Từ ngày Triều Tiên phóng hai tên lửa bay qua vùng trời thị trấn đánh cá Erimo trên đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản, bà Mitsuyo Kawamura làm nghề trồng tảo biển không ngơi nghĩ ngợi, theo Reuters.
"Giờ đây khi nghe một âm thanh lớn, tôi liền nhìn ra ngoài về phía biển", người phụ nữ 68 tuổi nói bên căn nhà tranh ven biển, nơi bà hong tảo kombu trên bãi đá. "Tôi thấy lo vì không biết lúc nào chuyện lại xảy ra".
Với cư dân thị trấn, hai quả tên lửa được Triều Tiên phóng ngày 29/8 và 15/9 là một mối đe dọa có thực song mơ hồ. Họ không nhìn hay nghe thấy lúc chúng được phóng về phía đông, bay qua bầu trời cách mặt đất vài trăm km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương sau chặng đường hơn 1.000 km.
Chỉ tiếng còi báo động ở địa phương hay tin nhắn trong hệ thống cảnh báo của chính phủ Nhật Bản đến hàng triệu thuê bao di động khắp cả nước mới khiến mối đe dọa này trở nên hiện hữu hơn.
Thị trấn Erimo bình yên với dân số 4.850 người cũng vì hai quả tên lửa Triều Tiên mà trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cuộc bầu cử sớm Hạ viện cuối tuần qua đã gọi các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng từ Triều Tiên là một cuộc khủng hoảng quốc gia. Ông khẳng định sẽ kiên quyết đối phó với mối đe đọa này.
Ở tầm quốc gia, Nhật đã triển khai 34 khẩu đội pháo chống tên lửa Patriot PAC-3 khắp cả nước, trong đó có một khẩu đội pháo ở Hokkaido, cùng nhiều hệ thống lá chắn phòng thủ Aegis trên tàu khu trục.
Ở cấp độ cá nhân, bà Kawamura chỉ biết tích trữ thêm thực phẩm và bật radio để nghe cảnh báo. Như nhiều người dân Nhật Bản, bà không biết phải tự vệ ra sao trong tình huống này. "Nếu tên lửa Triều Tiên được phóng, nó có thể rơi xuống đây chỉ sau vài khoảnh khắc. Không có nơi nào để ẩn náu", bà nói.
Trước một Triều Tiên công khai đe dọa "đánh chìm" Nhật Bản và có tham vọng phát triển đầu đạn hạt nhân vươn được tới đất liền Mỹ, ông Abe nhiều lần ủng hộ quan điểm đối phó Bình Nhưỡng bằng mọi phương án của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Thủ tướng Nhật, hiện nay không phải thời điểm để đàm phán.
"Năm 1994 họ đã hứa và tiếp tục hứa vào năm 2005 rằng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhưng họ đã không giữ lời khi phát triển các thiết bị hạt nhân và tên lửa. Chúng ta sẽ không tiếp tục bị lừa dối", ông Abe tuần trước nói trong chiến dịch vận động bầu cử. Bình Nhưỡng ngày 3/9 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Một trận động đất mạnh 6,3 độ được ghi nhận ở miền bắc Triều Tiên.
Trên các bến tàu của thị trấn Erimo, nơi ngư dân phân loại cá hồi sau mẻ đánh bắt sáng trước khi cho cá vào bể nước đá, thông điệp của ông Abe vừa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ lại đồng thời làm dấy lên lo ngại.
"Hiện nay, không ai tốt hơn ông Abe", lão ngư dân Satoru Narita, 72 tuổi, nói.
"Lần tới khi họ phóng tên lửa, tôi muốn nhìn thấy chúng tôi phóng đáp trả. Chúng tôi không thể sống trong hòa bình và an toàn", ngư dân Ryosuke Kinoshita, 23 tuổi, chia sẻ thêm, cho rằng Nhật Bản lâu nay đã quá thụ động.
Tuy nhiên, Haruki Suminoya, người đứng đầu hiệp hội đánh cá Erimo, lo ngại việc Nhật Bản công kích Triều Tiên có thể khiến Bình Nhưỡng tấn công. "Cách tiếp cận của ông Abe quá rắn, quá cực đoan. Một cách tiếp cận tiết chế hơn sẽ ổn hơn", Suminoya nhận xét.
Khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, những cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng khiến người dân nơi đây bất an. Họ biết, với Triều Tiên, Erimo là mục tiêu gần hơn Mỹ. "Nếu Triều Tiên làm điều gì đó nghiêm trọng, Nhật Bản nằm trong tầm bắn", người đứng đầu thị trấn Masaki Ohnishi nói.
Sau hai lần Triều Tiên phóng tên lửa, các quan chức địa phương cho hay giải pháp ứng phó của Erimo là phát huy nội lực. Thị trấn có nguồn dự trữ thực phẩm, nước... cho tình huống khẩn cấp.
Hệ thống loa phát thanh tại 50 điểm vốn được dùng để cảnh báo sóng thần, bão nay kiêm thêm cảnh báo tên lửa. 1.500 thiết bị không dây được lắp cho tổng số 2.200 hộ gia đình để người dân nhận được thông báo của chính quyền ngay cả khi ở trong nhà.
Song tên lửa từ phía tây không phải là mối đe dọa duy nhất với Erimo. Cư dân thị trấn lo ngại Triều Tiên có thể thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương, làm nhiễm độc nước biển, trong bối cảnh các chuyên gia thế giới cảnh báo bãi thử hạt nhân Punggye-ri truyền thống của Bình Nhưỡng có nguy cơ sụp đổ sau 6 vụ thử hạt nhân.
"Phóng xạ sẽ khiến toàn bộ cá thành thực phẩm không thể ăn được", Narito, một người đàn ông đánh cá lớn tuổi, cho hay. "Chúng tôi là thị trấn làm nghề cá. Nếu không thể đánh bắt cá nữa, chúng tôi coi như xong".
Vũ Phong