Nhận lại 200.000 đồng hỗ trợ từ bà Bên, ở phường Tăng Nhơn Phú, anh Phan Duy, 35 tuổi, dặn vợ mua thêm hộp sữa cho con. Bản thân làm công nhân, vợ ở nhà bán hàng online, trông con trai 4 tuổi nên thu nhập mỗi tháng của gia đình hay lên xuống thất thường. "Tháng nào cô Bên cũng bớt cho 200.000 đồng, bù cho phần thiếu hụt", nam công nhân nói.
Hơn 10 năm trước, anh Duy rời Đăk Lăk xuống thành phố kiếm việc. Qua người quen, anh đến khu trọ của bà Bên và gắn bó đến nay. Căn phòng gần 20 m2, có gác, tường ốp gạch, nhà vệ sinh khép kín, giá thuê mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Đồng hồ điện, nước gắn riêng, giá tính theo quy định của nhà nước. Căn phòng gia đình anh đang thuê thấp hơn đến gần một triệu đồng so với xung quanh.
Thông thường các chủ nhà thoả thuận với người thuê sẽ tăng giá phòng khoảng 10% sau 2-3 năm do lạm phát, vật giá leo thang... "Từ ngày tôi đến đây, cô Bên chỉ một lần tăng tiền phòng", anh Duy nhớ lại. Lúc đó, các phòng trọ lâu năm đã xuống cấp, người thuê đề nghị bà chủ cải tạo và sẵn sàng trả giá cao hơn. Chiều ý, bà cho thợ nâng nền, ốp gạch tường, làm lại gác. Tổng kinh phí làm mới 35 phòng trọ hơn 600 triệu đồng. Để bù chi phí, bà chủ trọ U60 quyết định tăng giá phòng lên 200.000 đồng. Tuy nhiên, đến kỳ thu tiền bà lại giảm đúng từng ấy, thành ra "tăng mà không tăng".
Lý giải cách tăng giá phòng không giống ai của mình, người phụ nữ quê Hải Phòng nói ban đầu bà có ý định hỗ trợ một vài phòng trọ khó khăn nhất, mỗi tháng 200.000 đồng. Tuy nhiên, nhìn tới nhìn lui "thấy phòng nào cũng cực", bà quyết định giúp hết. Một số người đề nghị thay vì tặng lại cuối tháng nên thông báo giảm hẳn tiền thuê phòng. Tuy nhiên, bà Bên từ chối bởi "không muốn làm khó các chủ nhà trọ xung quanh". Giá phòng trọ ở đây đã thấp hơn những nơi khác, nếu tiếp tục giảm giá, người thuê sẽ so bì.
Không chỉ hỗ trợ hàng tháng, vào mỗi dịp Tết, bà Bên tổ chức gói bánh tét, tặng quà cho tất cả công nhân. Năm ngoái, khi thành phố giãn cách, những gia đình không có người đi làm, phải nghỉ việc ngồi nhà bà miễn 100% tiền phòng, số còn lại được giảm một nửa. Gia đình bà còn bỏ tiền mua thực phẩm, tìm nguồn gạo, trứng, rau củ tiếp tế cho công nhân.
"Tôi cũng là người tha hương nên muốn chia sẻ với những người đồng cảnh", bà Bên nói. Gần 40 năm trước, khi mới vào thành phố mưu sinh với nghề bán nước mía, gia đình bà thuê một căn phòng trọ nền đất, ván ép, mái tôn ở quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức). Ngày mua được đất, dựng được vài căn phòng, gia đình bà động viên nhau "vừa cho thuê vừa giúp". Hơn 20 năm qua, bà cố gắng giữ giá phòng thấp nhất, hiếm khi tăng để giảm gánh nặng cho người lao động xa quê.
Giá xăng, gas, thực phẩm nhanh lên giá nhưng lương công nhân tăng chậm cũng là lý do để bà Phan Thị Thanh, 52 tuổi, chủ nhà trọ ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh "bình ổn" giá phòng hơn 20 năm qua.
"Thực ra tôi có hai lần tăng giá cho thuê, mỗi lần 50.000 đồng", bà Thanh kể. Năm 2000, gia đình bà dùng hết số tiền tích góp 110 triệu đồng xây 12 phòng trọ, mỗi phòng có diện tích 16 m2, giá thuê mỗi tháng 800.000 đồng. Đến nay những phòng này tăng lên 900.000 đồng. Ngoài ra, 40 phòng xây mới sau này, có gác, diện tích sử dụng khoảng 26 m2, giá thuê mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Mức này được bà chủ trọ gốc Sài Gòn duy trì nhiều năm qua.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều người mất việc, bà Thanh giảm 50-100% tiền phòng. Có gia đình thuê trọ lâu năm, người chồng bị tai nạn, hơn nửa năm qua bà không thu đồng nào.
Bà Thanh nói rằng bản thân xem công nhân như người thân. Ngày mới bắt đầu xây phòng trọ cho thuê, bà kiêm luôn việc đi chợ hộ cho chị em phải đi làm sớm, tăng ca về trễ. Ai cần gì ghi vào tờ giấy, nhét ở cửa, chiều ghé nhà bà mở tủ lạnh nhận phần của mình. Nhiều người không có tiền, chờ cuối tháng lãnh lương trả một lần.
"Mọi người ở đây cũng coi tôi như ruột thịt", bà Thanh cười, giọng phấn khởi. Nhiều gia đình trở về quê, thỉnh thoảng vẫn gọi điện lên chuyện trò, có dịp lên thành phố đều ghé thăm bà chủ trọ tốt bụng. Hơn 20 năm qua, bà không nhớ đã dự bao nhiêu đám cưới, về tận quê khi gia đình công nhân có chuyện hiếu hỉ. Tết đến, bà tổ chức gói bánh chưng, lì xì để người xa quê vẫn thấy ấm lòng.
Bà Thanh, bà Bên là hai trong số hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn giảm 20-100% tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Trong đó, không ít trường hợp nhiều năm giữ nguyên giá thuê phòng bất chấp các chi phí khác đều tăng.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho hay trong lúc giá cả sinh hoạt tăng cao, những phòng trọ "bình ổn giá" đã chia sẻ khó khăn với công nhân. Đặc biệt khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, sự chăm sóc của chủ trọ với người lao động góp phần tạo sự gắn kết, giữ lao động ở lại thành phố.
Theo khảo sát của Liên đoàn lao động TP HCM về nhu cầu nhà ở công nhân thực hiện cuối năm 2020, khoảng 70% lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố là người ở tỉnh, trong đó 50% cần chỗ ở, tương ứng 1,3 triệu người. Trong số này, chỉ có gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân xây sửa, cải tạo cho thuê.
Ông Lâm cho rằng, để nhân rộng những khu trọ nhiều năm không tăng giá, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho chủ nhà trọ; xem phòng trọ công nhân là một dạng hàng hóa cần bình ổn. Muốn vậy, chính quyền cần có các gói vay vốn lãi suất 0%, hỗ trợ chủ nhà trọ sửa, xây mới phòng cho thuê. Người thụ hưởng gói vay ưu đãi cam kết giữ mức giá phù hợp, gián tiếp giúp đỡ công nhân.
Lê Tuyết