Ngày 11/8, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM tiếp nhận 2 bé gái dính nhau liền ngực và bụng ở Hà Tĩnh. Theo các bác sĩ, các bé có đầu, chân tay, cột sống riêng biệt. Một bé bị vẹo cột sống do tư thế dính nhau. Ngoài ra, cặp đôi này còn dính nhau phức tạp ở gan và tim.
Hai bé trai song sinh ở TP HCM trước khi mổ tách. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Trước đó, đầu năm 2010, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã mổ tách thành công hai bé trai sơ sinh dính nhau một phần lớn ở gan và xương ức, một bé có tim chỉ hai ngăn. Cặp song sinh nặng 5,7 kg được chuyển đến từ Bến Tre ngay sau sinh.
Đến đầu tháng 9/2010, bệnh viện này cũng tiếp nhận 2 bé gái dính liền nhau ở ngực, bụng và có cùng dây rốn, đặc biệt tim của hai bé bị dính chặt vào nhau. Theo các bác sĩ đây là ca song sinh dính nội tạng khá phức tạp bởi diện tích dính nhau rất lớn. Bên cạnh đó, hai bé thuộc diện nhẹ cân nên sức khỏe không thật tốt cho một cuộc đại phẫu. Trước khi được mổ tách thì cả hai bé đã tử vong.
Tại Hà Nội, đầu tháng 5 vừa rồi, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận hai bé gái sinh đôi ở Hà Giang dính nhau ở phần ngực, bụng, có chung một bộ phận sinh dục. Hai bé có đầy đủ chân, tay, hai quả thận, nhưng không có hậu môn nên nếu không phẫu thuật sớm, trẻ có thể bị tắc ruột, nguy hiểm tới tính mạng. Các bác sĩ nhận định đây là ca song sinh dính liền rất phức tạp, chung nhau nhiều bộ phận quan trọng, sức khỏe yếu.
Trước đó, bệnh viện này từng tách rời thành công hai cặp song sinh dính nhau rất phức tạp là Cu - Cò và Cúc - An ngay khi các bé còn nhỏ. Hai bé Cu và Cò chào đời tại Nghệ An ngày 2/12/2008, dính nhau phần bụng, còn các bộ phận đầu, tay, chân, bộ phận sinh dục, tim, gan... tách riêng và khá nguyên vẹn. Việc mổ tách hai bé không khó nhưng vấn đề nan giải là chữa trị bệnh của từng em sau đó.
Hai bé Cu - Cò trước khi được mổ tách. Ảnh: Minh Thùy. |
Ca mổ 2 bé gái Cúc-An vào năm 2003 cũng được đánh giá là ca mổ phức tạp bởi hai bé chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức. An lại bị thêm dị tật tim bẩm sinh, Cúc u máu ở cánh tay và ngực. Tiên lượng của các bác sĩ trước ca mổ cho thấy khả năng sống cả hai cháu là 50-60%, còn nếu để cứu sống một trong hai trẻ thì cơ hội là khoảng 70%. Nguy cơ tử vong ca này cao hơn nhiều so với cặp Nghĩa - Đàn (Nghệ An) - hiện chỉ một cháu còn sống.
Ca đại phẫu này khi đó đã được VnExpress.net tường thuật trực tiếp, kéo dài trong 8 tiếng. Ngoài ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, ca mổ còn có sự tham gia của giáo sư Thimolthy Pruett, Giám đốc Trung tâm ghép tạng thuộc Đại học Virginia (Mỹ). Khi được mổ tách hai béđã hơn 10 tháng tuổi và nặng tổng cộng khoảng 15 kg.
Ca mổ tách đầu tiên được các bác sĩ bệnh viện thực hiện là cách đây 16 năm. Cặp song sinh dính nhau ngày nào ở Bãi Cháy, Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã trở thành những thiếu nữ xinh xắn. Ca phẫu thuật khi đó không quá phức tạp vì hai bé chỉ dính nhau phần da từ xương ức xuống rốn, mà không chung nhau bất cứ bộ phận nào. Ca tách diễn ra trong gần 6 giờ đồng hồ.
Với các cặp song sinh dính nhau thông thường, bác sĩ sẽ phẫu thuật tách rời. Nhưng trường hợp chỉ có một trái tim, nhiều bộ phận quan trọng khác cũng không đủ cho cả hai cơ thể. Do đó sẽ phải chọn cứu một em bé khỏe hơn, các cơ quan hoàn thiện và có nhiều khả năng sống hơn, em bé còn lại sẽ phải hy sinh.
Phương Trang