Hôm 23/11, Reuters đưa tin bộ đôi nhà thiết kế Stefano Gabbana và Domenico Dolce đăng tải video xin lỗi Trung Quốc trên Weibo. Cả hai cho biết họ rất buồn về sự hiểu lầm này.
"Chúng tôi thành thật xin lỗi về những sai lầm đã xảy ra. Vì hiểu sai lệch về văn hóa, chúng tôi hy vọng nhận được sự tha thứ của mọi người. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những trải nghiệm và bài học từ sự việc lần này và điều này sẽ không xảy ra nữa", hai nhà thiết kế nói.
* Nhà thiết kế Stefano Gabbana và Domenico Dolce xin lỗi Trung Quốc
Theo Xinhua, những ngày gần đây tại các cửa hàng của D&G ở Trung Quốc hầu như không có khách ra vào, thậm chí có khách hàng đến cửa hàng trả đồ đã mua. Các trang mua sắm trực tuyến như JD.com, Tmall... đều gỡ các mặt hàng của hãng.
Cách đây vài ngày, để quảng bá show ở Thượng Hải, hãng tung đoạn video có hình ảnh một người mẫu châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy. Dù đoạn phim chỉ hướng dẫn cách dùng đũa, không có từ ngữ xúc phạm văn hóa Trung Quốc, nhiều người dân nước này cho rằng video chế giễu, châm biếm và coi thường văn hóa của họ. Sự phẫn nộ của người dân được đẩy lên cao khi nhà thiết kế Stefano Gabbana trả lời một khán giả về video trên Instagram: "Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt". Kèm với lời nói là biểu tượng phân. Sau đó, Stefano Gabbana khẳng định tài khoản của ông bị hack. Công ty đã liên hệ luật sư, nhờ pháp luật làm sáng tỏ sự việc.
Scandal khiến hãng thời trang phải hủy show vào tối 21/11. Nhiều nghệ sĩ như Chương Tử Di, Lý Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Vương Tuấn Khải, Trần Học Đông, Địch Lệ Nhiệt Ba... từ chối đến dự. Chương Tử Di tuyên bố từ nay không mua, không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào của hãng.
Nhà thiết kế Stefano Gabbana của Dolce & Gabbana từng vướng nhiều scandal. Hồi tháng 6, ông bị nhiều khán giả chỉ trích khi chê Selena Gomez xấu. Gabbana là người đồng tính nhưng không thích bị gọi là "gay". Ông bị tẩy chay vào năm 2015 khi đả kích những cặp đồng tính nhận con nuôi, nhờ mang thai hộ... Hãng này cũng từng vướng tai tiếng ở Hong Kong khi bảo vệ xua đuổi một người dân bản địa chụp ảnh từ bên ngoài nhưng lại cho phép một nhóm du khách chụp ảnh. Sau đó, gần 1.000 người tụ tập trước cửa hàng để chụp ảnh nhằm phản đối, đòi xin lỗi. Cửa hàng này phải ngừng hoạt động một thời gian.