Bà Đặng Mai ở TP HCM, năm 2015 phát hiện ung thư vú giai đoạn 3, khối u kích thước 1,5 mm ở ngực phải. Hai con gái bà đều du học ở Mỹ. Năm ấy tiễn con gái út ra sân bay xong, bà Mai bắt đầu chuẩn bị cho ca phẫu thuật cắt bỏ một bên vú.
Bà nhập viện và không thể nghe điện thoại của con gái từ Mỹ gọi về. Chồng bà phải nói dối con là "mẹ đi từ thiện, không có ở nhà".
"Nó trách mẹ sao đi bỏ bố ở nhà. Tóc của tôi rụng hết vì hóa trị, nên khi nói chuyện với cháu qua video call tôi đội tóc giả", bà Mai chia sẻ. Vào lúc cần những cái ôm nhất, cần tình cảm và sự chăm sóc của con gái, bà Mai vẫn quyết định giấu con tin mình ung thư, đặt sự bình tâm của con lên trên bệnh tật của mình.
"Một hôm, con gái út gọi điện về từ Mỹ. Cháu là sinh viên ngành hóa, nói muốn làm một nghiên cứu và hỏi tôi biết bệnh nhân ung thư nào giới thiệu cho cháu để làm nghiên cứu".
Người mẹ nghe con hỏi, không nhịn được, òa khóc.
Con gái lớn của bà khi ấy cũng đang ở đầu dây bên kia và cuộc nói chuyện điện thoại tán gẫu đơn thuần của gia đình họ trở thành kỷ niệm đầy nước mắt. Bài Mai cuối cùng cũng tiết lộ cho con về bệnh tình của mình.
Tư cũng là một bệnh nhân ung thư vú ở TP HCM, phát hiện bệnh vào tháng 4/2017. Không giống như hầu hết phụ nữ trung niên bị ung thư vú khác, Tư là một bà mẹ đơn thân.
Cô con gái 10 tuổi của Tư khi biết tin đã rất hoảng hốt. Bé đã thấy bệnh nhân ung thư qua phim ảnh nên trong đầu bé họ trông rất hốc hác và u ám.
"Tôi không muốn giấu bệnh với con. Tôi muốn con biết để có sự tự lập và không dựa dẫm vào mẹ", Tư nói.
Tóc, lông tay chân, chân mày... đều bị rụng hết do hóa trị. Sợ con gái lo lắng và không muốn con thấy mình giống bệnh nhân ung thư trong phim, Tư cố giữ hình ảnh tích cực mặc dù hóa trị làm chị rất mệt.
Từ ngày mẹ bệnh, con gái của Tư không còn như những đứa trẻ khác và trưởng thành hơn rất nhiều, chịu khó cùng bà ngoại chăm mẹ.
Tư tham gia Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam mới vài tháng nay. "Tôi tham dự các buổi chia sẻ của bác sĩ về ung thư và tham gia các lớp học yoga, nhảy zumba", chị nói.
Tư cho biết nhiều bệnh nhân ung thư vú sống khép kín, do bệnh tật. Vì vậy, họ cần thoát ra khỏi sự tự ti và hòa đồng với mọi người xung quanh.
"Hãy là chiến binh, đừng là một người chỉ biết sợ hãi", là thông điệp Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam (BCNV) muốn mang đến với bệnh nhân ung thư. Hàng nghìn người bệnh ung thư vú cùng thân nhân đang tham gia BCNV, để thêm động lực chiến đấu với bệnh tật và vượt qua chính mình.
Cũng như Tư, bà Mai là thành viên BCNV 3 năm qua. Bà không sử dụng tóc giả nữa, bởi con gái từ Mỹ về đã cắt tóc mình để làm tặng mẹ một bộ tóc giả. Giờ tóc của Mai đã mọc lại và cánh tay phải cử động được lại như trước. Nhờ vậy bà Mai có thể tiếp tục sở thích của mình là vẽ tranh. Bà tham gia một lớp học vẽ miễn phí do BCNV tổ chức để làm giàu trải nghiệm với hội họa.
Bà Mai đã học cách sống chung với ung thư. "Một người phụ nữ khôn ngoan và có học thức là một người biết tự chăm sóc bản thân trước", người phụ nữ chia sẻ.
Nhớ về một người bạn cũng mắc ung thư vú chữa đi chữa lại trong hơn 10 năm và giờ đã qua đời, bà Mai không nghĩ rằng mình có thể hồi phục và thoát ung thư hoàn toàn. Bởi lẽ các tế bào ung thư vẫn có thể ẩn nấp trong cơ thể và xuất hiện trở lại bất kỳ lúc nào. Và bà sẵn sàng đón nhận điều sẽ phải đến, với người thân bên cạnh mình.
"Tôi may mắn có chồng chăm sóc và có kiến thức về căn bệnh này, nhưng không phải ai cũng được như vậy. Tôi biết một đồng bệnh trẻ, người Bình Dương. Mỗi lần đi khám, cô ấy được chồng đưa đi bằng xe hơi. Khoảng 2 tháng sau tôi gặp lại, cô khóc nói bị chồng bỏ".
Bà Mai nhận thấy ung thư vú ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sinh lý và làm giảm ham muốn của người bệnh. Mai cho rằng người đàn ông nào không rộng lượng, không hiểu biết cũng như sợ gánh nặng tài chính, thì sẽ không có kiên nhẫn chờ đợi người bạn đời của mình.
"Thế nên tôi luôn thận trọng khi chia sẻ và đưa ra lời khuyên với các đồng bệnh".
Mai và Tư là số ít bệnh nhân có đủ can đảm và sự cởi mở để chia sẻ câu chuyện của mình. Họ được xem như những chiến binh sống sót qua bệnh tật mang lại sự lạc quan vô giá cho những người giống mình cũng như người thân.
Mắt của Mai sáng lên khi khoe: "Con gái tôi đã quyết định học lên thạc sĩ ngành Khoa học Y sinh để tìm cách chữa trị cho mẹ, và giảm bớt cơn đau trong quá trình hóa trị ung thư".
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Mỗi năm ở Việt Nam gần 165.000 trường hợp ung thư mới được phát hiện, trong đó hơn 15.000 người ung thư vú (9,2%). Những năm gần đây, tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú đang ngày càng trẻ. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ từng phẫu thuật cho một bệnh nhi mới 9 tuổi đã mắc ung thư vú. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy khá hiếm, chủ yếu người mắc ung thư vú là phụ nữ trưởng thành, càng cao tuổi càng có nguy cơ. Bộ Y tế giữa tháng 10 phát động Chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40", phối hợp giữa Quỹ Ngày mai tươi sáng và Bệnh viện K. Chiếc xe trị giá 12 tỷ đồng trang thiết bị hiện đại đi các tỉnh tầm soát miễn phí ung thư vú có khoảng 8.000 phụ nữ. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh thường gặp song hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả cao, chi phí ít. Nhiều phụ nữ không đi tầm soát ung thư vú do tâm lý e ngại, khiến bệnh ở giai đoạn muộn, khó điều trị, chi phí lại cao. |