Lona sống ở vườn chim này đã 14 năm, là một trong 5 con rồng ít ỏi trên đảo Bali và thuộc 2.500 cá thể rồng Komodo cuối cùng ở Indonesia cũng như toàn thế giới. Loài rồng này sắp tuyệt chủng và có tên trong sách đỏ động vật hoang dã cần bảo vệ.
Agus Setiawan, người chăm sóc rồng Lona 7 năm qua, nói rằng anh yêu con vật khổng lồ này như một người bạn thân, nhưng cũng lắm phen phải tháo chạy bởi bản tính hung dữ của nó. Nặng hơn 100 kg, Lona dài 2,5 m và có thể lên đến 3 m khi thực sự trưởng thành. Cũng như đồng loại của mình, rồng Lona có đặc tính lãnh thổ nên không con rồng nào có thể nhốt chung với nó. Lona cùng các con rồng khác được nhốt riêng cách xa nhau, nếu không đặc tính bảo vệ lãnh thổ sẽ khiến chúng đánh nhau, thậm chí ăn thịt lẫn nhau kể cả đó là bạn tình.
Khu vực chuồng của Lona giống các con rồng khác, được thiết kế như một vùng sa mạc tự nhiên với nhiều khối đá, cây xương rồng trồng khắp nơi để ngăn rồng chạy theo một đường thẳng, tường kín vây quanh chặn khả năng leo trèo của chúng. Ở một góc vườn có cửa nhỏ thông với chuồng bên kia, là thế giới của nàng rồng cái. Vào mùa giao phối, rồng cái qua lại với rồng đực qua cửa thông này, song tỷ lệ đậu thai rất ít. Thực tế Lona sống ở vườn thú nhiều năm, tuổi sinh sản bắt đầu từ khi lên 8 nhưng theo Sutama, Giám đốc công viên Bali Bird Park, chú rồng đực chưa tạo ra được thế hệ rồng con kế tiếp nào. Tỷ lệ sinh sản quá ít này là một trong những nguyên nhân chính khiến rồng Komodo đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Rồng Komodo được xem là quốc thú của Indonesia. Loài rồng này chỉ sống trên đảo Komodo của quốc gia này. Chúng thuộc họ bò sát, loài thằn lằn khổng lồ được cho là có liên quan mật thiết đến loài khủng long ở thời kỳ cổ đại. Với trọng lượng khi trưởng thành nặng hơn 100 kg, thoạt nhìn có vẻ nặng nề chậm chạp song rồng Komodo có thể chạy với tốc độ 20 km một giờ, nhanh hơn cả con người. Chúng thường chạy theo đường thẳng, có thể nhảy cao 2-4 m, leo trèo và bơi lặn rất tốt.
Thị giác hơi kém song loài rồng này được thiên nhiên phú cho khứu giác vô cùng nhạy. Chúng có thể đánh hơi mùi thức ăn trong gió ở khoảng cách 7-10 km. Người chăm sóc rồng Agus Setiawan nói rằng khứu giác của Lona còn nhạy bén hơn nữa khi nó đói. Thông thường cứ 2 tuần rồng ăn một lần với 4 kg thức ăn gồm thỏ, gà... tươi hoặc đã chết. Song vài ngày trước kỳ ăn Lona đã cảm thấy đói nên lồng lộn khó chịu, khi ấy nó có thể đánh hơi mùi thịt thối từ khoảng cách hơn 7 km nhờ chiếc lưỡi có cấu tạo hai chĩa rất đặc biệt. Những ngày này kể cả người chăm sóc thân cận nhất cũng khó thể tiếp cận chú rồng, cho đến khi nó được ăn no.
Có rất nhiều câu chuyện lan truyền về chiếc lưỡi kỳ lạ của rồng Komodo. Bộ hàm chắc khỏe, cái lưỡi tinh nhạy luôn thò ra thụt vào để đánh hơi và chứa chất kịch độc, rồng Komodo có thể giết chết một con trâu mộng ngay tức khắc. Nếu con mồi may mắn thoát ra khỏi chiếc hàm rồng, nó vẫn sẽ chết ở một nơi nào đó vì chất kịch độc này. Rồng có thể tìm ra con mồi chết nhờ khả năng đánh hơi tuyệt vời để đến ăn thịt.
Những con rồng Komodo còn sót lại ngày nay ở Indonesia phần lớn được nuôi nhốt trong các vườn thú để đảm bảo tránh nguy cơ tuyệt diệt. Nơi ở của chúng đều được mô phỏng giống y môi trường sống tự nhiên. Tuy nhiên dù thế nào thì môi trường sống trong vườn thú cũng khiến chúng hạn chế trong sinh sản. Lona thuộc thế hệ F1 đầu tiên của rồng Komodo được sinh nở tại vườn thú nên về bản tính phần nào đã tương đối thuần hóa hơn những con hoang dã. Chúng sống thọ 50-80 tuổi, tương đương với một đời người.
Xem thêm: Người canh giữ thế giới rùa trên đảo Bali
Phan Anh