Những ngày này tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), tàu của ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi... nhộn nhịp vào neo đậu, bắt đầu chuyến mở biển đầu năm. Từng nhóm ngư dân vận chuyển đá, lương thực lên tàu; phân công nhau vá lưới, kiểm tra ngư cụ. Dưới bến, các tàu chở dầu liên tục bơm nhiên liệu cho tàu cá.
Âu thuyền Thọ Quang có sức chứa gần 1.000 tàu thuyền, là nơi neo đậu của ngư dân các tỉnh miền Trung. Đây cũng là cảng cá lớn nhất miền Trung với sức chứa khoảng 500 tàu, thuyền công suất lớn. Chợ cá thường nhộn nhịp 0-6h sáng, khi các chuyến tàu cập bờ.
Ngư dân Võ Chợ, 52 tuổi, trú Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, cho hay sau kỳ nghỉ Tết, ngày mùng 10 (21/2), ông cùng 11 thuyền viên đi xe khách từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để chuẩn bị ra khơi. Tàu cá QNg 98509 đã tích trữ hơn 800 cây đá và 3.000 lít dầu, dự kiến đi biển trong 12 ngày.
"Chúng tôi ra vùng biển Đà Nẵng, cách bờ khoảng 70 hải lý (gần 130 km), đánh bắt cá, mực, tôm. Mở biển đầu năm, mong thời tiết thuận lợi và trúng luồng cá để anh em có thu nhập tốt", ông Chợ nói.
Những năm gần đây, nhiều ngư dân gặp khó trong việc tìm bạn tàu cho các chuyến đi biển đầu năm, do lao động trên biển vất vả, thu nhập giảm dần so với trước. Tuy nhiên, theo ông Chợ, năm nay ông và một số chủ tàu khác "không gặp khó trong việc tìm bạn tàu". Các thuyền viên đi cùng ông Chợ đa số đã làm việc cùng nhau nhiều năm, nay tiếp tục bám biển.
Giữa trưa nắng, hơn chục lao động cùng chủ tàu Nguyễn Ngọc Mỹ (quê Nghĩa Phú, Quảng Ngãi) thuê đi chuyến biển đầu năm đang gấp rút chuẩn bị ngư cụ, tiếng cười nói rôm rả. Con tàu đã bơm 30.000 lít dầu, dự định ra khơi ở vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 50 hải lý. Nhiều thùng nước, mì tôm, gạo được ngư dân chuẩn bị.
Trước đó, nhiều ngư dân đánh bắt hải sản xuyên Tết đã cập âu thuyền Thọ Quang, với những khoang đầy ắp cá nục, bạc má, ngừ, thu... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá hải sản thu mua thấp hơn những năm trước.
Tại Quảng Nam, cảng cá Tam Giang ở huyện Núi Thành có gần 60 tàu câu mực đang neo đậu, trong đó 38 tàu ở địa phương, số còn lại từ huyện Thăng Bình. Sản lượng mực khô hàng năm qua cảng này trên 15.000 tấn.
Trên bên cảng, các ngư dân hối hả chuẩn bị cho chuyển biển đầu năm. Hàng chục tấn hàng hóa được xe tải chở đến xếp chồng lên nhau, chờ đưa xuống tàu.
Gần trưa ngày 22/2, ông Lê Văn Hiến, chủ tàu 90439 với công suất hơn 800 CV, hành nghề câu mực xa khơi cùng các thuyền viên hoàn tất chất hàng lên tàu. Tàu ông chứa hơn 25.000 lít dầu; 2,5 tấn gạo; hơn 20 bình gas và vài tấn nhu yếu phẩm...
Tàu ông Hiến có gần 50 thuyền viên, dự kiến sau ngày 16 tháng Giêng sẽ vươn khơi đánh bắt mực ở ngư trường Hoàng Sa. "Một chuyến câu mực gần 3 tháng, thời gian kéo dài nên chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ", ông Hiến nói.
Mâm cỗ gồm trái cây, hoa được bày trước mũi tàu, ông Hiến thắp hương cầu mong năm mới thời tiết thuận lợi, đánh bắt được nhiều hải sản. "Nghề câu mực này ban ngày tàu thả trôi trên biển, đêm xuống các thuyền viên mỗi người một chiếc thuyền thúng, thắp đèn rồi lênh đênh giữa biển để câu. Ánh đèn sáng nhằm dụ mực đến câu, câu đến sáng thì tập trung về tàu", ngư dân 52 tuổi nói và cho biết trung bình mỗi đêm, một người câu được khoảng 20 kg mực khô
Cạnh tàu ông Hiến, ngư dân Nguyễn Diện, 48 tuổi, xã Tam Giang, chủ tàu câu mực gần 1.000 CV đang tập kết lương thực lên tàu. Tàu của ông Diện có 45 thuyền viên đánh bắt xa bờ. Nhiên liệu, thức ăn, nhu yếu phẩm cung cấp đủ cho hơn 3 tháng ở trên biển.
"Một năm tàu câu mực của tôi đi ba chuyến biển, trong đó chuyến đầu năm thường có doanh thu khá nhất. Như chuyến biển đầu năm trước, đi 60 ngày đánh bắt được trên 20 tấn mực khô, giá bán hơn 120.000 đồng mỗi kg", ông Diện nói và cho hay sau khi trừ chi phí chủ tàu thu về gần một tỷ đồng, thuyền viên được trả công 50 triệu đồng mỗi người.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành, cho hay địa phương có 38 tàu câu mực xa khơi, thu hút gần 2.000 lao động. Nghề câu mực bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, mỗi chuyến ra khơi kéo dài trên 2 tháng.
"Năm 2020 sản lượng mực khô xuất khẩu của các ngư dân trên địa bàn gần 10.000 tấn; trong đó chuyến biển đầu năm của một số tàu hơn 25 tấn mực, mỗi tàu thu về trung bình 5 tỷ đồng sau khoảng 50 ngày ra khơi", ông Hiệp nói.
Nguyễn Đông - Đắc Thành