Thành Minh, con bà Nhuận, cao to, có bằng Đại học Mở, từng được chú ruột, anh rể, đồng nghiệp của mẹ... xin việc giúp nhưng thường làm được 1-2 tháng rồi nghỉ, hoặc không đi vì nhiều lý do. Minh là con trai út, còn có hai chị gái, từ nhỏ đã được bố mẹ hết mực chiều chuộng không phải làm gì, việc nhà, chăm lo cái ăn, cái mặc của bản thân đều đã có mẹ và hai chị.
Hết cấp 3, Minh không đủ điểm đỗ vào trường nào nên được mẹ chạy cho vào đại học. Suốt mấy năm trên giảng đường, chàng công tử mấy lần suýt bị đuổi vì bỏ học quá số buổi hay điểm quá thấp nhưng đều được xin cho học tiếp. Ra trường vài năm, Minh vẫn chưa có chỗ làm nào trụ được quá hai tháng. Có một công việc được cậu là là ổn nhất thì lại quá xa, bên Gia Lâm, trong khi nhà ở Hà Đông, nên cậu cũng không làm. Sáng mẹ gọi dậy ăn uống xong là Minh lướt web, chơi game, ăn trưa rồi ngủ hoặc gọi cho mấy cậu bạn đi cà phê, chém gió, tối lại điệp khúc về ăn cơm với mẹ rồi lên mạng.
"Giờ chỉ mong nó lấy vợ rồi tu chí làm ăn là tôi yên tâm, chứ ngày nào còn lông bông ngày đó mình còn thấp thỏm", bà Nhuận than thở. Người phụ nữ hơn 60 ngày ngày lo cơm nước, giặt giũ cho con này vẫn hay khoe với mấy bà bạn cùng hội tập thể dục là con trai mình ngoan, không rượu chè, cờ bạc để nhờ giới thiệu tìm con dâu.
Khoe với bạn chiếc iPhone mới toe, Đức (Từ Sơn, Bắc Ninh) vênh mặt "Bà bu lại mới sắm cho đấy". Thấy Đức đi xe ga đắt tiền, thay điện thoại toàn loại chục triệu trở lên liên tục khi đang ngồi trên giảng đường năm thứ hai, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết bố mẹ cậu kinh tế chẳng khá giả gì. Nhiều người còn kinh ngạc hơn khi biết từ bé tới giờ Đức chưa bao giờ uống nước lọc, toàn sẵn sữa, nước quả trong nhà (bố mẹ cậu có một quán nước nhỏ gần trường học) uống thay nước. Cậu chàng cũng chưa phải mó tay vào việc gì.
Vừa rồi, đang học dở năm thứ hai, Đức dẫn bạn gái về quê, bảo bố mẹ "Chuẩn bị cưới cho con, nó bầu 4 tháng rồi đấy". Đức còn đòi mua bằng được một bộ giường tủ trong phòng ngủ hơn 100 triệu cho cô dâu mới. Sau đám cưới, mẹ Đức phải xuống Hà Nội chăm con dâu thai nghén, con trai đi học, nếu không "chúng con bỏ học, đi bụi".
"Ông bà bu có thách cũng không dám không làm theo ý mình, có mỗi thằng chống gậy, lúc nào chả sợ mất", Đức kể với đám bạn khi có người hỏi sao bảo gì bố mẹ cũng chiều theo.
Theo nhà tâm lý Trần Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, những cậu ấm không chịu lớn là hệ quả từ cách giáo dục của bố mẹ. Sự chiều chuộng, bao bọc, làm thay mọi việc có thể tạo ra thói quen ỷ lại, thiếu trách nhiệm với chính mình và với người khác.
Tính cách này hình thành khi họ cảm thấy không cần phải làm vẫn được hưởng, họ coi việc người khác lo lắng cho mình là đương nhiên, hoặc do quen được làm thay nên không biết làm, sinh lười biếng, ngại thay đổi.
Theo bà Hồng Hà, người mẹ nào cũng yêu thương con và muốn bảo vệ, che chở cho con, nhưng đôi khi, sự bao bọc, chiều chuộng, làm giúp lại vô tình làm chậm quá trình trưởng thành, trở thành người tự lập của con. Nhiều trường hợp, bản thân người đó có thể không phải là lười mà do người mẹ quá cầu toàn, thấy con làm việc gì cũng không vừa ý, nên làm thay, vô tình tạo thói quen con không làm gì, sau đó muốn bảo con làm cũng không được.
Ngoài ra, một lý do khác hình thành nên những cậu ấm ỷ lại là do quan niệm trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong không ít gia đình. Vì thế, không lạ khi thấy những trường hợp này thường là con trai út hay con trai một trong gia đình. Nhiều phụ huynh huynh thường không để con trai làm việc nhà, coi đó đương nhiên là việc của phụ nữ và bắt con gái làm.
Nhiều cậu bé lớn lên trong môi trường luôn có người lo cho tất cả mọi thứ, kể cả việc phục vụ chính mình, nên không biết làm gì và không muốn làm gì. Người này có trưởng thành về thể chất nhưng về trách nhiệm lại không lớn theo. Họ luôn muốn được người khác phục vụ, ngại khó, ngại khổ, luôn đòi hỏi được nhận mà không muốn cho. Họ rất khó thay đổi.
"Con người trưởng thành do một mốc lịch sử nào đó, chẳng hạn như lấy vợ, nhưng đó là khi chính người đó có thiện chí, cộng thêm chút khéo léo của người vợ thì mới mong sự thay đổi thực sự đến. Nếu họ vẫn sống chung với bố mẹ, được người khác làm thay mọi việc, được cung phụng mọi thứ, sẽ không thể khác được", nhà tâm lý nói.
Theo bà, bố mẹ cần có quan điểm giáo dục rõ ràng với con từ nhỏ: Không phân biệt là con trai hay con gái đều ít nhất là tự phục vụ được bản thân những việc đơn giản như ăn uống, mặc đồ, tắm giặt... sau đó là làm việc nhà phụ giúp bố mẹ, và quan trọng hơn là để trẻ lớn lên với sự tự tin, tự lập, biết đương đầu với khó khăn, có trách nhiệm và biết chia sẻ với người khác.
"Việc nhỏ đã không làm được thì khó làm nên việc lớn. Những người không lo được cho chính mình sẽ khó có trách nhiệm với người khác", nhà tâm lý chia sẻ.
Vương Linh
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi