Ngày 28/10 năm đó, trang nhất của tờ Hong Kong Telegraph đưa tin: "Thật hiếm khi nhìn thấy một con hổ tại vùng Tân giới, các cảnh sát rất tò mò muốn biết nó đến từ đâu". Hong Kong là thuộc địa của Anh từ năm 1842 cho đến khi Anh bàn giao cho Trung Quốc năm 1997.
Ngày 26/10/1929, những người đàn ông nhận ra một cái bẫy hươu mà họ đặt cách làng khoảng 365 m biến mất. Họ lần theo những dấu vết trên đất và tìm đến một cái hố. Bên trong, họ phát hiện ra con hổ bị thương, chiếc bẫy mắc vào chân nó.
Cảnh sát đưa con hổ đến một công viên giải trí ở Hong Kong nhưng nó chết không lâu sau. Một cảnh sát sau đó được sở hữu bộ da hổ.
"Câu chuyện đó khiến bạn tự hỏi có bao nhiêu con hổ được người dân địa phương phát hiện mà chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến", John Saeki, nhà báo đang nghiên cứu để viết sách về hổ ở Hong Kong, nói.
Từ những năm 1920 đến những năm 1960, báo chí địa phương đưa tin về hàng trăm lần người dân trông thấy hoặc chạm trán hổ ở Hong Kong. Một con hổ năm 1911 bơi ra đảo Lamma xa xôi của Hong Kong và ăn thịt gia súc. Năm 1937, một con hổ ăn thịt một người phụ nữ, chỉ để lại vết máu trên sườn núi.
Thực tế, hổ không sinh sống ở Hong Kong, nhưng vào nửa đầu thế kỷ 20, do khan hiếm thức ăn, hổ Hoa Nam, loài sống ở miền nam Trung Quốc đại lục, đã sang Hong Kong để săn gia súc và lợn rừng rồi lại trở về địa bàn sống. Có khoảng 20.000 cá thể hổ Hoa Nam vào thời điểm đó, đôi khi chúng ăn thịt người thay vì động vật.
Hơn 10.000 người đã bị hổ giết hoặc làm bị thương ở 4 tỉnh miền nam Trung Quốc, gồm Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam và Quảng Đông, từ năm 48 đến năm 1953, theo ghi chép trong Bộ sưu tập Sách cổ tại Đại học Sư phạm Phúc Kiến. Người dân cũng nơm nớp lo sợ những con hổ sẽ giết lợn và gia súc họ nuôi vào ban đêm.
Vào đầu thế kỷ 20, khi nhà truyền giáo Harry Caldwell đến nam Trung Quốc, ông dạy dân làng cách giết hổ. Trong cuốn hồi ký "Con hổ xanh", Caldwell kể rằng tháng 4/1910, ông bắn chết một con hổ vừa giết thiếu niên 16 tuổi. "Việc giết con mãnh thú đó đã khiến gần như toàn bộ dân làng theo đạo Cơ đốc", ông viết và cho biết người Trung Quốc bị mê hoặc bởi khẩu súng Mỹ của ông.
Khi ngày càng nhiều người săn hổ và môi trường sống tự nhiên của con vật thu hẹp do hoạt động của con người, số lượng hổ Hoa Nam giảm từ khoảng 20.000 con vào năm 1905 xuống 4.000 con vào đầu những năm 1950.
Từ những năm 1940, số lượng người nhìn thấy hổ ở Hong Kong ngày càng nhiều, chúng đã đi 32 km trong một ngày để tìm thức ăn.
Mặc dù ngày nay Hong Kong có nhiều tòa nhà chọc trời hơn gần như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, vào năm 1900, đây là một vùng nông nghiệp với nhiều đồi núi, chỉ có 280.000 dân.
Có hai con hổ đã đọng lại trong tâm trí của nhiều người Hong Kong. Năm 1915, dân làng ở Hong Kong nói với cảnh sát rằng họ nhìn thấy một con hổ ở Sheung Shui nhưng người Anh không tin.
Sau khi một dân làng thiệt mạng, cảnh sát mới nhìn nhận vấn đề này nghiêm túc. Ernest Goucher, cảnh sát 21 tuổi từ Nottingham, được cử đi điều tra cùng với đồng nghiệp người Ấn Độ Ruttan Singh. Cả hai bị hổ vồ, Singh chết ngay lập tức, trong khi Groucher được đưa đến bệnh viện với những vết thương nghiêm trọng và sau đó thiệt mạng.
Cảnh sát Donald Burlingham bắn chết con vật vào ngày 9/3/1915. Nó dài hơn 2,2 mét (tính từ chóp mũi đến hết chiều dài đuôi) và cao khoảng một mét, bàn chân có chiều ngang 15 cm và nặng 131 kg.
Khi xác hổ được trưng bày tại Tòa thị chính Hong Kong một ngày sau khi nó bị bắn, hàng nghìn người đã xếp hàng để quan sát. Đầu của nó được chế thành tiêu bản và được trưng bày tại Bảo tàng Cảnh sát của thành phố.
Con hổ khét tiếng còn lại xuất hiện tại Stanley. Năm 1942, khi Hong Kong bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến II, con hổ này "khủng bố" các tù nhân và lính canh tại Trại giam Stanley, nơi giam hàng nghìn tù nhân không phải là người Hoa.
Trong nhiều tuần, con hổ lảng vảng trong sân và gầm vào ban đêm. George Wright-Nooth, một tù nhân tại trại giam, viết trong nhật ký: "Đêm qua Langston và Dalziel, những người ngủ ngoài trời ở phía sau nhà, bị đánh thức vào khoảng 5h sáng vì những tiếng gầm rống".
Ban đầu các tù nhân không tin thật sự có hổ.
"Langston quyết định đi xem xét. Cậu ta đi ra rìa vườn và nhìn xuống con dốc dẫn đến hàng rào dây thép. Langston bỗng nhảy cẫng lên, lao trở lại vào phòng lò hơi và hét lên "có một con hổ ở dưới đó".
Đây là một trại giam mở chủ yếu do tù nhân tự quản, các "buồng giam" không có cửa. Bao quanh trại giam là hàng rào cao và binh lính có vũ trang để ngăn chặn họ vượt ngục.
Cuối cùng, một cảnh sát Ấn Độ bắn chết con hổ. Một tù nhân từng là người bán thịt được yêu cầu hỗ trợ biến con hổ thành tiêu bản trưng bày trong thành phố.
Thời hậu chiến, việc nhìn thấy hổ ở Hong Kong trở nên hiếm hoi hơn. Năm 1965, một nữ sinh cho biết đã nhìn thấy một con hổ trên Tai Mo Shan, đỉnh núi cao nhất của Hong Kong nhưng không có bằng chứng nào để xác nhận.
Việc hổ gần như không còn xuất hiện ở Hong Kong không phải là điều bất ngờ vì số lượng hổ ở Trung Quốc đại lục rất thấp.
Vào những năm 1970, chính quyền Trung Quốc ra lệnh cấm giết hổ và thực hiện nỗ lực bảo tồn loại động vật này. Tuy nhiên, Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên cho biết nhiều khả năng hiện không còn cá thể nào sống ở môi trường hoang dã. Khoảng 100 con sống ở vườn thú và các trung tâm nhân giống.
Phương Vũ (Theo CNN)