Nguyên nhân cuộc đảo chính lần này là gì?
Quân đội Thái Lan nói rằng họ phải nắm quyền kiểm soát chính phủ, đồng thời đình chỉ hiến pháp để khôi phục lại trật tự và ban hành các cải cách chính trị.
Nền chính trị Thái Lan đang ở trong mớ hỗn độn. Tình trạng bất ổn đã diễn ra ở vương quốc này trong nhiều tháng qua bởi những cuộc biểu tình của phe đối lập, yêu cầu chính phủ nên từ bỏ quyền lực với cáo buộc tham nhũng. Hàng chục người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực.
Theo giới quan sát, những rắc rối chính trị hiện tại khó có thể giải quyết trong thời gian sớm.
Chuyện gì đang xảy ra ở Thái Lan?
Ngay sau thông báo đảo chính, các binh sĩ quân đội nhanh chóng tiến về điểm tập trung của phe "áo đỏ", ủng hộ chính phủ, ở ngoại ô thủ đô Bangkok, cũng như trại phe biểu tình chống chính phủ trong trung tâm thành phố. Họ bắn chỉ thiên để giải tán trại biểu tình phe áo đỏ. Không có báo cáo nào về tình trạng bạo lực.
Quân đội yêu cầu nội các Thái Lan phải báo cáo thông tin với lực lượng này, đồng thời cấm người dân tập trung thành nhóm nhiều hơn 5 người sau khi thông báo đảo chính.
Quân đội còn ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 22h đến 5h. Các phương tiện truyền thông được yêu cầu tạm ngừng toàn bộ những chương trình thường lệ.
Tư lệnh lục quân Hoàng gia Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, sẽ là lãnh đạo của chính quyền quân đội, tức Hội đồng Duy trì Trật tự và Hòa bình quốc gia (NPOMC). Thượng viện và các tòa án vẫn hoạt động như bình thường.
Lãnh đạo của các đảng phái, bao gồm cả thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsubang, được người của quân đội dẫn đi khỏi Army Club, địa điểm họ được triệu tập về họp để giải quyết những bất đồng.
Thái Lan từng xảy ra đảo chính chưa?
Nhiều nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ khi quân đội Thái Lan khẳng định tuyên bố thiết quân luật ngày 20/5 không phải là "hành động đảo chính". Chỉ hai ngày sau, nghi ngờ của họ đã được chứng minh là có cơ sở.
Nền dân chủ Thái Lan từng chứng kiến 19 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính của quân đội từ năm 1932. Cuộc đảo chính gần đây nhất xảy ra vào năm 2006, thủ tướng Thaksin Shinawatra khi đó bị cáo buộc tham nhũng và bị quân đội lật đổ.
Quân đội Thái Lan hiện cũng bị cáo buộc nghiêng về phe đối lập trong phong trào biểu tình phản đối chính phủ.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nhiều nhà quan sát Thái Lan lo ngại động thái mới của quân đội sẽ khiến phe áo đỏ, ủng hộ chính phủ, giận dữ. Người dân từng bỏ phiếu bầu ra chính phủ sẽ cảm thấy thất vọng vô cùng về những gì đang diễn ra. Nhiều người dân dự đoán phe áo đỏ sẽ tuần hành và bày tỏ lo ngại sâu sắc về khả năng xảy ra đối đầu.
Ngoài ra, nền kinh tế Thái Lan cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đồng bath của Thái Lan lập tức lao dốc sau thông báo đảo chính. Thị trường chứng khoán chỉ hy vọng có thể tiếp tục hoạt động như bình thường.
Chính phủ Thái Lan từng cố gắng ấn định thời điểm tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, dự định này hiện đã bị ném vào trong sự bất ổn.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là gì?
Thái Lan là đất nước có sự chia rẽ sâu sắc về chính trị. Mâu thuẫn xuất hiện giữa tầng lớp nông thôn nghèo khó, ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin, và tầng lớp trung lưu, những người tin rằng ông Thaksin vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tới nền chính trị Thái Lan.
Những cuộc biểu tình, do cả hai phe tổ chức, liên tục diễn ra kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ. Trong những năm gần đây, các cuộc biểu tình dần tập trung vào chính phủ của đảng cầm quyền Pheu Thai.
Biểu tình đường phố bắt đầu leo thang thành bạo lực kể từ tháng 11/2013, sau khi hạ viện Thái Lan thông qua dự luật cho phép ông Thaksin có thể về nước mà không phải ngồi tù. Phe đối lập tuyên bố đã có ít nhất 28 người thiệt mạng trong 6 tháng vừa qua.
Tình hình Thái Lan càng trở nên xấu hơn khi Tòa án hiến pháp nước này hồi đầu tháng tước chức vụ thủ tướng tạm quyền của bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, với cáo buộc lạm quyền.
Sự đối dầu giữa hai phe ra sao?
Những người biểu tình chống chính phủ gồm nhiều thành phần khác nhau, tập trung lại vì có chung quan điểm phản đối ông Thaksin. Họ tuần hành dưới sự lãnh đạo của ông Suthep Thaugsuban, cựu phó thủ tướng và cũng là cựu nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ (DP) đối lập.
Họ muốn chính phủ đương nhiệm giải tán và bổ nhiệm một chính quyền tạm thời để giám sát các cải cách chính trị.
Ngược lại, phe áo đỏ, ủng hộ chính phủ, cảnh báo sẽ tập hợp với số lượng rất lớn nếu chính phủ họ bầu ra bị phế truất. Họ từng tổ chức nhiều cuộc biểu tình nhưng phần lớn chỉ diễn ra trên đường phố. Các nhà quan sát cho rằng nếu phe áo đỏ quyết định biểu tình một lần nữa, bạo lực sẽ xuất hiện ngay sau đó.
Thủ lĩnh áo đỏ, Jatuporn Prompan, cho biết phe của ông có thể chấp nhận thiết quân luật nhưng "sẽ không tha thứ cho việc đảo chính hoặc dùng các biện pháp vi hiến" để chiếm giữ quyền lực.
Như Tâm (theo BBC)