Thứ ba, 21/1/2025
Thứ năm, 25/5/2017, 00:00 (GMT+7)

Những chương trình vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử Mỹ

Siêu tiêm kích F-35, tàu chiến đấu ven biển hay siêu tàu sân bay lớp Ford nằm trong số những chương trình tốn kém nhất của Lầu Năm Góc hiện nay.

Trump khoe nhầm về siêu tiêm kích F-35 đóng tại Nhật
 
 

Tiêm kích tàng hình F-35

Được khởi xướng từ năm 2001, đây là dự án vũ khí tốn kém nhất, gây nhiều tai tiếng nhất của Lầu Năm Góc, theo Fiscal Times.

Dự án F-35 đến nay đã bị chậm tiến độ 7 năm với hàng loạt lỗi kỹ thuật và đội giá đầu tư. Tổng số tiền chính phủ Mỹ đổ vào dự án này là 1.500 tỷ USD, trong đó gần 400 tỷ USD được dành cho việc đặt mua máy bay, với đơn giá 100 triệu USD/chiếc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump  từng dọa hủy dự án này hồi cuối năm ngoái, buộc các hãng sản xuất phải cắt giảm giá thành sản phẩm.

Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet

Dự án chế tạo tiêm kích hạm chủ lực F/A-18E/F Super Hornet có tổng mức đầu tư 58 tỷ USD, nhằm tạo ra loại chiến đấu cơ có thể mang nhiều loại tên lửa và bom thông minh hoạt động trên tàu sân bay.

Với đơn giá 65 triệu USD/chiếc, F/A-18E/F rẻ hơn so với siêu tiêm kích F-35 và F-22, nhưng đang dần trở nên lạc hậu, không thể phát huy hiệu quả trong một số cuộc xung đột. Điểm yếu của nó là bán kính chiến đấu chỉ có 740 km, trong khi tàu sân bay phải ở trong khu vực an toàn cách xa mục tiêu hàng nghìn km để tránh tên lửa diệt hạm.

Trực thăng lai V-22 Osprey

V-22 Osprey gây tranh cãi trong suốt 20 năm phát triển, nhưng dường như đã vượt qua tất cả sau khi tiêu tốn gần 60 tỷ USD. Loại máy bay này chủ yếu được biên chế cho thủy quân lục chiến và đặc nhiệm Mỹ. Hai biến thể CV và MV  có giá 70 triệu USD/chiếc, cao hơn mức giá 60 triệu USD/chiếc của mẫu nguyên bản.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke

Dự án chế tạo tàu khu trục lớp Arleigh Burke ngốn của Mỹ tới 114 tỷ USD ngân sách, với đơn giá lên tới gần 1,9 tỷ USD/chiếc.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke đóng vai trò hộ tống tàu sân bay và tiến công mở màn trong các chiến dịch can thiệp quân sự. Hải quân Mỹ hiện sở hữu hơn 60 tàu loại này và dự tính mua thêm ít nhất 10 chiếc nữa, trước khi chúng bị thay thế bằng tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt.

Xe kháng mìn, chống phục kích (MRAP)

Sau khi hứng chịu nhiều tổn thất vì mìn cài vệ đường tại Iraq, quân đội Mỹ quyết đầu tư 50 tỷ USD chế tạo xe kháng mìn, chống phục kích MRAP, với đơn giá 1 triệu USD/chiếc.

Loại phương tiện này có nhiều đặc điểm tối ưu cho việc chống mìn như mặt dưới hình chữ V giúp đổi hướng luồng nổ, hạn chế thương vong cho lính bên trong. Quân đội Mỹ đang sở hữu 27.000 xe MRAP.

Tàu chiến đấu ven biển (LCS)

Chương trình LCS trị giá 67 tỷ USD được kỳ vọng tạo ra những mẫu tàu chiến có thể đối phó nhiều loại chiến hạm của đối phương, bảo vệ các xuồng nhỏ và tuần tra ven biển, trong khi chi phí hoạt động rẻ hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke. 

Tuy nhiên, mẫu tàu chiến giá 362 triệu USD/chiếc này này đang khiến hải quân Mỹ thất vọng khi không thể hoạt động tốt ở vùng biển sâu, không đảm nhận được các nhiệm vụ then chốt, dễ bị tin tặc tấn công và mắc nhiều lỗi kỹ thuật khác.

Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi gần 67 tỷ USD để thiết kế, chế tạo và triển khai 187 tiêm kích F-22 trong giai đoạn 1997-2012. 

Từ mức dự kiến 139 triệu USD/chiếc cách đây 20 năm, giá thành F-22 đã tăng lên 412 triệu USD/chiếc do chi phí hiện đại hóa, buộc Quốc hội Mỹ biểu quyết dừng dự án này vào năm 2009.

Tên lửa đạn đạo UGM Trident II

Trident II là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) hiện đại nhất trong biên chế hải quân Mỹ do hãng Lockheed Martin chế tạo trong dự án trị giá 53 tỷ USD, với đơn giá 37,3 triệu USD/quả. 

Được triển khai từ tháng 3/1990 và vẫn trong biên chế, đây là phiên bản SLBM cải tiến với độ chính xác, đầu đạn và tầm bắn lớn hơn so với mẫu Trident C-4 trước đó.

Siêu tàu sân bay lớp Ford

USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên trong lớp siêu tàu sân bay mới của Mỹ, cũng là minh chứng điển hình cho thấy sự chật vật của Lầu Năm Góc khi mua sắm các hệ thống vũ khí lớn. 

Với chi phí dự án lên tới 38 tỷ USD, tàu sân bay lớp Ford đã bị thượng nghị sĩ John McCain gọi là "một trong những thất bại mua sắm lớn nhất" của Mỹ. Giá của USS Gerald R. Ford hiện nay là 12,6 tỷ USD, tăng 2,4 tỷ USD so với chi phí dự kiến ban đầu.

Tàu ngầm tấn công lớp Virginia

Hải quân Mỹ triển khai dự án tàu ngầm Virginia trị giá 87 tỷ USD để thay thế gần 40 chiếc lớp Los Angeles, xương sống của lực lượng tàu ngầm Mỹ. 

Với đơn giá 2,7 tỷ USD/chiếc, hải quân Mỹ hy vọng sẽ mua 32 tàu ngầm lớp Virginia cho đến năm 2020. Mẫu tàu ngầm này sẽ được tích hợp module phóng thẳng đứng (VPM), giúp lớp Virginia có hỏa lực tăng gấp ba lần so với trước.

Duy Sơn (Ảnh: Wikipedia)