Những ngày nay, tàu của ngư dân Quảng Nam tấp nập cập cảng cá An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, bán mực. Bình quân mỗi tàu chở 20-32 tấn mực khô bán cho thương lái rồi đưa nhu yếu phẩm lên tàu để tiếp tục ra khơi.
Chủ tàu Nguyễn Phước Thành, 38 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, ra khơi 60 ngày, đánh bắt 27 tấn mực khô. Tàu cập bờ, thương lái thu mua giá 130.000 đồng kg, anh thu về 3,5 tỷ đồng. "Sau khi trừ chi phí, chủ tàu lãi 500 triệu đồng, thuyền viên thu 50-70 triệu đồng", anh Thành nói và cho biết giá bán cao hơn năm trước 15.000 đồng/kg.
Bán xong số mực, tàu anh Thành đậu bờ 5 ngày để đổ dầu, mua sắm nhu yếu phẩm, sau đó cùng gần 50 thuyền viên tiếp tục ra khơi đánh bắt vụ thứ hai trong năm. Gần 30.000 lít dầu, 10 bình gas và nhiều tấn gạo, mì tôm, rau củ quả... đưa lên khoang tàu. "Ngày mai, tàu xuất bến ra vùng biển Hoàng Sa. Thời tiết đang thuận lợi, biển yên, sóng ít nên đánh bắt được nhiều mực", anh Thành nói.
Nghề câu kéo dài từ tháng giêng đến tháng 10 âm lịch. Mỗi năm, tàu ra khơi ba chuyến biển, mỗi chuyến 2-3 tháng. Trong đó, chuyến biển đầu năm thường có doanh thu khá nhất, vì nắng nhiều, mưa ít, biển lặng. Hai chuyển biển còn lại thường có bão, áp thấp nhiệt đới, biển động nên khai thác được ít hơn.
Công việc câu mực bắt đầu từ chiều tối hàng ngày đến rạng sáng hôm sau, mỗi người một thuyền thúng được thả xuống biển tỏa đi khắp nơi trên đại dương. "Mực thường sống ở các vùng biển có độ sâu 1.000-1.500 m và dễ bị hấp dẫn bởi ánh sáng lạ trong đêm nên dùng bóng điện công suất lớn thắp sáng để thu hút mực tập trung", ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, xã Tam Giang nói.
Sau một đêm thả trôi tự do tầm vài hải lý, thuyền lớn mới đi đón từng ngư dân lên. Sau khi gom hết các thuyền thúng, thuyền viên tranh thủ chợp mắt một lúc và đến sáng thức dậy đưa mực lên giàn phơi khoảng ba ngày nắng liên tục. Mực khô cho vào bao tải và chất dưới hầm bảo quản. "Mỗi đêm một thuyền viên câu từ 20 đến 40 kg mực khô", ngư dân Tuấn cho hay.
Đang chất hàng hóa lên tàu chuẩn bị ra khơi, chủ tàu Huỳnh Văn Trí, xã Tam Giang, cho biết sau hai tháng đánh bắt được 32 tấn mực khô, thu 4,2 tỷ đồng. Trừ chi phí, chủ tàu thu 600 triệu đồng, mỗi thuyền viên 60-80 triệu đồng. "Vụ đầu tiên năm nay tương đối được mùa, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng giá bán tương đối cao và ổn định", ông Trí nói.
Loại mực ngư dân câu là mực xà, mực ma, có nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đuôi mực màu đen sậm, khi phơi khô nướng ăn có vị đắng, không thơm ngon, mềm như mực nang, mực ống... đánh bắt ở gần bờ. Vì thế thương lái thường thu mua, đem phân loại, đóng gói bán sang Trung Quốc và một số nước.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành cho hay địa phương có 38 tàu câu mực xa khơi, thu hút gần 2.000 lao động. Sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 10.000 tấn. Trong đó, xã Tam Giang có 29 tàu câu mực đã cập bến chuyến biển đầu tiên trong năm 2021, bình quân mỗi tàu đạt sản lượng 23 tấn.