Nhiều anh chồng để mặc vợ làm mọi việc trong nhà. Ảnh: Corbis.com. |
Hoàn 29 tuổi, kỹ sư tin học của một công ty phần mềm ở Hà Nội, hơn vợ 2 tuổi nhưng tính rất trẻ con. Là con trai út trong nhà, Hoàn quen được mẹ và các chị chiều chuộng nên hầu như chẳng động tay làm gì. Buổi sáng, Xuân dậy đi chợ, dọn dẹp nhà cửa rồi gọi năm lần bảy lượt Hoàn vẫn vặn vẹo trên giường và nhất quyết không dậy. Có hôm, thấy mẹ chồng vào vuốt tóc, xoa lưng, nựng nịu chồng dậy ăn cơm sáng mà Xuân thấy bực mình.
Từ hồi vợ có bầu, Hoàn cũng vẫn vậy. Anh hầu như chẳng đỡ vợ việc gì. Chỉ cần có bạn gọi đi chơi, đi nhậu là Hoàn lấy xe đi ngay, có khi để mặc vợ nghén, mệt nằm nhà một mình. Vợ nhờ giặt, phơi quần áo thì Hoàn lắc đầu: "Anh không quen làm mấy việc đó đâu. Hay em bảo mẹ giúp". Những ngày sắp sinh, Xuân muốn chồng đèo đi làm thì anh bảo: "Thôi, em đi xe ôm, anh trả tiền, chứ em đi làm sớm thế, anh chịu, không dậy được đâu". Cô thấy tủi thân vô cùng.
"Không biết khi con chào đời rồi anh ấy có khác gì không, chứ cứ thế này thì thà mình không có chồng còn hơn", Xuân tâm sự với bạn bè.
Dịu (Tây Hồ, Hà Nội) cũng có một ông chồng tính trẻ con như vậy. Dịu và ông xã quen nhau là nhờ tính ham đọc truyện tranh của anh. Chả là, nhà Dịu gần trường cấp 2, mở một góc nhỏ chuyên cho thuê truyện. Dịu thấy ngồ ngộ khi hay gặp một anh chàng to cao, đẹp trai thường xuyên đến đọc hay thuê truyện tranh. Rồi hai đứa quen, yêu và lấy nhau.
Và đến giờ, sau gần 2 năm kết hôn, Dịu thấy ghét vô cùng cái sở thích ấy của chồng. Mỗi lần về nhà vợ chơi, Quang, chồng cô, lại say sưa kho truyện, hết Phong Vân đến Thần điêu đại hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long Ký... Quang còn có một niềm đam mê khác cũng khiến Dịu phiền lòng là chơi game. Cứ đi làm về là anh lao ngay vào máy vi tính để chơi, nhiều khi vợ gọi ăn cơm cũng chỉ ậm ừ. Dịu nói mãi chồng không thay đổi nên nổi cáu, quát to. Vậy là Quang tự ái, bỏ ra ngoài hàng Internet chơi tiếp.
Kể lại chuyện hồi mình đi đẻ mà Dịu vẫn thấy vừa tức, vừa buồn. Khi ấy, thấy máu báo và đau bụng nên Dịu ra quán internet gọi chồng về đưa đi bệnh viện nhưng Quang vẫn dán mắt vào màn hình máy tính, bảo vợ: "Em cứ về chuẩn bị trước đi, anh chơi xong hiệp này thì về. Chắc chưa đẻ ngay được đâu". Dịu bực mình về nhà lấy quần áo gọi taxi đi vào viện một mình rồi gọi điện cho mẹ đẻ đến cùng.
Theo chuyên gia tâm lý Hồ Tuyết Mai (trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam), có chồng tính còn trẻ con là một trong những nỗi khổ của nhiều chị em. Trong những ca tư vấn bà tiếp nhận, có những người vợ vì không thể tiếp tục chịu được tính quá ham chơi, thiếu trách nhiệm với gia đình của ông chồng kiểu này mà đã đưa đơn ly dị.
Bà Mai cho rằng, người đàn ông tuổi đã trưởng thành nhưng "chưa lớn hẳn" có thể do bản tính của họ, cũng có khi do đó là con út hay con trai một nên lúc nhỏ được chăm bẵm, chiều chuộng quá sinh tính ích kỷ, ỉ lại. Thường những người này ham chơi, ham vui, không có chí tiến thủ và cũng không quan tâm đến việc tính cách ấy của mình ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác như thế nào.
Theo chuyên gia tâm lý, các bà vợ khi có ông chồng trẻ con thì điều đầu tiên là phải biết chấp nhận. Thường thì ngay từ khi yêu, chị em đã biết được tính cách này của nhưng họ cứ nghĩ và hy vọng "nửa kia" sẽ thay đổi khi lập gia đình hay có con. Tuy nhiên, bạn đừng ngồi chờ sự thay đổi tự nhiên như phép màu đó mà phải chủ động giúp chồng trở thành một người có trách nhiệm với gia đình. Điều này cần bạn phải kiên trì và khéo léo.
"Bạn hãy là người vợ thật hiểu chồng, phát hiện những sở thích, sở trường đặc biệt ở ông xã để khuyến khích, giúp anh ấy phát triển nó trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Bạn cũng nên thủ thỉ để chồng hiểu tâm tư, mong ước của mình về vai trò người chồng, người cha của anh ấy trong gia đình... Bằng tình yêu thương, dần dần, chồng bạn sẽ hiểu và tự biết phải thay đổi", bà Mai chia sẻ.
Nhà tâm lý cho rằng, trong những trường hợp này, người vợ nổi cáu, nói những câu xúc phạm không có tác dụng gì, thậm chí còn làm bạn đời tự ái, thêm nhụt chí, thậm chí có thể đỗ vỡ gia đình.
Minh Thùy