Thứ ba, 23/4/2024
Thứ năm, 3/1/2019, 19:30 (GMT+7)

Những câu chuyện nổi bật làng mốt thế giới năm qua

Huyền thoại Givenchy qua đời, Dolce & Gabbana bị tẩy chay vì phân biệt chủng tộc và kiêu ngạo...

Trên thảm đỏ Quả Cầu Vàng năm nay, tất cả đều diện trang phục màu đen để ủng hộ phong trào #MeToo và Time's Up. Việc này mang ý nghĩa thể hiện tình đoàn kết, chống nạn quấy rối, xâm hại tình dục ở Hollywood sau scandal gây chấn động của nhà sản xuất Harvey Weinstein.

Thảm đỏ Quả Cầu Vàng 2018
 
 

Làng mốt có một năm chuyển giao quyền lực trên diện rộng. Carolina Herrera nhường ghế cho Wes Gordon tiếp quản nhà mốt sau buổi trình diễn Thu Đông 2018 của cô. Sau khi chia tay Saint Laurent và nghỉ ngơi một thời gian, Hedi Slimane giữ ghế giám đốc sáng tạo của Celine. Cựu giám đốc sáng tạo của Givenchy - Riccardo Tisci - có màn ra mắt được mong đợi ở Burberry, sau khi Christopher Bailey ra đi. Clare Waight Keller của Chloe qua dẫn dắt Givenchy. Ở dòng sản phẩm dành cho nam, nhà thiết kế Kim Jones chia tay Louis Vuitton để đến với nhà Dior Homme, Virgil Abloh nhận vai trò giám đốc nghệ thuật tại Louis Vuitton.

Sau gần hai năm gắn bó, Raf Simons bất ngờ chia tay Calvin Klein (CK) hôm 22/12 trước khi kết thúc hợp đồng tám tháng. Emanuel Chirico - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty mẹ PVH Corp. -  cho biết hiệu suất tài chính của công ty đang lệch về phía thời trang cao cấp, ngược với hướng đi đại chúng của hãng thời trang Mỹ. Raf Simons được các chuyên gia làng mốt đánh giá rất cao bởi thiết kế duy mỹ, giàu tính sáng tạo nghệ thuật. Ở CK, Simons đã giành được nhiều giải thưởng danh giá tại CFDA. Ông cũng là một trong số ít nhà thiết kế được mong đợi ở Tuần lễ thời trang New York. Trong khi đó, CK vốn nổi tiếng với đồ denim, đồ lót mang đậm tính dục. Hai hướng đi trái ngược dẫn đến doanh thu của hãng sụt giảm và sự ra đi của Simons là tất yếu.

Nữ hoàng Anh xuất hiện ở London Fashion Week
 
 

Lần đầu tiên nữ hoàng Anh xuất hiện tại London Fashion Week - một trong bốn tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới. Ngồi trên hàng ghế đầu show Richard Quinn cùng tổng biên tập Vogue Mỹ - Anna Wintour, bà mặc bộ váy áo xanh nhạt của nhà thiết kế Angela Kelly đính pha lê Swarovski.

2018 là năm làng mốt mất đi ba nhà thiết kế tài năng. Tháng 3, huyền thoại thiết kế Hubert de Givenchy qua đời trong giấc ngủ yên bình tại một lâu đài gần Paris, Pháp. Givenchy được coi là biểu tượng của sự sang trọng đậm chất Paris hơn nửa thế kỷ, là một trong số những nhà sáng tạo đặt Paris vào đỉnh cao của thời trang thế giới thập niên 1950. Ông đã cách mạng hóa thời trang quốc tế trong việc tạo ra những hình ảnh vượt thời gian cho Audrey Hepburn - bạn thân và cũng là nàng thơ của ông trong hơn 40 năm.

Tháng 5, Judith Leiber qua đời ở tuổi 97. Nhà thiết kế người Hungary được coi là "nữ hoàng haute couture" của dòng ví cầm tay. Ví Judith Leiber được xếp vào dòng phụ kiện biểu tượng cho sự xa xỉ bậc nhất tại Mỹ, là niềm khát khao của phụ nữ trên toàn thế giới.

Tháng 6, Kate Spade treo cổ tự tử trong sự bàng hoàng của người hâm mộ. Nhiều người vinh danh cô bằng cách đăng lên Instagram các bức ảnh chụp túi xách do Kate Spade thiết kế.

Người mẫu Gucci ôm đầu người
 
 
Gucci gây sốc với thế giới bằng cách dùng đầu người nhân tạo làm phụ kiện. Kể từ khi nắm quyền điều hành hãng mốt Italy, Alessandro Michele đưa ra nhiều ý tưởng lạ lùng, kỳ quái vào show thời trang như chính cá tính của anh. Nhờ thế, doanh thu dòng phụ kiện của nhà mốt tăng đáng kể, khiến nhiều hãng khác phải thèm khát, trong đó có Calvin Klein.

Câu chuyện Rihanna đến Met Gala với bộ trang phục mang phong cách Giáo hoàng trở thành một trong những đề tài được bàn luận sôi nổi. Với chủ đề Thời trang và Trí tưởng tượng Công giáo, Rihanna bắt tay với nhà mốt Maison Margiela thực hiện bộ trang phục độc nhất vô nhị. Thiết kế không chỉ giúp cô nổi bật nhất sự kiện, mà còn được xếp vào danh sách váy thảm đỏ đẹp nhất năm. Rihanna cũng được tôn vinh là một trong số sao mặc đẹp nhất 2018.

Bộ váy cưới của công nương Meghan Markle trong đám cưới với hoàng tử Harry khiến nhiều người bất ngờ vì sự tối giản, phá vỡ dự đoán trước đó. Mẫu váy thủ công được Clare Waight Keller của Givenchy thiết kế riêng, được mô tả là hoàn hảo với sáu đường may nổi kéo dài về phía đuôi váy và ngược lại. Bên trong váy, công nương bí mật khâu một mảnh vải xanh được lấy từ trang phục cô mặc vào ngày đầu tiên hẹn hò hoàng tử Harry.

Meghan Markle mặc váy cưới Givenchy
 
 

Trong các bộ trang phục gây tranh cãi của bà Melania Trump, chiếc áo mang dòng chữ "I don't care" (Tôi không quan tâm) hồi tháng 6 gây bàn tán hơn cả. Đệ nhất phu nhân Mỹ cho biết chiếc áo được lựa chọn có chủ ý. Đó là thông điệp bà muốn gửi tới người dân và truyền thông cánh tả đang chỉ trích bà.

Ralph Lauren mừng 50 năm sự nghiệp trong show Thu Đông 2018 ra mắt ở giữa công viên trung tâm Manhattan. Đây là nơi yêu thích, gắn bó với cuộc sống của nhà thiết kế người Mỹ. Show diễn quy tụ nhiều gương mặt khách mời nổi tiếng, những chân dài thế hệ mới như Kaia Gerber, Gigi Hadid, một số người mẫu gắn bó với ông từ những ngày đầu bước chân vào làng mốt, trong đó có Carolyn Murphy.

Ralph Lauren Thu Đông 2018
 
 

Năm nay, hàng loạt nhà mốt lớn nói "Không" với sử dụng lông, da thú quý hiếm. Burberry, Versace, Coach 1941, Diane von Furstenberg và gần đây nhất là Chanel đều quay lưng với hình thức kinh doanh được cho là tàn độc. Quyết định này nhận được sự hoan nghênh của nhiều tổ chức, trong đó có Hiệp hội bảo vệ động vật PETA. 

Show nội y đầu tiên do Rihanna thiết kế gây sốc với màn trình diễn của các người mẫu có hình thể đa dạng, thậm chí mang bầu. Họ vừa catwalk vừa khiêu vũ, tạo dáng ở tư thế yoga. Người mẫu Slick Woods trở dạ nhưng vẫn cố gắng hoàn thành màn biểu diễn. Rời sàn catwalk, cô lập tức nhập viện sinh con.

BST nội y của Rihanna
 
 

Nike bị tẩy chay khi lấy hình ảnh Colin Kaepernick làm gương mặt đại diện cho dịp kỷ niệm 30 năm slogan huyền thoại "Just do it", nhưng nhờ thế lại tăng doanh thu ngoạn mục là một câu chuyện hấp dẫn của làng mốt năm qua. 

Colin Kaepernick là cựu vận động viên bóng bầu dục nổi tiếng thuộc Liên đoàn bóng bầu dục quốc gia Mỹ NFL. Anh bị cấm thi đấu từ năm 2017 vì không đứng dậy hát quốc ca trước trận tranh Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ lần thứ 50 vào tháng 8/2016. Colin giải thích đó là cách anh chống lại việc cộng đồng người da màu bị phân biệt đối xử.

Năm nay, Nike quyết định chọn Kaepernick làm gương mặt đại diện vì hành động dám nghĩ dám làm của anh đúng tinh thần Nike theo đuổi suốt 30 năm qua. Hãng giày nổi tiếng tung ra bức ảnh gương mặt Kaepernick cùng dòng chữ "Believe in something. Even if it means sacrifying everything" (Tạm dịch: Hãy vững tin. Dù có phải hy sinh tất cả).

Chiến dịch của Nike vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân Mỹ, trong đó có cả tổng thống Trump. Việc sử dụng hình ảnh của Kaepernick được xem là lan toả thông điệp ủng hộ chống đối chính quyền. Một số tín đồ đốt giày và quần áo Nike, số khác lên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay thương hiệu kèm những lời giận dữ. Nhiều người nghĩ Nike sẽ lâm vào khủng hoảng tài chính, nhưng ngược lại hãng đã lập được một cú hích doanh số khi chỉ trong 24 giờ, doanh thu tăng lên 31%, khoảng hơn 43 triệu USD. Theo Vogue, chiến dịch đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những người da màu và những người dân ở khắp nơi trên thế giới, trong khi đó, người Mỹ da trắng chỉ chiếm chưa tới một nửa dân số nước này.

Tháng 11, Dolce & Gabbana hủy show thường niên ở Thượng Hải vì dính scandal phân biệt chủng tộc, sỉ nhục người Trung Quốc. Làn sóng tẩy chay hãng dâng cao khi nhiều người kêu gọi phá hủy các sản phẩm của nhà mốt này. Dù đăng tải video xin lỗi, D&G vẫn không được nhiều người chấp nhận. Nytimes nhận định chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự kiêu ngạo khiến đế chế Dolce & Gabbana suy yếu. Tờ báo cho rằng thất bại của hãng hình thành từ sự nguy hiểm của sức mạnh truyền thông, sự trừng phạt như vũ bão của đám đông và mối nguy hiểm của tính kiêu ngạo trong văn hóa ứng xử.

Sao Mai