Thứ bảy, 12/4/2025
Thứ bảy, 5/4/2025, 00:00 (GMT+7)

Những cây cầu nối đôi bờ sông Hương

TP HuếDòng sông Hương chảy giữa quận Thuận Hóa và quận Phú Xuân có 8 cây cầu bắc qua và một cầu nối với ốc đảo Cồn Hến.

Sông Hương từ thượng nguồn chảy qua trung tâm TP Huế chia cắt thành hai quận Thuận Hóa, Phú Xuân rồi đổ về hạ nguồn ở phá Tam Giang. Trên dòng chảy này có 8 cây cầu bắc qua và một cây cầu nối với Cồn Hến nằm giữa sông.

Trong ảnh là cầu Trường Tiền, cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, nằm ngay sát kinh thành Huế. Cầu dài hơn 400 m, bề mặt rộng 6 m, được khởi công năm 1897 dưới thời vua Thành Thái theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép.

Ban đầu, tên chính thức của cầu là Thành Thái, rồi Clémenceau, Nguyễn Hoàng... Nhưng vì ngày trước đối diện phía tả ngạn của cầu có xưởng đúc tiền của triều Nguyễn nên người dân quen gọi là cầu Trường Tiền. Trải qua hơn 100 năm, cầu Trường Tiền là một trong những biểu tượng của TP Huế.

Cầu đường sắt Bạch Hổ được xây dựng năm 1908 khi tuyến đường sắt Huế - Quảng Trị được thiết lập. Cầu dài hơn 300 m, kết cấu bằng sắt, ở giữa là đường ray cho tàu hỏa qua lại. Hai bên cầu dành cho xe hai bánh. Trong chiến tranh, cầu Bạch Hổ bị hư hại và đã được sửa chữa.

Ngày nay, cầu Bạch Hổ vẫn giữ vai trò quan trọng là tuyến đường độc đạo dành cho tàu hỏa, kết nối đôi bờ sông Hương.

Cầu Phú Lưu nối đường Nguyễn Sinh Cung với ốc đảo Cồn Hến ở phường Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa được xây dựng vào năm 1967. Cầu dài hơn 100 m, rộng hơn 3 m, chỉ phục ôtô đi một chiều, chủ yếu phục vụ dân sinh cho người dân ốc đảo Cồn Hến nằm giữa sông Hương.

Hiện nay, cầu Phú Lưu đã xuống cấp, nguy cơ đổ sập vào mùa mưa lũ. Hơn 1.000 hộ dân với 4.000 nhân khẩu ở Cồn Hến mong muốn chính quyền sớm xây dựng cây cầu mới để đảm bảo an toàn.

Cầu Phú Xuân hay còn gọi là cầu Mới được xây dựng vào năm 1970, nằm giữa cầu Dã Viên và cầu Trường Tiền. Công trình được xây dựng sau khi cầu Trường Tiền bị đánh sập vào Tết Mậu Thân năm 1968.

Cầu được kết cấu bêtông cốt thép, dài 374 m, rộng 17 m với 4 làn xe. Hai bên cầu đều có lề dành cho người đi bộ và có lan can đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Lúc mới xây xong, cầu được đặt tên Sông Hương song sau năm 1975 thì đổi là Phú Xuân. Người dân Huế thường gọi là cầu Mới với hàm ý cầu mới được xây dựng sau cầu Trường Tiền.

Cầu Tuần nằm ở thượng nguồn sông Hương nối phường Thủy Bằng, quận Thuận Hóa và phường Long Hồ, quận Phú Xuân. Cầu được đưa vào sử dụng năm 2003, dài hơn 300 m với 4 làn xe, nằm trên tuyến đường tránh TP Huế.

Kể từ khi đưa vào hoạt động, cầu Tuần đã giảm lưu lượng ôtô tải, ôtô khách đi vào trung tâm TP Huế.

Cầu Chợ Dinh cách cầu Trường Tiền khoảng 4 km về phía hạ lưu, kết nối phường Phú Thượng, quận Thuận Hóa và phường Phú Hậu, quận Phú Xuân. Cầu được xây dựng năm 2000, hoàn thành năm 2003, dài gần 400 m, rộng 14 m với 4 làn xe.

Cầu Chợ Dinh đi vào hoạt động giúp giảm tải ùn tắc cho cầu Trường Tiền, giúp tiểu thương ở chợ đầu mối Phú Hậu dễ dàng hơn trong lưu thông hàng hóa.

Đập ngăn mặn Thảo Long nằm ở hạ lưu sông Hương kết nối phường Hương Phong và phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa. Đập Thảo Long có kiến trúc trên cầu, dưới đập với chiều dài 571 m, rộng 10 m, hai làn xe. Công trình được khởi công tháng 8/2001, hoàn thành năm 2006.

Kể từ khi đưa vào hoạt động, đập Thảo Long ngoài việc kết nối giao thông còn giảm tình trạng xâm nhập mặn vào sông Hương.

Cầu Dã Viên bắc qua sông Hương được khởi công tháng 12/2009, dài 542,5 m, rộng 24,5 m với bốn làn xe và hai lề đường dành cho người đi bộ. Dọc thân cầu có sáu vọng lâu để người dân và du khách có thể ngồi hóng mát, ngắm cảnh.

Công trình được khánh thành cuối tháng 8/2012 đã giảm sức ép lưu lượng phương tiện qua cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền.

Cầu Nguyễn Hoàng mới được xây dựng
 
 

Cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương mới thông xe. Video: Võ Thạnh

Võ Thạnh