chó. Mark cùng vợ lái xe chở nó đến phòng khám thú y để kiểm tra thông tin trên chip nhưng vô ích. Mark lại xuống bưu điện địa phương đăng tin tìm.
Giữa lúc vô vọng, một hàng xóm thông báo đã biết chủ nhân của chú chó nên liên hệ để họ đến đón về. Nhà nó cách trang trại vợ chồng Thảo khoảng 20 km. Chủ con chó nói, họ từng nuôi bố mẹ của nó, nhưng cả hai đều bị bắt trộm. Con vật cô đơn nên hay đi đến nhà khác chơi. Gia đình họ đi cả ngày, tối mới về, không chăm sóc được nên họ muốn tìm gia đình mới cho nó.
Nhà có bốn người nhưng đã nuôi hàng trăm con vật, vợ chồng Việt Úc từ chối. "Nuôi là phải có trách nhiệm, phải yêu thương, dành thời gian, chăm sóc lúc ốm đau chứ không phải thêm một con vật chỉ để trông nhà", Mark nói.
Chú chó trở về nhà với chủ nhân. Nhưng đêm đó vợ chồng Thảo mất ngủ vì thương. Sáng hôm sau, chính Mark lại lái xe đưa vợ đi đón nó. "Nó bị xích ở ngoài sân, ruồi bu khắp người, chẳng được tắm táp cũng không bao giờ được bước chân vào nhà", Thảo kể, biết quyết định của mình là chính xác.
Chú chó trở thành "con nuôi" thứ hai của vợ chồng cô chủ, sau Kem, chú chó trắng 4 tuổi. Kem được gia đình Thảo nhận nuôi khi cô gái Hà Nội theo chồng Tây về đồi núi làm nông đầu năm 2019 từ trạm cứu hộ động vật. Nó là con chó to lớn, đã nhiều tuổi nên không được ai chọn.
Mới đầu, chưa tin tưởng chủ mới, nó gầm gừ mỗi khi Thảo bày tỏ tình cảm, có hôm đang đi dạo thì chạy mất. Thương nó, họ dồn nhiều tình thương hơn. Cho ăn ngày ba bữa, tối đánh răng, lên ngủ cùng giường với chủ. Bây giờ, mở cổng nó cũng không muốn đi đâu, lúc nào cũng quấn chủ.
Buổi tối đầu tiên đón Mayo về, thời tiết rất lạnh. Thảo lấy chăn của Mark đắp cho Kem rồi ghé vào tai bảo: "Con đắp tạm chăn của bố, cho mẹ mượn chăn này đắp cho em Mayo". Vì chăn của Kem có hình chân chó, Thảo hi vọng Mayo sẽ bớt lo sợ khi ngày đầu ở với gia đình mới. Chẳng biết Kem hiểu ý cô đến đâu, nhưng nó cắp chăn của mình, mang đến đặt cạnh chủ. "Nuôi chó tôi mới biết nó không biết nói chứ biết yêu, ghét và biết thấu hiểu", cô nói.
Đón chó ở trạm cứu hộ về nuôi là truyền thống của gia đình Mark suốt 40 năm qua. Có những chú chó bị dị tật mắt đến mù, con bị ung thư, con bị bỏ từ khi chỉ được 2 tháng,... họ vẫn đón về.
"Mua chó là tiếp tay cho những kẻ buôn bán động vật. Cứ đến trạm cứu hộ, sẽ giúp được nhiều con vật tội nghiệp có gia đình", gia đình nhà chồng Thảo tâm niệm.
Thảo kể, hồi mới sang, cô rất ngạc nhiên khi chứng kiến bố mẹ chồng ngày ngày chăm sóc cho chú chó bị ung thư thận.
Nó uống nhiều nước, đi vệ sinh cũng nhiều. Cứ ba giờ sáng, đôi vợ chồng tuổi 70 lại lọ mọ dậy cho nó ra ngoài đi vệ sinh vì con vật không thể trèo khỏi giường. Đến khi thấy con vật đêm nào mắt cũng ướt nhèm, rên rỉ vì những cơn đau, họ đành đưa đến trạm thú y tiêm thuốc để nó ra đi sau 15 năm chăm sóc. Ông bà chôn nó sau vườn, thỉnh thoảng lại ra thăm.
Vợ chồng bà Virginia (mẹ chồng Thảo) quý chó vì chúng trung thành và biết trả ơn. Bà vẫn hay nhắc chuyện hồi Mark còn nằm nôi, họ cũng nuôi một chú chó già. Có đêm, con trai bà ngủ ở phòng riêng, khóc ngằn ngặt nhưng bố mẹ không biết. Chính con chó đã chạy sang sủa, lay chủ dậy.
Ngoài chó, dê "cơ nhỡ", gia đình Thảo còn nuôi ngựa "về hưu". Cách đây 17 năm, tình cờ thấy những con ngựa đua về hưu bị bán để giết thịt làm thức ăn cho thú cưng, bà Virginia thương nên đón về nuôi. Bây giờ, hàng tháng, chủ phải thuê bác sĩ thú y đến vệ sinh móng cho chúng một lần để tránh bị hoại tử.
Vất vả thế, nhưng mấy năm trước, thấy hai con dê già không cho sữa nữa, bị bán giết thịt, bố mẹ chồng Thảo lại bỏ tiền ra giải cứu. Bây giờ hàng ngày, cô dâu Việt phụ trách chăm sóc chúng. Thảo vẫn thích bón quả, rau xanh hai con vật hiền lành.
Sống gần gũi với động vật, Thanh Thảo đã rút ra được nhiều bài học sống cho chính mình. "Con vật cũng giống con người, đều có trái tim, có cảm xúc. Nếu được yêu thương, chúng cũng sẽ cư xử bằng tình yêu thương và ngược lại. Ở cùng chúng, tôi luôn tâm niệm dù là thú cưng hay vật nuôi làm kinh tế, chúng sống cùng mình một ngày cũng nên chăm sóc, yêu thương chân thành", Thảo nói.
Nhiều bạn bè ở Việt Nam, những người hàng xóm ở Australia thấy nhà Thảo nuôi nhiều động vật nên gợi ý cho họ mở dịch vụ tham quan. Tuy nhiên, gia đình Thảo từ chối. Họ muốn để những con vật có cuộc sống bình yên, tự nhiên nhất.
Thi thoảng, để thỏa mãn trí tò mò của bạn bè và truyền tình yêu với động vật, cô gái Việt ở Australia quay clip, chụp ảnh chúng đăng tải lên mạng xã hội. "Nhà cả trăm miệng ăn thế này thì chỉ có nước nghèo bền vững", cô tếu táo.
Phạm Nga