Nếu nhìn từ bản đồ, New Zealand là một xứ sở của núi và hồ. Chạy dọc theo những con đường trục chính xuyên các hòn đảo này, bạn sẽ gặp vô khối các hồ, từ loại nho nhỏ rộng vài cây số đến những hồ mênh mông dài hàng chục cây.
Những hồ này phần lớn nằm soi bóng dưới chân các dãy núi tuyết, chân núi là những rừng thông, rừng tùng hay phong đỏ, đem lại những góc nhìn và cảnh quan lãng mạn đến nghẹt thở.
Nói không ngoa, hồ là những cặp mắt biếc xanh của xứ sở mây trắng, tuyết trắng này. Lái xe trên đường, bạn sẽ gặp được vô vàn những cặp mắt biếc mang tên Wanaka, Hawea… và bao nhiêu hồ nữa hớp hồn du khách, khiến họ có thể không tìm được đường về.
Wakatipu là một cái hồ như vậy. Nằm ở phần nam của đảo Nam, hồ có chiều dài tới cả tám mươi cây số nhưng uốn lượn như một dải khăn xanh hờ hững. Hồ này kỳ lạ ở chỗ là tuy nó nằm trên núi, ở vùng khá cao ( hơn 300 mét ) nhưng lại có thuỷ triều, đúng hơn là những đợt sóng lên xuống rất lạ khiến mặt nước hồ có thể dâng lên hạ xuống 10cm mỗi hai nhăm phút đồng hồ (có tài liệu thì nói 12cm mỗi năm phút).
Người Maori có truyền thuyết rằng hồ đã được tạo ra bởi cái chết của con Matau và giờ trái tim của nó vẫn còn đập tạo nên thủy triều. Truyền thuyết kể rằng con Matau đã bị đốt cháy trong khi ngủ say sau khi nó bắt cóc con gái của một vị tù trưởng.
Khi chết, xác con quỷ cũng làm cháy thủng một lỗ thật sâu và dài theo hình dáng của nó trên đất, làm nóng chảy băng tuyết của những ngọn núi xung quanh, tạo thành hồ Wakatipu ngày nay.
Đầu con quỷ nằm quay về phía Glenorchy, là phía bắc của hồ, chân nó thì chạm đến điểm Kingston. Còn Queenstown chính là chỗ đầu gối của con quỷ. Tuy nhiên trái tim của quỷ thì không thể đốt cháy được nên nó vẫn phập phồng làm nước triều lên xuống.
Còn khoa học thì giải thích rằng các đợt thủy triều xảy ra do sự mất cân bằng về áp suất do gió gây ra. Gió mạnh ở các hồ lớn sẽ tạo nên các đợt "thủy triều giả - seiches" làm dềnh nước lên ở cuối ngọn gió, trong khi đó, ở đầu ngọn gió sẽ làm nước rút đi.
Ở New Zealand có các con hồ lớn có hiện tượng thủy triều giả như thế này với khoảng thời gian "triều lên xuống" từ 20 đến 50 phút. Hồ Taupo, triều lên xuống khoảng 36 phút, hồ Wanaka tổng cộng 39 phút, hồ Wakatipu lên đến 52 phút.
Khi đi dọc hồ, từ chỗ thị trấn dưới đỉnh Cecil có một hòn đảo nhỏ chỉ có thể nhìn thấy từ trên cao và rất gần đảo hoặc từ những góc nhìn khác nhau. Người ta gọi nó là đảo Bí Mật (Hidden Island) và đó chính là trái tim của con quỷ Matau khổng lồ.
Vùng đất quanh hồ Wakatipu đầu tiên do người Maori đến sinh sống. Đây là vùng đất trù phú cung cấp cho họ thức ăn, ngọc bích (green stone) và loài đà điểu có cánh mà không thể bay là con Moa.
Con Moa này có hình nộm ở bảo tàng Te Papa ở Wellington. Tiếc là loài đà điểu ở New Zealand đã tuyệt chủng chứ không phải như đà điểu ở Australia vẫn còn tồn tại, như con Emu chẳng hạn. Tuy nhiên con Moa hay Emu sẽ là một câu chuyện khác vì ở Wakatipu còn có một lady nổi tiếng hơn mà bạn sắp sửa gặp – hẳn sẽ thú vị hơn là con Moa.
Từ xa, lady đã phun khói mù mịt như đang hút thuốc. Khói mà thế kia thì không thể là hút thuốc mà là một đám cháy thì đúng hơn. Mù mịt cả một góc, lady làm chúng tôi tưởng nàng đang cháy.
Sao lại có thể cháy được nhỉ? Nhưng không thì khói ở đâu ra mà lắm thế kia? Một cột khói đen kịt đang phụt lên giữa một con tàu đang chạy trên hồ - con tàu cháy? Tuy nhiên chẳng phải cái tàu cháy nào cả. Đó chẳng qua là cái tàu chạy bằng hơi nước sơn màu đỏ trắng phả khói xám mù mịt một góc trời.
Con tàu đó mang tên Earnslaw là ngọn núi cao 2.819m đứng sừng sững cạnh hồ. Con tàu được mệnh danh là “Lady of the Lake” (Quý bà của Hồ). Hạ thủy năm 1912, nên Lady Earnslaw của năm nay đã hơn 100 tuổi nhưng “nàng” còn rất đẹp, quyến rũ khối người và kéo còi inh ỏi được - ồn ã như mọi lady.
Ban đầu, tàu được đóng để chở cừu, trâu bò và hành khách, ngày nay Earnslaw được sơn sửa thành tàu du lịch. Lady of the Lake, quý bà nổi tiếng của hồ Wakatipu đã từng được chở một quý bà cũng nổi tiếng lẫy lừng toàn cầu, đó là nữ hoàng Elizabeth đệ nhị khi bà đến Queenstown năm 1990…
Người Maori thì vẫn tin vào truyền thuyết của mình về nhịp đập của trái tim quỷ ở hồ Wakatipu, mặc cho những lập luận đầy sức thuyết phục của các nhà khoa học. Còn bạn, bạn tin vào những những con số hay lập luận của trái tim? Đừng trả lời vội trước khi đến trước những cặp mắt biếc xanh ấy, những cặp mắt biếc New Zealand.