Một đại bồi thẩm đoàn liên bang ở Washington ngày 1/8 công bố cáo trạng dài 45 trang, truy tố cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vì âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến cuộc bạo loạn quốc hội Mỹ.
4 cáo buộc được đưa ra trong cáo trạng đều là những tội danh nghiêm trọng, có thể khiến ông Trump phải ngồi tù trong thời gian dài nếu bị tuyên có tội.
Cấu kết để lừa dối chính phủ Mỹ
Trong luật tố tụng hình sự Mỹ, "cấu kết" được định nghĩa là kế hoạch đã được bàn bạc giữa hai người trở lên nhằm vi phạm luật pháp liên bang. Nghi phạm không nhất thiết phải hoàn thành hành vi mới cấu thành tội "cấu kết" và người tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào của kế hoạch đều có thể chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp của ông Trump, các công tố viên cáo buộc ông âm mưu cấu kết với 6 người khác để "lật ngược kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020".
6 người này không bị nêu tên, cũng chưa bị truy tố, nhưng 5 trong số họ có mô tả trùng khớp với nhóm luật sư riêng của ông Trump gồm Rudolph Giuliani, John Eastman, Sidney Powell và Kenneth Cheseboro, cùng quan chức Bộ Tư pháp Jeffrey Clark. Người thứ 6 được mô tả là một cố vấn chính trị.
Cáo trạng cho biết cựu tổng thống Trump đã tìm nhiều cách để thay đổi kết quả bầu cử, như gây áp lực lên quan chức ở một số bang chiến trường để họ công nhận ông là người chiến thắng. Ông cũng bị cho là đã tổ chức các nhóm "đại cử tri giả", những người chứng nhận sai sự thật rằng ông đã thắng ở 7 bang.
Ông Trump còn bị tố đã gây sức ép để Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận những tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử, cũng như gây áp lực buộc phó tổng thống Mike Pence lúc bấy giờ thay đổi kết quả bầu cử và lợi dụng cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021 để cố gắng ngăn các nghị sĩ xác nhận chiến thắng cho Tổng thống Joe Biden.
Các công tố viên sẽ phải chứng minh ông Trump đã thực hiện hành vi gian dối để phá hoại hoặc can thiệp vào công việc của chính phủ liên bang. Bản cáo trạng cho rằng cựu tổng thống biết những tuyên bố gian lận của mình là sai khi ông đã được các nhân viên chiến dịch, quan chức Nhà Trắng và đại diện chính quyền bang thông báo rằng không có bằng chứng xác thực cho chúng.
Ông cũng bị cáo buộc nói dối quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia về hành động "can thiệp phiếu bầu", dù đã được Bộ Tư pháp thông báo điều đó chưa từng xảy ra.
Cấu kết và cản trở quy trình nhà nước
Với hai cáo buộc cấu kết và có hành động cản trở này, ông Trump bị cho là đã tìm cách ngăn quốc hội xác nhận chiến thắng cho Tổng thống Biden vào ngày 6/1/2021.
Tội danh cản trở quy trình nhà nước cũng đã được áp dụng với hầu hết những kẻ bạo loạn xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021. Tòa Phúc thẩm Mỹ khu vực Washington đã chia rẽ về cách xác định tội danh này, nhưng đa số các thẩm phán tham gia quá trình xét xử đều đồng ý rằng ít nhất một số hành vi bạo loạn tại tòa nhà quốc hội bị coi là cản trở quy trình nhà nước.
Các công tố viên cho rằng Trump đã tham gia tạo ra các chứng nhận kết quả bầu cử giả ở một số bang chiến trường và tìm cách để quốc hội chấp nhận chúng, cũng như gây áp lực buộc Bộ Tư pháp gửi thư tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bỏ phiếu ở Georgia cùng một số bang khác "có vấn đề".
Cấu kết chống lại quyền của công dân Mỹ
Cáo buộc này nhắm vào bất kỳ nỗ lực tập thể nào nhằm "gây tổn hại, ép buộc hay đe dọa" người khác để ngăn họ thực thi các quyền theo hiến pháp hoặc luật pháp liên bang.
Điều luật này được thông qua sau Nội chiến Mỹ, khi các nhóm da trắng thượng đẳng như Ku Klux Klan khủng bố những người da màu ở miền nam để ngăn họ bỏ phiếu hay thực hiện các quyền công dân được quy định trong hiến pháp Mỹ.
Tòa án Tối cao Mỹ đã hạn chế áp dụng luật này trong nhiều thập kỷ, nhưng trong thế kỷ 20, các công tố viên đã nhiều lần truy tố tội danh này trong những vụ án liên quan đến hành vi tấn công chủng tộc nhằm vào các nhà hoạt động dân quyền hay gây sai lệch kết quả bầu cử.
Trong cáo buộc nhằm vào cựu tổng thống Trump, các công tố viên lập luận rằng ông đã cấu kết để ngăn cản "quyền được bỏ phiếu và kiểm đếm lá phiếu của công dân". Thách thức đặt ra với họ là chứng minh đây thực sự là ý định của ông.
Thẩm phán liên bang Tanya Chutkan, do cựu tổng thống Barack Obama bổ nhiệm năm 2014, nhiều khả năng sẽ là người phụ trách các phiên tòa xét xử ông Trump liên quan đến các cáo buộc trên.
Bà Chutkan từng ra phán quyết chống lại cựu tổng thống Trump trong một vụ kiện khác nhưng cũng liên quan đến bạo loạn Đồi Capitol. Tháng 11/2021, bà từ chối yêu cầu của ông về việc kích hoạt đặc quyền hành pháp để ngăn công bố tài liệu cho ủy ban điều tra vụ bạo loạn của Hạ viện Mỹ.
Thẩm phán Chutkan khi đó bác bỏ lập luận từ cựu tổng thống rằng ông có đặc quyền đối với những tài liệu trong chính quyền của mình ngay cả khi đã rời Nhà Trắng. Bà nhấn mạnh ông Trump không thể tuyên bố đặc quyền "tồn tại vĩnh viễn".
"Tổng thống không phải vua, và nguyên đơn giờ đây không phải tổng thống", bà viết trong phán quyết về vụ kiện.
Chutkan đã kết án ít nhất 38 người liên quan đến vụ bạo loạn Đồi Capitol. Tất cả họ đều phải nhận án tù, từ 10 ngày đến hơn 5 năm. Bà là một trong hơn 20 thẩm phán ở Washington đã kết án tổng cộng gần 600 bị cáo vì vai trò của họ trong vụ bạo loạn.
Các thẩm phán khác thường đưa ra bản án nhẹ hơn so với mức đề nghị của công tố viên, còn Chutkan thì ngược lại. Trong 38 bản án đã tuyên, bà đồng ý hoặc tăng nặng so với mức án đề nghị của công tố viên. Trong 4 vụ, công tố viên không đề nghị bị cáo ngồi tù, nhưng bà không đồng ý.
Chutkan nói rằng nhà tù có thể là công cụ mạnh mẽ giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra một vụ bạo loạn khác ở Đồi Capitol. "Cần phải làm rõ rằng việc cố gắng lật đổ chính phủ bằng vũ lực, ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và tấn công nhân viên thực thi pháp luật đều sẽ bị trừng phạt đích đáng", thẩm phán Chutkan nhấn mạnh.
Thẩm phán khu vực Washington Trevor McFadden từng nêu ý kiến trong một phiên điều trần vào năm 2021 rằng Bộ Tư pháp đã quá khắt khe với các bị can vụ bạo loạn Đồi Capitol so với những người bị bắt trong các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc sau vụ sát hại George Floyd năm 2020.
Bà Chutkan vài ngày sau đã chỉ trích bình luận của thẩm phán McFadden, dù không trực tiếp nêu tên đồng nghiệp.
"Đám đông đã tụ tập trên khắp đất nước vào năm ngoái để phản đối việc cảnh sát sát hại dã man một người đàn ông không vũ trang. Một số người trong đám đông biểu tình đó đã trở nên bạo lực", Chutkan cho biết vào tháng 10/2021. "Nhưng để so sánh hành động từ những người biểu tình, chủ yếu là ôn hòa, đòi quyền công dân, với hành động của một đám đông bạo lực tìm cách lật đổ chính phủ được bầu hợp pháp là một việc làm sai lầm và bỏ qua mối nguy hiểm rất thực tế mà cuộc bạo loạn ngày 6/1 gây ra với nền dân chủ".
Nếu bồi thẩm đoàn tuyên bố ông Trump có tội trong các tội danh bị truy tố, thẩm phán Chutkan có thể tuyên mức án tới 35 năm tù với cựu tổng thống.
Vũ Hoàng (Theo AP, Washington Post)