Phòng thí nghiệm nhân bản voi ma mút thành lập vào tháng 3/2015 là dự án hợp tác theo thỏa thuận giữa Đại học North Eastern Federal của cộng hòa Sakha và tổ chức nghiên cứu công nghệ sinh học Sooam của Hàn Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Moscow Times hôm qua, Lena Grigoryeva, một nhà khoa học cấp cao ở phòng thí nghiệm, cho biết dự án được lên kế hoạch cách đây ba năm.
Theo Semyon Grigoryev, Giám đốc Bảo tàng voi ma mút ở Sakha, phòng thí nghiệm tập trung nghiên cứu mô và bộ gien của các động vật cổ đại. "Hiện nay, nhiều động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giúp chúng ta khắc phục tình trạng này," Grigoryev nói.
Các nhà khoa học bắt đầu xây dựng cơ sở nghiên cứu vào năm 2012. Phòng thí nghiệm hiện sở hữu 2.000 mẫu vật đông lạnh của các động vật cổ đại. Đây là bộ sưu tập lớn nhất tại Nga. Một số mẫu vật có niên đại hàng chục nghìn năm, bao gồm mẫu vật voi ma mút Malolyakhovsky sống cách đây 28.000 năm.
Phần lớn các mẫu vật được tìm thấy ở cộng hòa Sakha, các tầng đất đóng băng vĩnh cửu góp phần bảo quản tốt xác động vật cổ đại. Năm 2013, các nhà khoa học phát hiện xác voi Malolyakhovsky với phần thịt còn nguyên màu đỏ.
Trong khi nhân bản voi ma mút vẫn là mục tiêu trong tương lai xa, một số loài vật đã được nhân bản thành công. Đầu thập niên 1990, cừu Dolly ra đời đánh dấu thành công đầu tiên trong lĩnh vực nhân bản. Trong các năm gần đây, các nhà khoa học cũng nhân bản chuột, dê, lợn và bò.
Phương Hoa