Thứ 6 hàng tuần, Junichi Fukuda rời căn hộ ở Tokyo đón chuyến bay tới Hàn Quốc. Từ đây, ông sẽ đi thẳng đến một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học ven Seoul để đón một con chó pug màu đen tên Momotan, theo Tech Insider.
Fukuda mang con chó 5 tháng tuổi tới căn hộ thuê gần đó và dành thời gian còn lại của kỳ nghỉ cuối tuần để chơi đùa cùng nó. Sáng thứ hai, ông lại trả Momotan về phòng thí nghiệm và tiếp tục hành trình 8 giờ đồng hồ về Nhật Bản.
Fukuda, 55 tuổi, bắt đầu thói quen di chuyển xuyên quốc gia chỉ để thăm con chó pug từ tháng 5 và sẽ tiếp tục thủ tục này cho tới tháng 11 năm nay. Khi đó, Momotan sẽ đủ tuổi qua cửa hải quan Nhật Bản và Fukuda có thể mang nó về nhà.
Nhiều người có thể ngạc nhiên vì sao ông có thể bỏ ra quá nhiều thời gian và công sức chỉ để gặp một con vật. Song, Momo, tên thân mật của Momotan, không phải là một con chó bình thường. Fukuda đã đầu tư rất nhiều tiền của để "tạo ra" Momo, một con chó nhân bản.
"Nếu nó làm lơ tôi vì không thường xuyên gặp gỡ, điều đó sẽ làm tôi đau đớn vô cùng", Fukuda nói thông qua người phiên dịch. "Đó là lý do các chuyến viếng thăm vào mỗi cuối tuần lại quan trọng như thế".
Đến Hàn Quốc để thực hiện phóng sự về Sooam Biotech - phòng thí nghiệm đã nhân bản thành công Momotan, phóng viên tờ Tech Insider cho biết, việc nhân bản chó không hề khó khăn, nếu một người có đủ 100.000 USD.
Mong muốn tạo ra một bản sao của Momoko, vật nuôi thân thiết đã chứng kiến cuộc hôn nhân đổ vỡ và gắn bó với mình suốt 16 năm, Fukuda sẵn sàng bỏ ra khoản tiền đắt đỏ cùng nhiều chi phí khác cho các cuộc thăm viếng.
"Đó là thú nuôi tốt nhất trên thế giới đối với tôi", Fukuda, chủ một công ty quảng cáo ở Tokyo cho biết. "Tôi có thể làm việc chăm chỉ và thành công như bây giờ tất cả đều nhờ có Momoko bên cạnh, tôi rất yêu quý nó".
Fukuda đã hợp tác cùng Sooam để lấy mẫu tế bào của Momoko vài tuần trước khi nó qua đời cuối năm ngoái. Ba tháng sau, con chó nhân bản ra đời. Gặp gỡ Momotan lần đầu tiên, Fukuda tròn mắt ngạc nhiên khi so sánh hai phiên bản.
"Momotan giống hệt Momoko, mặc dù tôi biết nó là một con chó khác", Fukuda nhớ lại.
Bên trong nhà máy nhân bản chó
Bước vào căn phòng Momotan được nuôi dưỡng, trước mặt Fukuda là hàng loạt con chó đủ mọi giống, từ chó săn Cocker Spaniel, Labrador, chó pug cho tới chó sục Bosto, đuôi ngoe nguẩy và miệng sủa ăng ẳng. Những con chó ở đây đang đợi hết thời kỳ cách ly, trước khi được gửi đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Brazil hay Mỹ.
"Những con chó không hề biết mình là phiên bản vô tính", David Kim, một nhà sinh học đeo kính cận với giọng nói nhẹ nhàng, giải thích khi hướng dẫn mọi người tham quan phòng thí nghiệm.
Thường thì phiên bản gốc của những con vật này đã chết, và nhờ sự giúp đỡ của khoa học, hệ gene của chúng được bảo tồn trong một cơ thể sống mới. Phòng thí nghiệm cho biết có thể nhân bản bất cứ con chó nào, không phân biệt tuổi tác, kích thước, giống loài. Tỷ lệ phôi thai nhân bản phát triển thành chó khỏe mạnh là 1/3.
Mặc dù Sooam không công bố rõ ràng tỷ lệ thành công, song có lý do để tin rằng đây là một trong những cơ sở nhân bản thành công nhất thế giới. Tới nay, Sooam đã cho ra đời hơn 600 con chó nhân bản. Ở bất kỳ thời điểm nào, cơ sở này nuôi dưỡng trung bình khoảng 40-50 con chó đang chờ gặp chủ.
Bên dưới phòng Momotan sống là nơi chăm sóc chó sơ sinh. Tại đây, những chó con bé xíu nằm cạnh chó mẹ-đóng vai trò "mang thai hộ" hay mang phôi nhân bản. Chó mẹ không nhất thiết phải cùng giống với con được nhân bản. Do đó, tại đây mọi người có thể nhìn thấy các cặp mẹ con khác xa nhau, như chó đốm nằm bú chó mẹ da nâu.
Nhân bản chó là một thị trường đầy tiềm năng. Nhiều người sẵn sàng chi 100.000 USD để gặp được bản sao thừa hưởng bộ gene của thú cưng, dù hai con có thể mang hai tính cách. Đây là lý do khiến quy trình nhân bản chó hứng chịu nhiều chỉ trích.
Beth Shapiro, một nhà sinh học từ đại học California, Mỹ, tác giả cuốn "How to Clone a Mammoth" cho rằng Sooam đang lợi dụng tình cảm của người khác để kiếm lời.
"Họ tấn công vào sự đau đớn và tình cảm của người chủ với vật nuôi để giao cho họ một bản sao của con chó gốc như thể nó được hồi sinh, nhưng sự thực không phải vậy", Shapiro lên án.
Ít đối mặt với tranh cãi gay gắt hơn là quy trình nhân bản chó nghiệp vụ có năng khiếu bẩm sinh, lĩnh vực mang lại doanh thu hàng triệu USD mỗi năm cho Sooam. Năm 2009, phòng thí nghiệm nhân bản thành công Trakr, chú chó chăn cừu giống Đức đã tìm được nạn nhân sống sót cuối cùng trong đống đổ nát của vụ khủng bố ngày 11/9 ở New York, Mỹ.
Mới đây, phòng thí nghiệm tạo 9 bản sao chó nghiệp vụ của lực lượng đặc nhiệm SWAT Seoul và bàn giao cho cảnh sát để huấn luyện chống tội phạm.
Quá trình nhân bản chó
Chướng ngại đầu tiên khi muốn tạo ra bản sao cún cưng là khoản chi phí 100.000 USD. Kế đến, người chủ phải lấy được mẫu tế bào phù hợp.
Quy trình sẽ đơn giản hơn nếu chú chó cưng vẫn còn sống. Khi đó, chủ nhân chỉ cần mang nó tới bác sĩ thú y để lấy mẫu sinh thiết, là một mảnh da bụng dài 8 mm và gửi về phòng thí nghiệm.
Trường hợp vật nuôi chết chưa đầy 5 ngày, xác của nó phải được quấn khăn ướt và bảo quản trong tủ đá, trước khi chuyển tới bác sĩ thú y. Phòng thí nghiệm sẽ yêu cầu chủ nhân gửi càng nhiều mẫu da càng tốt để tăng cơ hội tìm thấy các tế bào sống.
Thông thường, mẫu vật sẽ mất ba ngày để qua cửa hải quan Hàn Quốc. Ngay sau đó, Sooam sẽ bắt tay thực hiện công nghệ SCNT, hay chuyển nhân tế bào thể (tế bào xôma, là là bất cứ tế bào nào trên cơ thể, trừ các tế bào tinh trùng và trứng).
Các nhà khoa học khử trùng mẫu sinh thiết, cô lập tế bào mong muốn và nuôi cấy trong môi trường để tế bào phát triển. Một đến hai tuần sau, tế bào cần thiết cho nhân bản đã sẵn sàng.
Bước tiếp theo của quy trình là nội dung gây nhiều tranh cãi nhất. Soam sử dụng hai con chó khác thuê từ cơ sở cung cấp động vật thí nghiệm, trong đó một con làm nhiệm vụ hiến trứng, con còn lại được cấy phôi thai. Chúng sẽ được Soam dùng chỉ một lần duy nhất.
Trên bàn mổ, con chó Labrador đang được gây mê trước phẫu thuật. Tiến sĩ Hwang Woosuk, người thành lập Sooam, cùng 6 bác sĩ khác bước vào phòng mổ với hai ca phẫu thuật liên tiếp.
Đầu tiên, Hwang chiếu tia laser tạo đường rạch trên bụng con vật. Các bác sĩ kéo tử cung màu hồng của con vật ra và chọc hút noãn trứng. Ca mổ tiếp theo diễn ra tại bàn bên cạnh với chú chó khác có nhiệm vụ mang phôi thai.
"Hy vọng chúng ta có thể đón chó con nhân bản sau 61 ngày nữa", tiến sĩ Hwang cất lời sau khi xong việc.
Những ca phẫu thuật như thế diễn ra khoảng 5-20 lần một ngày tại Sooam. Cường độ liên tục tới nỗi tiến sĩ Hwang đùa rằng, một tuần ở đây có "Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ sáu và thứ sáu".
Bên trên nơi phẫu thuật là một phòng thí nghiệm yên tĩnh. Một nam kỹ thuật viên vận đồ bảo hộ đã khử trùng, cẩn thận đặt đĩa petri chứa noãn trứng dưới kính hiển vi, rồi dùng pipette cực nhạy hút nhân ra khỏi tế bào trứng nhằm loại bỏ vật liệu di truyền. Sau đó, tế bào nhân bản lấy từ con chó gốc được cấy vào trứng và đặt vào thiết bị Electro Cell Manipulator, để hai tế bào dung hợp vào nhau.
Trong sinh sản hữu tính, trứng và tinh trùng sẽ hợp nhất để tạo thành nhiễm sắc thể cho phôi thai. Đối với nhân bản, tất cả thông tin di truyền được lấy từ tế bào xôma mà không cần đến tinh trùng.
Sau 30 ngày, Sooam sẽ kiểm tra liệu con chó cấy phôi có đậu thai hay không, tỷ lệ thành công ước tính khoảng 40%. Nếu tất cả suôn sẻ, 30 ngày tiếp theo, cún con nhân bản sẽ ra đời.
Từ nhân bản chó đến tham vọng hồi sinh voi ma mút
Tiến sĩ Hwang Woosuk cùng cộng sự tại đại học quốc gia Seoul làm nên lịch sử năm 1999 khi tuyên bố nhân bản thành công hai con bò. Năm 2005, nhóm của Hwang công bố nghiên cứu tạo được 11 tế bào gốc từ tế bào da và trứng của người tình nguyện. Đây được xem là bước đột phá lớn trong khoa học, mang tới cho Hwang nhiều danh hiệu như "Ông vua nhân bản" của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cuối năm 2005, Hwang bị buộc tội ngụy tạo kết quả nghiên cứu và ép buộc các nữ cộng sự hiến trứng. Từ chức tại đại học Seoul và cúi đầu xin lỗi công chúng, tiến sĩ Hwang vẫn khẳng định mình bị lừa.
Trải qua nhiều sóng gió, tiến sĩ Hwang vẫn không từ bỏ nghiên cứu di truyền trên nhiều lĩnh vực. Các công trình của ông được thực hiện ngay tại phòng thí nghiệm Sooam.
Năm 2011, Hwang giới thiệu những cá thể sói đồng cỏ coyote, giống sói Bắc Mỹ nhân bản gây chú ý. Trên tập san Reproduction, Fertility and Development, các nhà nghiên cứu của Sooam cho biết đã cấy vật liệu di truyền của sói coyote vào trứng của chó nhà.
Trong 22 con chó nhà khác nhận nhiệm vụ mang 320 phôi thai nhân bản, 6 con mang thai và cho ra đời 8 con sói coyote nhân bản. Nghiên cứu thành công là bằng chứng thuyết phục cho thấy, kỹ thuật SCNT không giới hạn trong phạm vi cùng loài. Vật liệu di truyền từ những loài quý có thể được cấy vào trứng của loài có họ hàng gần gũi với chúng để tạo phôi. Sooam cho biết sẽ ứng dụng kỹ thuật này để phục hồi quần thể các loài quý hiếm như sói Ethiopia, sói đỏ Mỹ, và chó hoang châu Phi (Lycaon pictus).
Không chỉ có ý nghĩa sinh học cao, nhân bản còn được dùng trong thương mại và nông nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép Sooam ứng dụng nhân bản gầy đàn cho dòng bò Hanwoo, phục hồi số lượng thiệt hại trong đợt dịch lở mồm long móng năm 2010.
Soam còn nghiên cứu biến bò thành những "cỗ máy sinh học" thông qua tìm hiểu cách bò sản xuất hormone erythropoirtin trong sữa, có tác dụng kích thích sản xuất hồng cầu và ứng dụng điều trị thiếu máu cũng như những bệnh về máu khác. Từ đó, thay vì mất nhiều thời gian và chi phí tổng hợp protein trong phòng thí ngiệm, Sooam sẽ can thiệp gene để bò tăng tiết protein trong sữa, rồi chiết tách sữa thu protein.
Phòng thí nghiệm cũng thực hiện kỹ thuật di truyền "mẫu hình bệnh" và "cấy ghép dị chủng". Trong đó, mẫu hình bệnh là động vật được điều chỉnh gene để biểu hiện bệnh nào đó của con người, sử dụng trong nghiên cứu thuốc chữa. Cấy ghép dị chủng là kỹ thuật điều chỉnh gene để các nội tạng phát triển bên trong lợn có thể ghép cho con người mà không bị đào thải. Đây là một bước tiến kỳ diệu của y học, làm nền tảng cho sự ra đời của một nhà máy nội tạng cung ứng cho y học.
Tuy nhiên, một trong những ứng dụng của kỹ thuật SCNT tham vọng nhất của Sooam là hồi sinh voi ma mút, loài động vật đã tuyệt chủng cách đây 3.600 năm. Sooam đang nỗ lực tìm kiếm mẫu tế bào đủ hoàn hảo của voi ma mút để cấy vào trứng voi châu Á, một loài họ hàng gần gũi với ma mút để tạo phôi.
Năm 2012, Sooam hợp tác với một trường đại học ở Cộng Hòa Sakha, thuộc Liên bang Nga, bắt đầu công cuộc tìm kiếm được ví như "mò kim đáy bể". Các nhà khoa học của Sooam tự tin khẳng định, nếu tìm được mẫu vật thích hợp, chắc chắn họ sẽ hồi sinh thành công voi ma mút, dù không nguyên bản 100% vì mang một phần đặc điểm voi châu Á.
Thu Hiền