Tôi đã dùng Facebook hơn 10 năm. Thời gian đầu, tôi còn chăm chỉ đăng status, hình ảnh... nhưng chủ yếu là những hoạt động cá nhân và gia đình. Tôi nghĩ Facebook được tạo ra với mục đích như vậy. Và hơn nữa là bạn bè, người thân ở xa luôn cập nhật được mình khoẻ không, sống như thế nào?
Cho đến những năm gần đây, tôi ít đăng thông tin lên Facebook. Vì thể khi xuất hiện trong các nhóm chat, bạn bè bất ngờ vì tôi còn có mặt, họ tưởng tôi đã "bốc hơi" khỏi trang mạng xã hội này.
Thật ra tôi không đăng gì lên trang cá nhân không đồng nghĩa với tôi không dùng Facebook. Tôi vẫn dùng nó hàng ngày, lướt Facebook để cập nhật thông tin từ các trang Fanpage các báo, muốn xem bạn bè mình dạo này thế nào, muốn xem các xu hướng trên mạng hiện nay, các video hài...
Tuy nhiên, tôi thấy nhiều người dùng Facebook, trong đó có rất nhiều bạn bè tôi đều mắc một căn bệnh chung, đó là họ khao khát trình diễn sự thông thái, hiểu biết của mình cho bạn bè trên Facebook thấy. Nhưng có một vấn đề đó là họ thường xuyên quá đà, phát ngôn về một sự kiện, vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết và lĩnh vực học vấn của họ.
Thế nên mới nói một số dân mạng tỉnh táo hơn đã phong cho họ những biệt danh như: "chuyên gia online, giáo sư online". Bởi một khi xã hội xảy ra bất kỳ chuyện gì, dù nằm ngoài tầm chuyên môn, hiểu biết nhưng họ cũng cố gắng đưa ra một status đề cập nội dung đang được quan tâm. Họ không quên diễn giải, phân tích bằng những kiến thức đã cóp nhặt ở Google và trang Wikipedia. Tôi thực sự ngạc nhiên khi có nhiều người nhắn tin hỏi các bạn "thông thái" của tôi như thế. Hay phải chăng đây chỉ là cái cớ để phát biểu của họ.
Với một người không chia sẻ gì trong suốt một năm thì tôi chẳng có gì để sân si. Nhưng trước tình trạng nhiều người cố gắng trở thành một chuyên gia ảo, tôi nghĩ đó là vấn đề cần lưu tâm. Một người nếu chia sẻ những thông tin lượm lặt, không được kiểm chứng, không đảm bảo xác thực thì rất dễ nhầm lẫn với thông tin sai, fake news. Vô tình, những người theo dõi họ, đọc được chia sẻ sai có thể lan truyền tin giả.
Tôi nghĩ, những "chuyên gia online", thực tế họ cũng khó có thể kiểm chứng được thông tin mà mình đi cóp nhặt. Họ tin tưởng vào các đường link google, tin tưởng wikipedia và cho rằng đó là những thông tin chính xác. Nhưng họ đâu biết wikipedia là bách khoa mở, ai cũng có thể chỉnh sửa. Còn google mỗi lần search có thể ra hàng triệu kết quả, trang nào SEO tốt thì lên top. Vậy thì liệu có còn đáng tin.
Hãy phát ngôn những gì mình biết, trong chừng mực nhất định. Nếu bạn hiểu rõ vấn đề, có dẫn chứng bằng thực tế, số liệu từ cơ quan chuyên môn thì hãy chia sẻ để nâng cao kiến thức cộng đồng. Còn ngoài tầm hiểu biết của mình, không phải lĩnh vực sở trường của mình thì hãy nhường người khác. Người xưa có câu: Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, vậy mới là biết.
Trung Đức
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.