Khủng hoảng Venezuela tuần trước sôi sục khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự nhận là tổng thống lâm thời để tước bỏ quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro. Lạm phát cao, chất lượng y tế giảm là những nguyên nhân khiến nhiều người chống đối chính quyền.
Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng trong những năm gần đây, sai lầm trong quản lý đã gây ra sự sụt giảm mạnh trong sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, gây tổn hại sâu sắc đến nền kinh tế khi Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, theo Washington Post.
Vài năm sau khi Hugo Chavez nhậm chức tổng thống năm 1999, ông sa thải hàng nghìn nhân viên tại công ty dầu mỏ nhà nước Petróleos de Venezuela sau một cuộc đình công. Ông loại bỏ các chuyên gia về sản xuất dầu và thay thế họ bằng những người trung thành.
Giữa những năm 2000, khi giá dầu tăng cao, Chavez bơm doanh thu dầu của nước này vào các chương trình phúc lợi xã hội, bao gồm cả việc áp giá xăng dầu trong nước quá thấp khiến mức tiêu thụ tăng vọt. Nền kinh tế đất nước không thể chống đỡ được khi giá dầu toàn cầu giảm từ mức hơn 100 USD một thùng năm 2014 xuống dưới 30 USD vào đầu năm 2016.
"Đó là thời điểm bạn thấy sự quản lý kinh tế tệ trong vài năm qua kết hợp với việc giá dầu giảm mạnh thực sự bắt đầu gây tổn hại cho nền kinh tế Venezuela", Sarah Ladislaw, giám đốc chương trình an ninh quốc gia và năng lượng tại Trung tâm chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, nói.
Trong 6 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội của Venezuela đã giảm một nửa, theo tính toán được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng một.
Khi kinh tế Venezuela suy thoái, các nhà đầu tư thoái lui vì lo ngại chính phủ không thể trả được nợ. "Sự suy giảm mà chúng tôi theo dõi thấy trong ba năm qua là do mọi người đã không tái đầu tư vào sản xuất dầu ở Venezuela trong một thời gian dài", Lad Ladislaw nói.
Lạm phát cao đồng nghĩa với việc người dân bình thường không thể mua được hàng hóa cơ bản. Khi giá cả tăng vọt, thực phẩm và thuốc men vượt ra ngoài tầm với của nhiều người Venezuela.
Năm ngoái, Maduro thực hiện một kế hoạch mới là xóa 5 số 0 trên đồng Bolivar nhằm đối mặt với vấn đề lạm phát gia tăng.
"Trước khi Maduro đưa ra thông báo thì vào thứ 6, một kg đào có giá khoảng 1,1 triệu Bolivar. Thứ ba tuần sau đó, giá đã tăng gần gấp đôi lên 2,1 triệu Bolivar hay là 21 đồng theo cách tính mới", Washington Post đưa tin hồi tháng 8/2018.
IMF ước tính rằng tỷ lệ lạm phát của nước này là 1,37 triệu % vào cuối năm 2018. Năm 2019, dự đoán của IMF là lạm phát có thể lên tới 10 triệu %.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà kinh tế đều đồng ý với các con số của IMF. Steve Hanke, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins nói rằng không thể dự đoán về quá trình và thời gian của siêu lạm phát. Ông gọi cách tính toán của IMF là "vô trách nhiệm".
Hanke viết rằng lạm phát của Venezuela ở mức 80.000% năm 2018. Ông đánh giá tình trạng này rất tồi tệ nhưng không đến mức như tính toán của IMF.
Venezuela từng có tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong và cam kết sẽ làm nhiều hơn. Nhưng nghiên cứu được công bố tuần trước trên tạp chí Lancet Global Health ước tính tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Venezuela đã tăng từ 15/1.000 ca sinh năm 2008 lên 21,1/1000 ca sinh năm 2016. Nhà nghiên cứu Jenny García nhận xét rằng "Venezuela đã đi mất 18 năm tiến bộ".
Bà nhận định nguyên nhân là việc giảm ngân sách y tế và đánh giá xu hướng này sẽ tiếp tục vì Venezuela phải đối mặt với sự tái xuất hiện của các bệnh như bại liệt và bạch hầu mà họ từng kiểm soát thành công.
Tất cả những yếu tố này khiến nhiều người Venezuela rời khỏi đất nước, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử khu vực.
Gánh nặng rơi xuống vai các nước lân cận. Colombia đã triển khai quân đội đến biên giới sau khi hàng trăm nghìn người Venezuela xâm nhập vào nước này đầu năm 2018. Những người bỏ trốn đến từ nhiều ngành nghề, bao gồm cả giáo viên và bác sĩ không đủ khả năng nuôi sống gia đình ở Venezuela.