Giới thiệu bản thân
"Hi [name], nice to meet you" (Xin chào (kèm tên), rất vui được gặp bạn). Bạn nên nói câu này với người mới gặp lần đầu, việc nhắc lại tên của họ sẽ giúp bạn nhớ nhanh hơn.
"I’m still learning English, so please speak slowly" (Tôi vẫn đang học tiếng Anh, vì vậy vui lòng nói chậm một chút). Đây là cách lịch sự để đề nghị ai đó nhắc lại điều họ vừa nói, cũng là một cách thật thà thừa nhận bạn vẫn đang nỗ lực cải thiện trình độ tiếng Anh.
"I just started working here. I’m the new [name of your job]" (Tôi mới bắt đầu làm việc ở đây. Tôi là [tên công việc, chức danh] mới). Câu này giúp mọi người biết chuyên môn của bạn.
"I’m working in the [name] department. What do you do here?" (Tôi đang làm việc tại [tên bộ phận]. Bạn làm gì ở đây?). Sau khi giới thiệu chuyên môn, bạn có thể tiếp tục nói về phòng, ban của mình và hỏi lại người nghe. Đây là cách kết bạn dễ dàng, tự nhiên trong môi trường làm việc mới.
Các cách chào hỏi
"Good morning/afternoon/night. How’s everything?/How’s it going?" (Chào buổi sáng/ chiều/ tối/. Mọi chuyện thế nào?). Đây là những cách chào hỏi phổ biến và hay hơn "Hello, how are you" (Xin chào, bạn có khỏe không?) rất nhiều.
"How was your weekend?/How did your weekend go?" (Cuối tuần của bạn thế nào?). Nếu gặp lại đồng nghiệp vào đầu tuần, hãy hỏi câu này để biết họ đã trải qua những ngày nghỉ ra sao. Lời hỏi thăm này có thể mở ra cơ hội trò chuyện về sở thích cá nhân giữa hai người.
Nói tạm biệt
"See you later/tomorrow" (Hẹn gặp lại vào ngày mai). Đây là cách chào gần gũi nhưng vẫn giữ được phép lịch sự khi chào hỏi ai đó.
"Good night" (Chúc ngủ ngon). Nếu rời đi vào buổi tối, bạn có thể dùng lời chúc này như một cách chào tạm biệt.
"Have a nice weekend" (Cuối tuần vui vẻ). Lời chào này dùng để tạm biệt vào vào cuối tuần, đồng thời chúc họ có những ngày nghỉ vui vẻ.
Hỏi vị trí phòng, đồ dùng
"Where can I find the bathroom/coffee maker?" (Tôi có thể tìm phòng tắm/máy pha cà phê ở đâu?) Khi đến một công ty mới, bạn sẽ không biết vị trí các phòng, ban, đồ dùng cần thiết ở đâu. Việc thành thạo mẫu câu này là điều cần thiết.
"Where are we meeting?" (Cuộc họp sẽ diễn ra ở đâu?) Nếu không chắc về vị trí tổ chức cuộc họp, hãy hỏi lại để mình không lạc đường hoặc đến muộn, tạo ra ấn tượng xấu với cấp trên và đồng nghiệp.
"Where can I leave this?" (Tôi có thể để cái này ở đâu?) Câu hỏi này được dùng khi bạn không biết để ô, áo khoác hay các vật dụng của mình ở đâu, tránh trường hợp để sai vị trí gây ảnh hưởng mọi người.
Mời người khác ăn trưa, uống cà phê
"Let’s get a coffee sometime" (Hôm nào đi uống cafe nhé). Lời mời này không xác định mốc thời gian cụ thể, là cách gợi ý một cuộc gặp gỡ khác sau này, thể hiện bạn có ấn tượng tốt với đối phương và muốn thân thiết hơn.
"I know a good place nearby" (Tôi biết một chỗ rất ngon ở gần đây). Bạn sử dụng câu nói này để đề xuất một địa điểm ăn trưa gần nơi làm việc.
Cư xử trong cuộc họp
"Do you mind if I record this?" (Bạn có phiền không nếu tôi ghi âm lại điều này?). Khi là nhân viên mới, có nhiều thứ sẽ khiến bạn không thể hiểu ngay trong lần nghe đầu tiên. Vì vậy, nếu có thể, bạn nên ghi âm nội dung cuộc họp để không làm sai hay thiếu bất cứ điều gì. Hãy sử dụng câu này để xin phép cấp trên, đồng nghiệp trước khi làm.
"Excuse me, can you please speak up?" (Xin lỗi, bạn có thể nói to hơn được không?). Nếu không thể nghe rõ cấp trên hoặc đồng nghiệp đang nói gì, đừng ngại ngần đề nghị họ nói to hơn.
Đề nghị được hỗ trợ
"I don’t understand this. Can you please explain it?" (Tôi không hiểu điều này, bạn có thể vui lòng giải thích nó được không?). Để tránh làm sai hoặc khiến mọi thứ rối tung lên, bạn có thể hỏi lại đồng nghiệp khi chưa nắm chắc một vấn đề nào đó.
"I’m having trouble with [something]. Do you know who can help me?" (Tôi đang gặp rắc rối với [một điều gì đó]. Bạn có biết ai có thể giúp tôi không?). Trước khi nhờ ai đó giúp đỡ, hãy tìm hiểu xem họ có phù hợp và thẩm quyền giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải hay không.
Thanh Hằng (Theo FluentU)