Chunhun, ngôi sao nổi tiếng trên mạng xã hội Nhật Bản, bắt đầu một ngày mới bằng việc nghe những ca khúc của ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong. Cô là một trong số ít phụ nữ trẻ có niềm đam mê âm nhạc Triều Tiên ở Nhật, theo Japan Times.
"Tôi nghe các bài hát của họ cũng giống như nhiều cô gái Nhật nghe K-pop hay nhạc của nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift", Chunhun, người không tiết lộ tên thật của mình, nói.
Vào những buổi sáng buồn bã, Chunhun có xu hướng chọn những ca khúc mang âm hưởng hoành tráng hơn trong các ca khúc Triều Tiên.
"Ngay cả khi đối mặt với một ngày khó khăn phía trước, tôi cũng có thể dễ dàng chuyển sang trạng thái đầy khí thế khi những ca khúc này khuyến khích tôi 'đánh bại kẻ thù' hay giúp tôi tin rằng có một 'Nguyên soái vĩ đại' bên trong mình", Chunhun chia sẻ.
Niềm đam mê dành cho âm nhạc nói riêng, văn hóa Triều Tiên nói chung khiến Chunhun trở nên khác biệt trong đám đông Nhật Bản. Phần đa người dân ở quốc gia này không có thiện cảm với quốc gia láng giềng vì vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản nhiều thập kỷ trước lẫn tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Năm 2013, khi còn là một sinh viên thực tập tại một trang tin chuyên về Triều Tiên, Chunhun bắt đầu xây dựng hình ảnh của một cô gái hâm mộ Triều Tiên và thu hút sự theo dõi của nhiều người trên mạng xã hội.
Giờ đây, cô gái quê ở tỉnh Kanagawa dẫn dắt cả một câu lạc bộ gồm những phụ nữ trẻ có cùng sở thích với văn hóa Triều Tiên. Họ thường tụ tập trong những buổi tiệc chỉ dành cho nữ giới, bàn về tình yêu, cuộc sống và cả Triều Tiên.
Theo Chunhun, tên gọi "những cô gái tiên quân" của câu lạc bộ có thể khiến người khác ngộ nhận họ ủng hộ ông Kim Jong-un vì nó gợi nhớ đến chính sách "tiên quân", đặt quân đội lên hàng đầu của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, câu lạc bộ chỉ hứng thú với văn hóa của đất nước này. Như bao người Nhật khác, họ phản đối những hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng.
Điểm tạo nên sự khác biệt giữa họ và phần đông người dân Nhật Bản là cách nhìn nhận về nền văn hóa Triều Tiên. "Bằng cách giới thiệu văn hóa Triều Tiên như thời trang, âm nhạc và mỹ thuật, tôi muốn công chúng Nhật Bản nhận ra rằng có những người tốt sống ở đó và họ không thể bị đổ lỗi vì tất cả", Chunhun cho biết.
Từ mỹ thuật đến văn hóa
Tốt nghiệp đại học ngành mỹ thuật, Chunhun cho biết cô bị thu hút bởi vẻ đẹp hội họa toát lên từ những tranh ảnh tuyên truyền của Bình Nhưỡng.
Theo Chunhun, tranh tuyên truyền của Triều Tiên đa phần được vẽ bởi các họa sĩ tại cơ quan mỹ thuật Mansudae do nhà nước Triều Tiên quản lý. Với Chunhun, sức biểu cảm của tranh tuyên truyền được các nghệ sĩ thể hiện một cách tỉ mỉ qua các chi tiết nhỏ như hoa lá là đặc biệt đáng chú ý.
Mỹ thuật chính là nhịp cầu để Chunhun tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Triều Tiên. Cô giờ đây dùng mỹ phẩm Triều Tiên mua ở cửa hàng lưu niệm tại thành phố Đan Đông ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Mỗi ngày, Chunhun đều lên mạng để nghiên cứu các bài báo trên Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên và là nhật báo quốc gia chính của Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc dành tình cảm cho Triều Tiên qua những dòng tweet ủng hộ hay đăng ảnh bản thân mặc trang phục truyền thống của Triều Tiên trên mạng xã hội thường khiến Chunhun nhận những phản hồi tiêu cực. Cô thậm chí còn từng không tìm được việc vì thông tin liên quan đến Triều Tiên trên trang cá nhân.
"Tôi biết điều Bình Nhưỡng làm là không thể tha thứ nhưng tôi nghĩ thật sai lầm khi chúng ta tỏ thái độ dị ứng với Triều Tiên chỉ bởi vì đó là Triều Tiên", Chunhun nói.
Trong câu lạc bộ của Chunhun có một phụ nữ 23 tuổi ở nhà làm nội trợ tại Tokyo. Người phụ nữ yêu cầu giấu tên vì sợ vấp phải chỉ trích của dư luận, cho biết quan niệm về Triều Triên của cô đã thay đổi hoàn toàn sau chuyến tham quan 4 ngày đến đất nước này năm 2016.
"Tôi biết chúng tôi chỉ được phép thấy điều chính quyền muốn khách du lịch thấy. Nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy Bình Nhưỡng phồn thịnh và sạch đẹp hơn so với tưởng tượng", cô nói.
Chuyến đi cũng khiến cô thay đổi cách nhìn về binh sĩ Triều Tiên. "Từng xem họ trên tivi, tôi luôn nghĩ họ lạnh lùng và vô cảm... Nhưng khi một anh lính kiểm tra điện thoại của tôi để xóa tranh ảnh chống Triều Tiên rồi nở một nụ cười rất đáng yêu khi thấy ảnh của tôi và chồng, tôi biết họ cũng là con người".
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên thời gian qua với các cuộc phóng thử tên lửa và cuộc thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng. Triều Tiên còn từng đe dọa "nhấn chìm" Nhật Bản. "Tôi thật sự hy vọng mọi chuyện sẽ đi đến kết cục hòa bình", cô nói.
Mặt khác, cô cũng muốn quan điểm về Triều Tiên trong xã hội Nhật thay đổi. "Hy vọng của tôi là một ngày nào đó, Nhật Bản sẽ trở thành một xã hội nơi bạn không bị nhíu mày hay kỳ thị vì nói bạn thích Triều Tiên", cô nói.
Vũ Phong