Những ngày giáp Tết, ông Thanh, 52 tuổi, trở về căn chòi cất ven kinh khu 6, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, trên tay mang theo thức ăn sáng, nửa kg cá rô mần sẵn, đưa vợ nấu cơm trưa. Căn chòi chỉ hơn 10 m2 chứa đủ vật dụng cho một gia đình từ xoong nồi, bếp, mùng mền, quạt máy, đèn... được sắp xếp gọn gàng.
"Sáng nay vịt đẻ có năm phân", ông Thanh thông báo người vợ "đồng cam cộng khổ" hơn 30 năm. "Năm phân" là từ lóng của người nuôi vịt, chỉ tỷ lệ đẻ của bầy vịt khi 10 vịt mái, đẻ được năm trứng. Bầy vịt gần 5.000 con, chỉ đẻ 2.300 trứng, bán giá 22.000 đồng một chục, sau khi trừ chi phí chủ nuôi gần như huề vốn.
Ngồi nghỉ trong chòi, ông Thanh nói bầy vịt đã già, nuôi hơn 17 tháng song chưa thể đổi bầy khác vì vốn liếng còn thiếu hụt. "Vịt 7 tháng đến một năm là đẻ ngon nhất, đêm nào cũng 8-9 phân", người đàn ông quê Tam Nông nói. Theo ông vịt đẻ nhiều, khi về chuồng chỉ nằm thở, không đuổi cắn nhau. Nửa đêm chúng rộ bầy đến sáng. Những hôm đẻ ít, chuồng im ắng cả đêm.
Khác với chăn nuôi gia cầm thông thường, vịt đẻ buộc phải đưa đến những cánh đồng vừa thu hoạch để chúng ăn lúa rơi vãi, ốc, cua, côn trùng bổ sung dinh dưỡng, giảm thức ăn công nghiệp. Đồng nhiều thức ăn, vịt đẻ sai, trứng to, chủ nuôi lãi nhiều. Người chăn vịt phải rào lưới chỉ cho chúng ăn trong thửa ruồng đã mua, đồng thời xua đuổi chó cắn vịt, kẻ gian lùa trộm. Mỗi ngày vịt ra đồng từ sáng sớm đến chiều muộn sẽ được lùa về chuồng, tối đẻ trứng.
Từ nhỏ, ông Thanh theo mẹ làm nghề chăn vịt mướn, lớn lên dù có lúc giàu có ông vẫn bám trụ với nghề. Ông kể những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước người nuôi ít, đồng chỉ sạ hai vụ, nhiều thời gian cho vịt săn tìm thức ăn, chủ nuôi lời "bể tay". Mỗi năm như thế ông có thể sắm cả trăm công ruộng, nhưng vì không ham làm lúa ông đầu tư tiếp cho bầy vịt.
Năm 2002, từ vài nghìn con vịt đẻ, ông cất được nhà tường khang trang nhất vùng, trị giá 12 cây vàng thời đó. Về sau thấy ông làm có ăn, nhiều người làm theo, cạnh tranh với nhau khiến chi phí tăng, lãi vơi dần. Thêm mấy năm dịch cúm gia cầm, ông trắng tay, làm lại từ đầu.
Nghề nuôi vịt bôn ba khắp xứ, người đàn ông ngũ tuần không nhớ đã qua bao nhiêu cánh đồng, song đi gần giáp các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. Mỗi cánh đồng ông gầy dựng mối thâm tình với người dân ở đó, khi cắt lúa họ sẽ "bắn tin" ông hay. Lâu dần hình thành những người "môi giới" mua đồng sẵn, chờ ông đưa vịt lên ăn. Với mỗi ha lúa đã cắt lúa ông trả chủ ruộng 500.000 đồng, vịt có thể ăn 10-20 ngày tùy thời gian sạ lúa. Khi chủ ruộng đưa máy cày vào xới đất ông lùa vịt sang chỗ khác.
Cũng vì thế, Tết với gia đình ông chẳng khác ngày thường, sáng lượm trứng vịt, trưa chiều trông chừng chúng ngoài đồng, đợi chạng vạng lùa về chuồng. "Riết cũng quen", ông nói và không quên nhấn mạnh, chỉ những người đam mê công việc mới gắn bó ngần ấy năm dù cực khổ, chẳng mấy khi ở nhà.
"Nghề này ăn bờ ngủ bụi, bị nhiều người chửi", bà Trần Thị Biển, 57 tuổi, vợ ông Thanh nói chen vào rồi lý giải vì bầy vịt hôi hám, làm xói lở đất nên nhiều người xua đuổi mỗi khi họ ngỏ ý dựng chòi, quây chuồng cho đàn trú ngụ. Tuy nhiên nhiều năm qua vợ chồng bà gặp không ít người tử tế, giúp đỡ lúc hoạn nạn.
"Đồng nào chúng tôi cũng rành kể cả người chung nghề. Nay Đồng Tháp chứ mai mốt sang An Giang, Long An, Kiên Giang cũng không chừng", người phụ nữ quê Hồng Ngự kể, rồi bà bàn với chồng về ngày làm mâm cơm cúng gia tiên cùng "ông Chuồng bà Chuồng" (thần linh phù hộ người chăn nuôi trong tín ngưỡng dân gian). Năm nay tiền lãi không nhiều bà định chỉ nấu vài món, sắm sửa ít chậu hoa, bánh mứt cho có không khí. Họ cũng không định hát hò, tiệc tùng vào ba ngày xuân vì vịt vẫn phải chăn thả, công việc không ngơi tay.
Ở cánh đồng gần đó, Võ Văn Tuấn, 27 tuổi, mới vào nghề gần một năm, đang dõi mắt theo bầy vịt vài nghìn con. Với 2.000 m lưới, Tuấn khoanh vài thửa ruộng đủ cho bầy vịt tìm mồi một ngày. Phía bờ kênh, anh đặt máy bơm nước vào ruộng để vật nuôi uống nước. Dù kinh nghiệm chưa nhiều nhưng Tuấn có thể ước lượng bầy vịt khi lùa về, thiếu một vài con sẽ biết ngay. Vịt cũng quen người chăn giữ, giờ giấc ra đồng, vào chuồng nên khá phối hợp, không mất quá nhiều thời gian.
"Sáng lượm trứng khoảng 40 phút, lùa ra đồng và lùa vô cũng hơn một tiếng, còn lại chỉ ngồi bờ đê trông giữ. Mệt có thể mắc võng đánh giấc nhưng phải thính tai, phát hiện bầy vịt gặp chuyện", anh kể về một ngày ngoài đồng. Công việc với chàng trai trẻ khá nhẹ nhàng song lại buồn tẻ, chơ vơ giữa đồng, dự định sẽ không gắn bó lâu dài. Ba ngày Tết, Tuấn không mua sắm gì vì chẳng có kế hoạch du xuân hay xem bắn pháo bông. Anh chỉ trông đến ngày cánh đồng gần nhà cắt lúa, đưa bầy vịt về sẵn dịp thăm nhà và người thân.
Riêng vợ chồng ông Thanh dẫu đã đón hàng chục cái Tết ngoài đồng vẫn cảm thấy nhớ nhà, nhớ lũ trẻ vào thời khắc đón năm mới. Không cần nhắc nhau, gần đến giao thừa, vợ chồng ông tranh thủ gọi video call về hỏi han, dặn dò con cháu và hứa mua quà Tết khi có dịp ghé ngang.
Khắp các tỉnh miền Tây có hàng trăm người chăn thả vịt ngoài đồng cũng đón cái Tết xa nhà như thế. Dẫu thiếu không khí sum vầy ngày xuân, họ mong cầu sức khỏe, làm ăn khấm khá để tiếp tục bám trụ công việc.
Ngọc Tài