Bạn tôi đang làm cho một công ty môi giới KOC (Key Opinion Consumer - những người tiêu dùng chủ chốt, có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường) nói rằng công thức để trở thành một "chiến thần livestream" là: tạo sức hút trên mạng xã hội, sau đó đi livestream (cá nhân hoặc hợp tác với nhãn hàng).
Những KOC nào livestream bán hàng có doanh số từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi phiên live, thường được gọi là "chiến thần".
Những "chiến thần" livestream không chỉ là người bán hàng mà còn là những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Cùng với sự bùng nổ của hình thức này, những vấn đề về tính trung thực và đạo đức kinh doanh được phơi bày ra.
Vụ việc người nổi tiếng trên mạng xã hội quảng cáo sai sự thật về yến sào gần đây là một ví dụ điển hình. Khi cầm trên tay lọ yến dung tích 70ml, người này khẳng định chắc nịch rằng đó là yến tổ nguyên vẹn, chứa tới 30g yến tươi.
Tuy nhiên, những người có chuyên môn trong ngành ngay lập tức chỉ ra rằng, với thể tích và trọng lượng như vậy, không thể nào là yến tổ nguyên chất. Điều này đã gây ra làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội.
Không thể phủ nhận rằng, livestream bán hàng là một kênh kinh doanh hiệu quả, giúp người bán tiếp cận khách hàng nhanh chóng và dễ dàng. Một số cá nhân, vì muốn tối đa hóa lợi nhuận, muốn nhiều người đặt mua, không ngần ngại phóng đại công dụng sản phẩm, thậm chí cung cấp thông tin sai lệch, bất chấp hậu quả.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng mà còn làm xấu đi hình ảnh của cả ngành thương mại điện tử.
Người tiêu dùng ngày nay đã sáng suốt, họ không chỉ nghe mà còn kiểm chứng, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Một khi đã mất niềm tin, rất khó để lấy lại.
Một "chiến thần" livestream có thể nổi lên nhờ sự hoạt ngôn và kỹ năng thuyết phục, nhưng cũng có thể bị tẩy chay nếu không giữ vững uy tín. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", chỉ một lần quảng cáo sai sự thật, họ có thể đánh mất hàng ngàn khách hàng trung thành.
Vậy giải pháp nào để xây dựng một môi trường bán hàng online minh bạch và đáng tin cậy?
Trước tiên, chính người bán phải tự ý thức về đạo đức kinh doanh. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi uy tín lâu dài. Hãy chọn sản phẩm chất lượng, tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, thành phần trước khi giới thiệu đến khách hàng.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt hơn việc kiểm soát quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, tránh để những sản phẩm kém chất lượng len lỏi vào thị trường.
Cuối cùng, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo, không nên quá tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ trên livestream mà hãy tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng. Niềm tin chỉ nên đặt vào những nơi xứng đáng, và một thị trường lành mạnh chỉ có thể tồn tại khi cả người bán và người mua đều có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.
Livestream bán hàng có thể là một cơ hội lớn, nhưng chỉ khi nó được xây dựng trên nền tảng trung thực và uy tín. Đừng để những chiêu trò ngắn hạn làm mất đi giá trị lâu dài.
Đến cuối cùng, thứ giữ chân khách hàng không phải là những lời nói hoa mỹ, mà là chất lượng thực sự của sản phẩm và sự chân thành của người bán.