![]() |
Sản xuất PP sẽ bị ảnh hưởng nặng do giá dầu tăng |
Từ 3 ngày qua, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nhựa liên tiếp nhận các bảng báo giá mới từ nhà cung cấp nguyên liệu. Nếu so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, giá các loại nguyên liệu hạt nhựa đã tăng trung bình 100-120 USD/tấn. Tăng mạnh nhất phải kể đến PP, đang từ 980-1.000 USD/tấn hồi đầu tháng 1 nay đã nhảy vọt lên 1.160-1.170 USD/tấn, tăng trên 150 USD/tấn.
PVC cũng không chịu kém. Theo thống kê của bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Phó giám đốc Công ty TNHH nhựa Đạt Hòa (chuyên sản xuất ống cấp thoát nước bằng nhựa PVC), từ đầu năm 2005 đến nay, giá nhựa PVC đã “nhảy disco” bốn lần. Theo bà Hằng, cuối năm ngoái, giá PVC chỉ ở mức 850-880 USD/tấn, nhưng sang đầu tháng 1 năm nay giá đã nhích lên 895 USD/tấn và hiện tăng lên mức 960-970 USD/tấn.
Theo các hãng tàu và các công ty giao nhận, giá dầu tăng trước mắt sẽ không ảnh hưởng đến cước vận chuyển tuyến quốc tế do hàng xuất khẩu đang vào mùa thấp điểm. Đại diện một hãng tàu cho biết giá cước phụ thuộc rất lớn vào cung cầu, vì thế lượng hàng xuất khẩu giảm so với thời điểm trước Tết dương lịch đã dẫn đến cước vận chuyển giảm nhẹ. Hiện cước hàng đi châu Âu đứng ở mức 1.300 USD/TEU (container 20 feet), còn cước tàu đi Mỹ đang ở mức 2.550-2.850 USD/FEU (container 40 feet), giảm 50-100 USD/container. Tuy nhiên, các công ty giao nhận dự đoán cước sẽ bắt đầu tăng trở lại vào tháng 4 khi thời điểm giao hàng của nhiều doanh nghiệp bắt đầu. |
Các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhựa PEHD và PELD (hoặc PELLD) cũng đứng ngồi không yên khi giá nhập khẩu đã tăng vọt, trung bình tăng trên 80 USD/tấn. Hiện PELD giữ mức 1.350 USD/tấn, PEHD 1.080-1.110 USD/tấn, PELLD 1.150 USD/tấn. “Giá nguyên liệu nhựa có gốc PE đã tăng 4 lần từ đầu năm đến nay, với giá này việc xuất khẩu của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao PE cho biết. Không chỉ có giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu tăng mà ngay cả nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước cũng tăng giá với lý do giá dầu tăng. “Nguyên liệu đầu vào VCM để sản xuất ra nhựa PVC cũng tăng 8-10%, từ 850 USD/tấn vọt lên 880 USD/tấn nên buộc lòng chúng tôi phải nâng giá bán PVC trong nước", một doanh nghiệp sản xuất PVC tại Vũng Tàu nói.
Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng đang rất lo lắng, vì với mức giá nhập khẩu hiện nay cộng với chi phí bán hàng thì kinh doanh xăng đã lỗ khoảng 1.000 đồng/lít. Riêng các mặt hàng dầu mức lỗ đã lên đến 1.600-1.700 đồng/lít.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục phó Quản lý giá (Bộ Tài Chính), cho biết tổ điều hành thị trường trong nước đang kiến nghị giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng từ 5% xuống 0% (sau khi Bộ Tài chính đã giảm từ 15% xuống 5% vào ngày 4/2 vừa qua). “Cơ chế điều hành đành phải linh hoạt theo giá thế giới, tức trước mắt phải điều chỉnh mức thuế để đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp kinh doanh xăng”, ông Thỏa nói.
Hôm qua, các công ty kinh doanh gas cho biết hiện vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh giá vì còn tùy theo diễn biến thị trường từ nay đến cuối tháng. Theo ông Hoàng Anh, Giám đốc chi nhánh gas Petrolimex Saigon, giá dầu thô tăng mạnh chỉ là một trong những tín hiệu để cảnh báo rằng giá gas sẽ tăng chứ không mang tính quyết định. “Giá CP trong vùng đang đứng ở mức 372,5 USD/tấn, chỉ tăng 4 USD so với mức giá đầu tháng 2. Nếu không có biến động mạnh thì giá gas tháng 3 chỉ tăng nhẹ hoặc có thể giữ nguyên như tháng 2”, ông Hoàng Anh khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ)