Dưới đây là chiến dịch quảng bá du lịch của một số quốc gia trên thế giới được News xếp vào danh sách "thảm họa".
Syria: Always Beautiful (Syria: Luôn xinh đẹp)
Năm 2016, chính phủ Syria đã tung ra một chiến lược quảng bá du lịch với chủ đề Always Beautiful. Theo đó, dự án này giới thiệu với du khách quốc tế về một Syria với nhiều cảnh đẹp nhằm thu hút nhiều du khách hơn.
Trong thực tế, quốc gia này đang bị chiến tranh tàn phá, là một trong những đất nước bị xếp vào top nơi nguy hiểm trên thế giới. Tất nhiên, chiến dịch về một Syria xinh đẹp và hòa bình, đã có tác dụng ngược trong việc thu hút du khách.
Lithuania: Real is Beautiful (Lithuania: Chân thực là tuyệt mỹ)
Lithuania là một quốc gia xinh đẹp và nhỏ bé, nằm ở châu Âu. Năm 2016, ngành du lịch nước này đã vấp phải một scandal không đáng có, khi sử dụng hình ảnh của nước khác để quảng bá.
Khi tung hình ảnh quảng bá trị giá 193.000 USD này lên mạng vào tháng 10/2016, chính phủ Lithuania đã vấp phải sự chế giễu mạnh mẽ từ dư luận. Thậm chí, người đứng đầu Bộ Du lịch nước này đã phải nộp đơn từ chức sau vụ bê bối.
Australia: Where the bloody hell are you? (Australia: Bạn đã ở chỗ chết tiệt nào vậy?)
Năm 2006, Australia đã chi ra số tiền lên đến 133 triệu USD cho một chiến dịch quảng bá du lịch. Tuy nhiên, kết quả thu được bị đánh giá là thảm hại, khi chính phủ nhận được nhiều lời chỉ trích nặng nề từ người dân và các chính trị gia, phần lớn liên quan đến việc khẩu hiệu của Australia không khác gì một câu chửi thề.
Australia bị chỉ trích vì đổ một nhiều tiền quảng bá cho câu chửi thề. Nguồn: YouTube.
Rhode Island: Cooler and Warmer (Rhode Island: Mát lạnh hơn và ấm áp hơn)
Rhode Island là tiểu bang có diện tích nhỏ nhất nước Mỹ. Với lợi thế về văn hóa, khung cảnh thiên nhiên đẹp, địa phương này đã đặt mục tiêu phát triển du lịch qua một chiến dịch quảng bá trị giá 5 triệu USD vào năm 2016.
Tuy nhiên, một số hình ảnh trong video quảng bá lại sử dụng cảnh quay ở Reykjavik, Iceland. Và thay vì thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương, trang web của chiến dịch lại chỉ tập trung vào các nhà hàng trong vùng Massachusetts lân cận. Khẩu hiệu Cooler and Warmer nếu không được đặt trong một trường hợp cụ thể sẽ trở nên tối nghĩa, khiến dư luận thêm một lần nữa dậy sóng.
Trước sức ép từ dư luận, Betsy Wall, giám đốc tiếp thị của bang đã buộc phải từ chức.
Chiến dịch quảng bá bị phản đối của Rhode Island. Nguồn: YouTube.
Thụy Điển: The Swedish Number (Thụy Điển: Số điện thoại Thụy Điển)
Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Thụy Điển đã phát động một chiến dịch khuyến khích mọi người khắp nơi trên thế giới gọi tới số của một người dân Thụy Điển bất kỳ, để hỏi về đất nước này. Những người được gọi sẽ tình nguyện trả lời mọi thắc mắc của du khách về đất nước mình.
Về bản chất, chiến dịch này được đánh giá là "ý tưởng tốt". Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, người dân địa phương đã bị làm phiền rất nhiều với các câu hỏi chỉ xoay quanh các thứ như thịt viên hay đồ dùng của hãng nội thất Ikea. Thậm chí, nhiều người còn gặp phải các câu hỏi nhạy cảm, thô lỗ.