Ngày 22/12, cảnh sát và hiến binh Pháp phong tỏa toàn bộ sân bay Vatri, chặn chiếc Airbus A340 chở 303 hành khách Ấn Độ, sau khi nhận tin báo một số hành khách trên máy bay "là nạn nhân buôn người".
Chuyến bay này do hãng hàng không giá rẻ Legend Airlines của Romania thực hiện, khởi hành từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đến Nicaragua ở Trung Mỹ, quá cảnh tại Pháp để kiểm tra kỹ thuật. Nguồn tin thông báo hành khách Ấn Độ trên khoang có thể là công nhân làm việc ở UAE đang tìm đường đến Nicaragua, sau đó thực hiện hành trình đường bộ dài 3.100 km đến Mexico, rồi tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ.
Đây là hành trình phổ biến mà các băng nhóm buôn người thường thực hiện để đưa người di cư tới Trung Mỹ trên hành trình đến "miền đất hứa" Mỹ. Những phi cơ được thuê để chuyển người di cư thường được gọi là "chuyến bay lừa" (donkey flight), với điểm chung là hành khách trên khoang đều chỉ mua vé một chiều, dù họ lên máy bay với danh nghĩa du khách.
Vụ chặn máy bay tại Pháp diễn ra trong bối cảnh số người Ấn Độ tìm cách di cư sang Mỹ qua biên giới Mexico và Canada cao kỷ lục. Số liệu từ Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho thấy trong năm tài khóa 2023, gần 97.000 người Ấn Độ từ Canada và Mexico tìm cách vượt biên vào Mỹ trái phép, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, số người Ấn tìm cách vào Mỹ từ biên giới Mexico tăng 128%, từ 18.300 lên 41.700 trường hợp. Đây là một trong những yếu tố khiến tuyến đường di cư từ Trung Mỹ trở thành điểm nóng, trong đó Nicaragua là điểm xuất phát được nhiều người lựa chọn.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã mở cửa biên giới cho các chuyến bay charter từ Haiti, Cuba, châu Phi và châu Á chở những người muốn vượt biên vào Mỹ, WSJ dẫn nguồn tin cho hay hồi tháng 11. Một số quan chức Mỹ cáo buộc đây là hành động đáp trả việc Washington áp trừng phạt kinh tế và hạn chế visa đối với hơn 500 quan chức Nicaragua.
Những "chuyến bay lừa" tới Nicaragua ngày càng phổ biến, bởi nó giúp người di cư không phải vượt qua khu rừng nhiệt đới Darien Gap nổi tiếng nguy hiểm giữa Colombia và Panama. Để thực hiện những chuyến bay này, người di cư phải nộp phí visa 150-200 USD cho Nicaragua.
Theo Văn phòng Washington về châu Mỹ Latin (WOLA), những kẻ buôn người ở Nicaragua sau đó sẽ đưa người di cư đến Honduras thông qua các cửa khẩu tiểu ngạch tại Trojes và Las Manos.
Tại đây, người di cư phải trả 50 USD đi xe bus 12-16 tiếng đến biên giới Guatemala, sau đó tiếp tục đi về phía bắc, tới Mexico rồi đến biên giới Mỹ.
Những "chuyến bay lừa" như vậy đã đưa khoảng 100.000 người di cư Haiti, Cuba đã đến Managua, thủ đô Nicaragua, kể từ tháng 6. Khoảng 6.500 người di cư Uzbekistan cũng đến Nicaragua trên các chuyến charter từ Bulgaria.
Người Ấn Độ cũng có nhiều đường đến Mỹ. Một người di cư cho hay đã bay từ New Delhi đến Hungary rồi đến Pháp, trước khi tới Mexico City, thủ đô Mexico. Tại đây, người này đi xe bus tới biên giới Mỹ, rồi vượt biên vào California.
Các "chuyến bay lừa" đều hướng tới nước thứ ba như Hungary, Pháp hay Nicaragua, những nơi không yêu cầu khắt khe về giấy tờ thông hành. Truyền thông Ba Lan hồi tháng 9 đưa tin một nhóm người Ấn Độ trả tới 40.000 USD để xin visa Ba Lan cấp tốc.
Sau 4 ngày máy bay của Legend Airlines bị giữ ở Pháp, 25 hành khách, trong đó có 5 trẻ em, đã làm đơn xin tị nạn ở Pháp. 276 người quay trở về Ấn Độ, còn hai nghi phạm "buôn người" bị trục xuất, bởi giới chức Pháp không chứng minh được hành vi phạm tội, khi toàn bộ hành khách đều nói rằng họ tự nguyện lên máy bay.
Manuel Orozco, lãnh đạo tổ chức nghiên cứu Đối thoại Liên Mỹ ở Washington, cảnh báo hành trình di cư bằng "chuyến bay lừa" tới Trung Mỹ có thể gây bất ổn trên toàn khu vực, tăng áp lực lên nguồn lực vốn đã hạn chế của giới chức sở tại.
Poul Aget Verit, kỹ thuật viên máy tính 32 tuổi từ Cameron, từng trả một khoản phí lớn để bay tới Nicaragua, sau đó bắt xe buýt tới Honduras hồi tháng 11. Anh có kế hoạch vượt biên vào Mỹ trong những ngày tới. "Tôi hy vọng sẽ tìm được cơ hội kinh tế tốt hơn ở nước này", Verit nói.
Đức Trung (Theo ToI, Print, WSJ)