Iran ngày 1/10 phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel, đánh trúng một số căn cứ không quân của nước này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran "đã phạm sai lầm và sẽ phải trả giá". Truyền thông Israel đưa tin chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đang xem xét đáp trả Iran bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng chiến lược như giàn khoan dầu khí hoặc cơ sở hạt nhân.
Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, trong khi Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này vì mục đích hòa bình. Các lãnh đạo Iran cũng từng tuyên bố các cơ sở hạt nhân này là "lằn ranh đỏ" đối với họ.
Để tấn công cơ sở hạt nhân Iran, tên lửa của Israel sẽ phải bay qua không phận bên thứ ba, như Jordan, Arab Saudi hoặc Iraq. Iran đã phân tán các cơ sở hạt nhân của mình tại nhiều khu vực, thậm chí xây dựng ngầm trong boongke kiên cố, khiến đối phương khó có thể phá hủy chúng hoàn toàn.
Dù vậy, Israel đã thể hiện được năng lực tập kích vào các mục tiêu ở khoảng cách xa, như nhắm vào Houthi ở Yemen, và hồi tháng 4 từng phóng máy bay không người lái (UAV) vào mục tiêu gần thành phố Natanz ở miền trung, nơi có cơ sở làm giàu uranium được coi là cốt lõi trong chương trình hạt nhân Iran.
Một số quan chức Mỹ nhận định cơ sở hạt nhân Natanz có thể là mục tiêu hàng đầu mà Israel nhắm tới trong đòn đáp trả lần này. Cơ sở nằm ở khu vực bằng phẳng phía nam thủ đô Tehran, gồm hai nhà máy làm giàu uranium. Nhà máy thí điểm làm giàu nhiên liệu (PFEP) được xây dựng trên mặt đất, còn Nhà máy làm giàu nhiên liệu (FEP) quy mô lớn hơn nằm kiên cố dưới lòng đất.
Một nhóm đối lập lưu vong Iran năm 2002 tiết lộ rằng Natanz được Iran xây dựng trong một dự án bí mật, châm ngòi cho cuộc đối đầu ngoại giao với phương Tây liên quan chương trình hạt nhân của Tehran kéo dài đến nay.
FEP được thiết kế với quy mô thương mại, sức chứa 50.000 máy ly tâm. Cơ sở hiện có khoảng 14.000 máy ly tâm, trong đó gần 11.000 máy hoạt động, làm giàu uranium đến độ tinh khiết 5%.
Các nguồn thạo tin về Natanz cho biết FEP được xây dựng ở độ sâu tương đương ba tầng hầm. Hiện chưa rõ Israel có thể gây thiệt hại thế nào nếu không kích vào cơ sở này. Hồi tháng 4/2021, Iran nói Israel tấn công vào khu vực nhà máy gây mất điện và tạo ra một vụ nổ.
Nhà máy PFEP trên mặt đất chỉ có vài trăm máy ly tâm, nhưng Iran có thể làm giàu uranium với độ tinh khiết lên tới 60% tại đây.
Ở phía đối diện với Natanz, bên kia dãy núi Qom, là cơ sở làm giàu nhiên liệu hạt nhân Fordow. Cơ sở này được xây dựng trong núi, nên sẽ được bảo vệ tốt hơn trước nguy cơ bị oanh tạc so với FEP.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc năm 2015 (JCPOA) không cho phép Tehran làm giàu uranium tại Fordow. Cơ sở này hiện có hơn 1.000 máy ly tâm, một phần là dòng IR-6 hiện đại có thể làm giàu uranium với độ tinh khiết lên tới 60%.
Mỹ, Anh và Pháp năm 2009 cho biết Iran đã âm thầm xây dựng cơ sở Fordow suốt nhiều năm và không thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). "Quy mô và thiết kế của cơ sở này không phù hợp với một chương trình hạt nhân vì hòa bình", ông Barack Obama, tổng thống Mỹ khi đó, nói.
Iran còn có trung tâm công nghệ hạt nhân quy mô lớn ở ngoại ô Isfahan, thành phố lớn thứ hai đất nước. Khu vực có nhà máy chế tạo tấm nhiên liệu (FPFP) và cơ sở chuyển đổi uranium (UCF) có thể xử lý uranium thành uranium hexafluoride để đưa vào máy ly tâm.
Cơ sở Isfahan có trang thiết bị để sản xuất thanh nhiên liệu uranium, quy trình đặc biệt nhạy cảm bởi nó có thể làm lõi cho bom hạt nhân. IAEA cho biết cơ sở ở Isfahan còn có hệ thống chế tạo bộ phận máy ly tâm và mô tả đây là "một địa điểm mới" trong chương trình hạt nhân Iran.
Iran đã xây dựng một phần trung tâm nghiên cứu lò phản ứng nước nặng, tên gọi ban đầu Arak, hiện là Khondab. Các lò phản ứng nước nặng gây lo ngại về nguy cơ phổ biến hạt nhân, vì chúng có khả năng sản xuất plutonium, chất có thể làm giàu tương tự uranium và làm lõi bom nguyên tử.
Theo thỏa thuận JCPOA, Iran phải ngừng hoạt động xây dựng ở Khondab. Lõi các lò phản ứng được tháo gỡ và đổ bê tông vào để vô hiệu hóa. Lò phản ứng được thiết kế lại để "sản xuất tối thiểu plutonium, không tạo ra plutonium tiêu chuẩn vũ khí".
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA dưới thời tổng thống Donald Trump, Iran thông báo với IAEA rằng họ dự định đưa các lò phản ứng ở Khondab hoạt động trở lại vào năm 2026.
Tại Tehran, Iran có các cơ sở nghiên cứu hạt nhân, bao gồm cả Lò phản ứng Nghiên cứu Tehran (TRR). TRR sản xuất đồng vị phóng xạ y tế, giúp điều trị ung thư và chẩn đoán trong y học hạt nhân. TRR là tiêu điểm trong quá trình đàm phán JCPOA, bởi nó có thể dùng cho mục đích quân sự.
Cơ sở ở Parchin, cách Tehran khoảng 30 km về phía đông nam, là nơi thử nghiệm chính thức vũ khí thông thường và tên lửa. Một số thông tin cho rằng nơi này có thể liên quan phát triển vũ khí hạt nhân. Năm 2021, các báo cáo cho thấy Iran có thêm một cơ sở ở làng Sanjarian, cách Tehran khoảng 30 km về phía đông, bị nghi là nơi chế tạo bộ phận của hệ thống kích nổ.
Gần thành phố Karaj, cách Tehran khoảng 40 km về phía tây, là trung tâm công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Cơ sở này cũng có thể được dùng để sản xuất và phát triển máy ly tâm làm giàu uranium. Tháng 6/2021, các nguồn tin Iran cho biết cơ sở là mục tiêu của một âm mưu phá hoại bất thành.
Bushehr là nhà máy điện hạt nhân duy nhất đang hoạt động ở Iran. Cơ sở nằm ở ven Vùng Vịnh, sử dụng nhiên liệu từ Nga. Moskva sẽ thu hồi nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để tránh nguy cơ phổ biến hạt nhân.
Ali Vaez, giám đốc Chương trình Iran tại ICG, tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các cuộc khủng hoảng trên thế giới, trụ sở tại Bỉ, nhận định Israel có thể chớp lấy cơ hội sau đòn tập kích tên lửa của Iran để tấn công các cơ sở hạt nhân, trong bối cảnh "lá chắn phòng vệ" của Tehran là lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã suy yếu.
Hezbollah là nhóm vũ trang trong "trục kháng chiến" được Iran hậu thuẫn để ứng phó ảnh hưởng của Israel và Mỹ tại Trung Đông. Sự hiện diện của nhóm ở miền nam Lebanon từng được coi là "chính sách bảo hiểm" của Iran nhằm tránh Tel Aviv tấn công cơ sở hạt nhân hoặc giới lãnh đạo của Tehran. Tuy nhiên, Hezbollah gần đây chịu tổn thất nặng nề từ chiến dịch không kích của Israel.
Trong khi đó, Mỹ đã tăng cường lực lượng quân sự tại Trung Đông để bảo vệ Israel trước các nguy cơ bị tập kích tiếp theo. "Với Tel Aviv, đây là cơ hội trăm năm có một để xử lý mối đe dọa lớn từ Tehran, vốn đã hiện hữu suốt nhiều thập kỷ qua", Vaez đánh giá.
Mỹ, đồng minh chính trị và quân sự lớn nhất của Israel, không ủng hộ Tel Aviv tấn công cơ sở hạt nhân của Tehran để trả đũa. Tuy nhiên, cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett viết trên X rằng Israel "phải hành động ngay để phá hủy chương trình hạt nhân Iran".
"Chúng ta đã có lý do. Chúng ta đã có công cụ", ông Bennett cho biết.
Như Tâm (Theo Reuters, DW)