"Đọc bài thấy thật đồng cảm vì tôi cũng ra trường và đi làm năm 2013. Tôi quê Bắc Ninh, là con thứ tư trong một gia đình có tám anh chị em. Tôi học Đại học Y khóa 2007-2013, ra trường đi làm luôn.
Năm 2015, sau hai năm đi làm, tôi và người yêu tích cóp được 100 triệu đồng, vay thêm hai bên gia đình được 300 triệu đồng, vay ngân hàng 500 triệu đồng để mua chung cư HH Linh Đàm. Cuối 2015 tôi lấy vợ, ở nhà thuê tới 2016. Cuối 2016 thì vào chung cư ở.
Năm 2018 bán chung cư, sau khi trừ nợ cầm về hơn 600 triệu đồng. Hai vợ chồng vay thêm ngân hàng và người thân một tỷ để mua một mảnh đất. Năm 2020 bán mảnh đất này về mua chung cư ở trung tâm TP Bắc Ninh ( tiền bán đất sau khi trừ nợ thì cầm về được 1,5 tỷ), chung cư 2 tỷ nên phải vay thêm 500 triệu đồng. Hiện tại thì mới coi như trả hết nợ.
Trong 10 năm ngoài lo cho gia đình riêng thì hỗ trợ bố mẹ nuôi em gái học đại học sư phạm, chi 100% chi phí cho hai em trai học Đại học Bách Khoa. Năm 2021 cùng các em xây lại nhà cho bố mẹ.
Nhìn xung quanh so với bạn bè thì còn kém các bạn nhiều, các bạn giờ đều đã có chức vị, rồi mở phòng khám hoặc kinh doanh đều ổn. Nhìn lại mình cũng có lúc thấy buồn vì chưa bằng bạn bằng bè nhưng mỗi người một hoàn cảnh, xuất phát khác nhau.
10 năm làm việc, rồi vay mượn, rồi tích cóp trả nợ. Nhìn lại 10 năm cố gắng thật cảm ơn trời đã ban cho gia đình khỏe mạnh để làm việc. Cuối 2023 nghỉ việc để đi học chuyên khoa I tại ĐH Y Hà Nội.
Tôi dự định năm 2024 khởi nghiệp bằng việc mở phòng khám ở Bắc Ninh, lại tiếp tục kiếp vay nợ. Sau 10 năm làm việc giờ lại chuyển sang giai đoạn mới, lại tiếp tục cố gắng".
Độc giả có nickname bs.nguyenhuynh chia sẻ về những chu kỳ 10 năm vay vợ, kiếm tiền trả nợ rồi lại vay nợ. Thế nhưng, những điều đạt được là có tài sản riêng và hỗ trợ cho gia đình.
Chia sẻ này được viết sau bài Mười năm lo toan tiền bạc vì chuỗi áp lực kể từ lúc ra trường. Một số độc giả cùng chung hoàn cảnh chia sẻ sự đồng cảm.
Độc giả nickname huuut246 kể: "Tôi ra trường năm 2012. Đọc những chia sẻ tôi lại thấy hình bóng của mình và những bạn cùng lớp cấp III, những thanh niên quê quyết tâm bám trụ thành phố lập nghiệp.
Con nhà nông mấy ai có bố mẹ dư giả, học xong không gánh nợ sinh viên, chưa phải phụ giúp cha mẹ đã là may mắn. Còn không thì gần giống hoàn cảnh của bạn cả, đi ra đời với con số âm. Nhưng giờ nhìn lại, bạn bè quanh mình cũng nhiều người thành đạt như bạn (gia đình, công việc, nhà cửa, xe cộ...). Có chút ghen tỵ nhưng tôi thật tâm chúc mừng cho mọi người.
Áp lực nhiều lúc cũng làm mình mệt mỏi, nhưng rồi nghĩ ngơi tự thưởng cho mình một món quà nho nhỏ, bình tâm rồi lại mỉm cười, xem nó như động lực để cố gắng. Một năm kinh tế khó khăn sắp qua, hy vọng sang năm mới mọi thứ khởi sắc. Còn sức khỏe là còn tất cả".
>>Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Độc giả tbyt.ngocbaouyen chia sẻ: "Tôi cũng sinh năm 1991. Tôi khi ra trường cũng cố góp tiền để xây một cái nhà mới cho ba mẹ ở gần. Tôi xuất thân ở An giang, nhưng định cư ở Cần Thơ.
Trong cuộc sống ai cũng có áp lực, xuất phát điểm mỗi người mỗi khác nên chúng ta không nên so sánh với bạn bè này kia, chúng ta chỉ nên so sánh với chúng ta thì tốt hơn, hôm nay chúng ta phát triển hơn hôm qua là tốt rồi.
Có người bước ra đời chỉ có chiếc xe máy, nhưng có người bước ra đời là có nhà có xe được cho sẵn. Nhưng không vì xuất phát điểm thấp mà buồn, cuộc sống còn nhiều thứ quan trọng khác là bạn bè và anh em, gia đình.
Khi chúng ta thất bại thì có anh em đứng ra giúp đỡ là một sự hạnh phúc. Khi chúng ta khó khăn, có bạn bè đứng ra cho mượn một số tiền lớn là may mắn".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.