Khi còn trẻ, mẹ tháo vát. Ba là cán bộ nhà nước, ít quan tâm đến việc nhà. Mẹ một tay quán xuyến, giải quyết hầu hết các công việc của gia đình. Sau khi ba mất, gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẫn, cùng cực. Mẹ và các anh chị lớn bươn chải để lèo lái gia đình. Một số anh chị phải bỏ học giữa chừng để phụ mẹ lo việc gia đình. Tôi là người duy nhất được gia đình tạo điều kiện đi học đại học.
Ra trường, nhờ có bằng đại học, thu nhập của tôi khá hơn các anh chị, dần giải quyết hết được các khoản nợ của gia đình mà trước khi mẹ vay mượn. Tôi còn xây được căn nhà khang trang để đại gia đình họp mặt mỗi dịp lễ tết hay giỗ chạp. Vợ tôi và các con rất ngoan ngoãn, luôn tìm cách chăm sóc và giúp mẹ các việc nhỏ trong nhà. Những tưởng mẹ tôi sẽ luôn hạnh phúc và an hưởng cuộc sống tuổi già, trái lại mẹ luôn tưởng tượng những vấn đề bi luỵ và tự làm khổ mình, đồng thời làm khổ luôn gia đình nhỏ của tôi về những việc đó.
Đầu tiên, mẹ tự dằn vặt bản thân vì lúc trước nghèo khó, không có đủ tiền để cho các anh chị tôi khi họ lập gia đình, vì thế nên giờ họ cũng nghèo khó và khổ sở. Mỗi bữa cơm, mẹ cứ đem hết chuyện khó khăn của anh này chị kia, đứa cháu nọ ra kể lể và dằn vặt bản thân. Trong khi các anh chị tôi tuy khó khăn nhưng vẫn vui vẻ. Chẳng ai trách móc mẹ vì đã không cho họ của cải khi lập gia đình, đơn giản chúng tôi đều biết mẹ đã cho các con tất cả những gì bà có. Tôi hiểu mẹ muốn tôi giúp tiền cho các anh chị để họ bớt khổ, việc mà tôi cũng làm nhiều lần. Thế nhưng để chấm dứt những khó khăn kinh tế của cả nhà thì tôi không thể. Tôi thu nhập có khá hơn anh chị nhưng làm sao có khả năng giải quyết hết các vấn đề được. Trong khi đó, do hoàn cảnh, năng lực của anh chị hạn chế, các cháu chưa cố gắng học tập, phấn đấu, nên có cho bao nhiều tiền cũng là không đủ, mà cần thời gian.
Kế đến, mẹ muốn chúng tôi nghe bà kể chuyện và tán thưởng những câu chuyện đó. Mỗi khi có thể, mẹ đều kể một câu chuyện, khi thì vài mẩu chuyện tiếu lâm ở quê, khi là chuyện làm đồng ngày xưa, khi lại nói về những vất vả đã trải qua đến ngày hôm nay... Hồi còn trẻ, mẹ luôn là trung tâm những đợt tụ tập của các chị em trong làng với những câu chuyện tiếu lâm làm mọi người bật cười. Thoạt đầu, vợ và các con tôi rất thích nghe, lâu dần các chuyện đó trở nên nhàm chán, bởi chúng cứ được kể đi kể lại từ năm nay sang năm khác gần 20 năm nay. Thậm chí, mỗi khi nói đến một "từ khoá" nào đó, các con tôi biết ngay bà nội sẽ kể câu chuyện gì. Sau mỗi câu chuyện đó, chúng tôi không cười như nắc nẻ, không tán thưởng nữa, vì thế bà không vui.
Một vấn đề nữa là chúng tôi không dám kể cho mẹ chuyện làm ăn của tôi nữa. Trước đây, khi còn đi học, có chuyện gì tôi cũng kể cho cả nhà nghe. Sau đó, mẹ đem những "thành tích học hành" của tôi đi khoe lại với các bà bạn. Khi tôi đi làm, mẹ vẫn làm thế. Thỉnh thoảng, trong những câu chuyện của các bà mà tôi nghe được, rằng tôi đi làm kiếm được bao nhiêu tiền một tháng, tiêu xài hết bao nhiêu, còn dư được từng nào. Không biết bà có "tăng lương" cho tôi không, nhưng những người ở xóm đồn thổi là tôi có thu nhập cao. Báo hại, nhà tôi trở thành mục tiêu cho những tên đạo chích trong xóm. Khi thì nửa đêm có tên trộm cậy tôn phải gọi mấy anh ở nhà sau lên ứng cứu, khi thì bị trộm đột nhập lấy mất cái laptop công ty cấp để làm việc. Nhận ra vấn đề, chúng tôi quyết định không kể cho mẹ về chuyện làm ăn nữa. Bà rất buồn bực về chuyện đó.
Sau cùng, khi tôi sắm được chiếc ôtô, mọi chuyện trở nên tệ hơn nữa. Cũng giống như nhiều gia đình ở quê khi mới mua được xe, tôi chở mẹ và cả nhà đi chơi chỗ này chỗ kia. Sau một vài tháng "say nắng" với chiếc xe, chúng tôi trả nó về đúng vai trò là phương tiện để giao tế, làm ăn và đi lại. Lúc này, tuổi mẹ đã lớn hơn, sức khoẻ kém hơn trước, đặc biệt là mắt rất kém. Chúng tôi đã cho mẹ đi bệnh viện mắt để xin mổ, thay thuỷ tinh thể, bệnh viện cho biết vì một lý do y khoa nào đó không thể mổ mắt cho mẹ được. Thế là mẹ đành chịu cảnh mắt kém.
Hơn nữa, bước đi của mẹ không còn khỏe nữa, có khi phải lẫm chẫm bám vào các đồ vật trong nhà để đi. Chính vì vậy, những khi cho các con tôi đi nhà sách vào cuối tuần, hay đi học thêm trên thành phố, đi du lịch bằng ôtô là không cho mẹ đi cùng nữa, sức khoẻ của mẹ không cho phép. Mỗi khi như vậy, mẹ làm ra vẻ như mình là một đứa bé tội nghiệp bị bỏ rơi, làm chúng tôi hết sức áy náy. Chúng tôi đi qua đêm, vợ tôi đều chuẩn bị đồ ăn sẵn ở nhà và biếu tiền để mẹ mua gì cần thiết khi con cháu không có nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhờ chị tư (chị ruột tôi) ở gần đó qua thăm và ngủ với mẹ vào buổi tối. Sau những chuyến đi đó, mẹ cứ nói bóng gió là các con tôi sướng, ám chỉ là vợ con tôi đã lấy hết phần của bà.
Cứ thế khoảng cách giữa mẹ và gia đình nhỏ của tôi xa dần. Các cháu sợ không dám nói chuyện với bà vì bà cứ bắt nghe những câu chuyện quá cũ. Tối bà muốn các cháu ngủ cùng như trước đây để có người nói chuyện, một phần các cháu đã lớn, một phần nữa lại phải học khuya và dậy sớm nên không thể ngủ cùng được. Vậy là bà cho rằng các cháu không thích bà nữa.
Vợ tôi tối ngày than bị bà tra tấn bằng những câu chuyện không lối thoát của các anh chị, con cháu trong nhà. Điều đó làm cô ấy trầm cảm, thậm chí có khi muốn tự tử. Tôi bảo vợ tránh bớt đi bằng cách ở trên lầu làm việc (vợ tôi là giáo viên). Thế nhưng mỗi khi cô ấy xuống nhà làm bếp là bà lại kéo ghế ngồi gần và bắt đầu những câu chuyện không lối thoát. Khi bà đang nói vợ tôi không dám cắt ngang hoặc vô lễ bỏ đi; cô ấy chỉ lựa lúc có ai ghé nhà hay có điện thoại reo để cắt ngang câu chuyện rồi trốn.
Tìm hiểu trên mạng về tâm lý người già, tôi biết người lớn thích có người để trò chuyện, vì thế khi đi làm về thỉnh thoảng tôi cũng muốn nói chuyện với mẹ. Thế nhưng những câu chuyện của bà luôn làm tôi thấy bất lực vì không giải quyết được những day dứt của mẹ. Một số câu chuyện khác thì không phải đề tài phù hợp với tôi, mẹ thích nói chuyện về những gia đình khác trong khu phố, nhà ông này ngang bao nhiêu mét, dài bao nhiêu mét, vừa bán được mấy tỷ. Ông ấy cho đứa con này mấy trăm triệu, đứa kia mấy trăm triệu, gửi tiết kiệm bao nhiêu... Tôi nói mẹ bàn luận những chuyện đó là lắm chuyện, không nên tiếp tục những việc như thế. Vậy làm mẹ giận tôi mấy ngày.
Tôi và vợ cứ bảo nhau phải cố gắng chiều mẹ, mẹ đã vất vả hy sinh nhiều, nhưng chiều những việc như vậy tôi thấy quá khó. Xin các bạn có kinh nghiệm chăm sóc mẹ già chia sẻ thêm để tôi có thể giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề.
Dũng
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc