Từ "brain rot" (tạm dịch: "thối não") đã được Từ điển Oxford chọn làm từ của năm 2024. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng suy giảm trí tuệ và sức khỏe tinh thần do tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến, thường là những thứ nhỏ nhặt, thiếu chiều sâu, và đôi khi mang tính độc hại.
Nhưng điều thú vị là "thối não" lại đang len lỏi một cách rất mềm mại và có phần ngọt ngào qua các bộ phim "tổng tài bá đạo" mà không ít phụ nữ, đặc biệt là những người ngoài 30 tuổi độc thân, đang say mê.
Một người bạn 33 tuổi của tôi là minh chứng điển hình. Mỗi ngày sau giờ làm, cô ấy về nhà, ăn cơm, rồi dành hàng giờ xem các bộ phim Trung Quốc thuộc thể loại tổng tài bá đạo yêu nhân viên ngờ nghệch.
Những bộ phim này thường phi logic đến mức ngay cả khán giả Trung Quốc cũng không tiếc lời chỉ trích. Thế nhưng, sự gượng ép trong kịch bản hay những tình huống "không ai nghĩ ra nổi" ấy vẫn có sức hút kỳ lạ, như một loại "gia vị ngọt lịm pha chút ảo tưởng".
Tại sao vậy? Đơn giản là bởi những bộ phim này thỏa mãn giấc mơ thoát khỏi thực tế. Ở tuổi ngoài 30, khi những kỳ vọng về tình yêu cổ tích đã dần phai nhạt, các nhân vật tổng tài đẹp trai, giàu có, và bất chấp tất cả để yêu một cô gái bình thường trong phim lại trở thành niềm an ủi.
Không cần phải đối diện với những câu hỏi khó chịu từ gia đình hay đồng nghiệp về việc "bao giờ lấy chồng," các bộ phim này là nơi họ tìm thấy một mảnh ghép lãng mạn giữa cuộc sống đầy áp lực.
Tuy nhiên, việc đắm chìm trong những giấc mơ ảo có thể giống như một bữa tiệc ngọt quá đà. Nó đem lại cảm giác dễ chịu nhất thời nhưng lâu dần lại gây ra những tác động không nhỏ đến tâm lý.
Giống như cách từ "brain rot" mô tả, việc liên tục hấp thụ nội dung phi thực tế sẽ khiến người ta dễ mất đi khả năng đối diện với hiện thực hoặc xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Thực tế là, không có tổng tài bá đạo nào xuất hiện ngoài đời thực để "cứu" chúng ta khỏi những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng nếu biết cân bằng giữa mơ mộng và thực tế, thỉnh thoảng "thối não" một chút cũng chẳng sao.
Đó đơn giản là cách để tìm niềm vui giữa guồng quay hối hả của cuộc đời. Điều quan trọng là sau khi tắt màn hình, chúng ta vẫn bước ra ngoài, sống trọn vẹn và chủ động nắm lấy hạnh phúc của mình.
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email:bandoc@vnexpress.nethoặc ấn vào box bên dưới.
Hạnh Nguyên