Có những con đường biển báo lấp vào lùm cây, vạch kẻ đường thì như đánh đố. Lúc ấy xuất hiện từ bên phải một "người điên", vượt và chặt đầu xe. Có con đường nắng bụi, mưa bùn, ngập không nhìn thấy mốc giới. Nếu lạ đường thì xe sẽ đi trên nắp cống đang mở sẵn thoát nước.
Nhiều khi đỗ lại chờ đèn đỏ mà xe sau cứ lấy đuôi xe mình làm phanh. Nếu không thế thì chẳng thể nào thoát được vòng vây xe máy. Hở ra là họ chen. Có những con đường cho chạy 100 km/h, nhưng ngay sau là biển báo tốc độ tối đa 20 km/h. Oái oăm hơn là xe đang xuống dốc.
Ở nơi đó thường có ông đội nón lá, mặc áo mưa, lưng đeo cành cây mắt dõi theo từng đoàn xe, bất ngờ dương súng bắn anh tài nào đấy không quen đường. Đồng đội ông cách đấy một cây, đứng sẵn và cho một gậy vì quá tốc độ. Có con đường đẹp nhất VN, gọi là cao tốc nhưng xe buýt, xe máy, xe bò, xe cải tiến ngang nhiên đi vào. Thậm chí ngược chiều.
Cảnh bụi bặm trên Đại lộ Thăng Long. |
Có những con đường dành riêng cho tàu hỏa thế mà ôtô, xe máy cứ cắt ngang liều mình như chẳng có. Có con đường hiện đại bậc nhất vừa khánh thành, cánh tài xế nhà ta phi lên thử xe, thử cảm giác vì lâu ngày bị trói trong 50 km/h. Những anh Kia CD5, xe khách đời ơ kìa cũng "đú" trên 120 km/h để rồi cắt côn ra mo, nếm cảm giác phiêu linh. Có anh không chịu được nhiệt, nổ lốp, mất lái trượt mấy vòng trước khi quay đầu về núi, kịp tiễn đưa mấy người dân oan về với thế giới bên kia.
Nhiều con đường trước kia rộng thênh thang, gắn với các anh hùng đã đi vào lịch sử. Nay bịt lại bằng bê tông. Đèn đỏ đèn xanh hiện đại, ngốn hàng tỷ đồng thuế còn đó, đang hoạt động mà dòng người đóng thuế đông như kiến vẫn rẽ, quay đầu, rồi lại rẽ cho đến khi mệt nhoài...
Ngạc nhiên nhất là họ tranh nhau kể công, thậm chí đòi cấp bằng sáng chế! Khi bị dân kêu, Quốc Hội kêu thì đồng loạt "cãi xóa" - vô can. Dải phân cách vừa hoàn thành "sứ mệnh" hôm trước thì hôm sau đã thành sắt vụn.
Có con đường 24/7 là tắc nghẽn, thoảng có vài anh công an được điều đến. Nhưng một ngày đẹp trời đoàn quốc tế đi qua, thì chao ôi sao mà lắm công an thế. Có anh tóc bạc đeo lon đại tá cũng cầm gậy chỉ đường và thật kỳ diệu, đông nhưng không tắc! Đoàn quốc tế đi qua, các anh cũng bỏ vị trí và "chuyện thường ngày" lại tiếp diễn. Vì thế, có nên gọi các anh là "công an quốc tế" không nhỉ?
Có con đường không bao giờ phun nước rửa. Nhưng có những con đường ngày hai lần đều như vắt chanh cứ nhè vào ca, tan ca là phụt lấy được, chị em váy xanh váy đỏ là lung hết cả tung.
Có những con đường hàng đêm choai con không biết con nhà buôn hay con ai, động rồ rú ga nẹt pô, lắc giật, đánh võng, bốc đầu...theo sau là bọn rỗi hơi hò hét cổ vũ. Đến lúc đuổi nhau với công an, náo loạn cả một đêm yên bình. "Phi đen" nhất là dân oan nào ra đường gặp "gái", bước bằng chân trái, gặp bọn này không hoàn vũ thì cũng báo cháo cả đời.
Có con đường mà càng cuối năm càng đào bới để chi hết tiền ngân sách. Nhưng cái đáng nói là họ làm cẩu thả, ngụy trang bằng cành cây khô là còn phúc, không thì kệ. Chỉ khổ cho ai mải ngắm mà không đi xe hai cầu, sập bẫy chỉ có nước cứu hộ. Thủ phạm chỉ loanh quanh mấy ông điện, nước, viễn thông mà không tài nào dứt điểm.
Vài con đường hiện đại, có cả hầm cho người đi bộ. Không hiểu sao chui vào khách lạ lại lạc, mãi chẳng định hướng được cái cửa mà mình cần ra. Thế là chúng biến thành chỗ tập thể dục, chỗ ngủ cho dân vô gia cư, chỗ tệ nạn...
Còn người đi bộ lại băng qua đường với tinh thần dũng cảm vô song.
Nguyễn Phúc Tâm