Trong chiến dịch được tiến hành hồi tháng 8/2022 tại vùng duyên hải Kenya, một đặc vụ ngầm xách theo valy tiền lớn mời kẻ cầm đầu băng đảng săn bắt trộm vào trong một chiếc Land Cruiser màu đen để đàm phán về giao dịch mua tê tê. Vài phút sau, cảnh sát Kenya ập tới, bao vây chiếc xe và bắt ba nghi phạm.
Chiến dịch là một phần trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã quy mô toàn cầu. Khoảng 2,7 triệu con tê tê bị săn trộm ở châu Phi mỗi năm, đẩy chúng đến bên bờ tuyệt chủng, theo Tổ chức Động vật hoang dã châu Phi.
Đây là ví dụ điển hình về cách các nhân viên hành pháp Mỹ tiến hành các hoạt động ngầm chống tội phạm ở nước ngoài. Tại một số nước đang phát triển, khi Mỹ cho rằng lực lượng hành pháp địa phương không thể tin tưởng được vì nạn tham nhũng, các nhân viên đại sứ quán Mỹ đã tự tuyển chọn các đặc tình để thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với lợi ích của Washington.
Cục Ma túy Quốc tế và Thực thi pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã thẩm tra, xác minh thành viên của 105 đơn vị cảnh sát mật trên toàn cầu làm việc cho các cơ quan như Cục An ninh Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang và Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Do một số cơ quan tự thẩm tra thành viên đội cảnh sát mật, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể cung cấp chính xác số lượng đơn vị liên kết với Mỹ trên toàn cầu. Họ không có cơ quan cấp trung ương theo dõi tất cả hoạt động của các đơn vị hay tổng chi tiêu chính phủ dành cho lĩnh vực này.
Chỉ riêng Cục An ninh Ngoại giao cho biết họ đã xác minh 16 đơn vị được thành lập theo thỏa thuận với các chính phủ từ Peru tới Philippines.
Tại Kenya, FBI, Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Chống Ma túy (DEA), Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ đều có đặc vụ ngầm từ Tổng cục Điều tra Hình sự Kenya (DCI). Các đơn vị này hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ chống buôn lậu ma túy, làm giả hộ chiếu và thị thực đến đối phó nạn buôn người. Đặc vụ của đại sứ quán Mỹ ở Nairobi không có quyền bắt người ở Kenya, song đối tác địa phương của họ thì có.
Giới chức Kenya nhấn mạnh các đơn vị cảnh sát ngầm đều phải báo cáo với giám đốc cơ quan điều tra hình sự Kenya Mohamed Amin và tuân thủ luật pháp của nước này, cũng như thỏa thuận giữa Mỹ và chính phủ Kenya. Lực lượng cảnh sát ngầm Kenya thường nhận chỉ đạo từ quan chức đại sứ quán Mỹ.
"Chúng tôi thường kiểm soát các chiến dịch truy quét", đặc vụ giám sát Ryan Williams của Cục An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và là người chỉ đạo đơn vị cảnh sát ngầm Kenya gồm 5 người, cho hay.
DAE đã tiên phong áp dụng chiến lược này từ hoạt động chống ma túy ở Colombia, Bolivia và Peru những năm 1980. Thất vọng vì ảnh hưởng của băng đảng ma túy đối với cảnh sát địa phương, các đặc vụ Mỹ ở những nước này đã tự tìm kiếm nhóm sĩ quan mà họ cảm thấy tin tưởng, theo nghiên cứu của Ethan Nadelmann, giáo sư Đại học Priceton.
Giờ đây, các đơn vị cảnh sát ngầm như vậy trở nên phổ biến hơn. Hồi tháng 5, đơn vị ở Guyana giúp theo dõi và bắt người đàn ông bị truy nã ở Mỹ vì tấn công tình dục trẻ em. Đơn vị ở Colombia triệt phá thành công đường dây buôn người ở 7 thành phố, trong đó các đối tượng đòi 4.000-5.000 USD mỗi người để cung cấp hồ sơ giả nhập cư vào Mỹ.
"Sự hợp tác như vậy mang lại lợi ích rất lớn và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân", Mike Mugo, người phát ngôn Tổng cục Điều tra hình sự Kenya, nói.
Trong những tháng gần đây, người đứng đầu DCI đã xuất hiện cùng đại sứ Mỹ tại Kenya Meg Whitman để công bố khoản tiền mà Washington treo thưởng cho nỗ lực bắt nghi phạm khủng bố và chủ trì buổi thiêu hủy hàng tấn gỗ đàn hương nhập lậu.
Yêu cầu tiên quyết đối với thành viên đội cảnh sát ngầm của đại sứ quán Mỹ ở Kenya là họ không được tiết lộ với bất kỳ ai về kế hoạch hoạt động. Họ hiểu nếu tin tức bị rò rỉ, kế hoạch rất có thể sẽ thất bại.
"Ngay cả cảnh sát đôi khi cũng là kẻ thù của chính chúng tôi", thanh tra Josphine Korir, người điều hành đơn vị chống tội phạm săn bắt động vật hoang dã gồm 9 người ở Kenya, nói. Nhóm của Korir được Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ tài trợ.
Đơn vị an ninh ngoại giao Kenya do đặc vụ Williams của đại sứ quán Mỹ chỉ đạo tập trung vào những băng đảng làm giả hộ chiếu Mỹ. Hồi tháng 9 năm ngoái, Williams nhận được tin báo rằng công dân Mỹ bị giam trái phép tại trung tâm phục hồi chức năng Mustaqim ở Nairobi. Đơn vị người Kenya của ông đã sử dụng những chiếc SUV không biển số từ đồn cảnh sát gần đó để tiến hành hoạt động khám xét, song không nói với đồn trưởng về kế hoạch chi tiết. Họ từng có hai lần đột kích thất bại vì bị rò rỉ thông tin.
Lần này, đội trinh sát Kenya lảng vảng bên ngoài trung tâm phục hồi chức năng vào buổi sáng, theo dõi những người đến và rời đi. Sau đó, đội đột kích đóng giả nhân viên y tế tới trung tâm kiểm tra phúc lợi định kỳ và hành động. Cuộc đột kích đã giúp giải cứu hai người Mỹ và hai người Anh.
Một năm trước, đại sứ quán Mỹ ở Nairobi treo thưởng một triệu USD để truy tìm Abdi Hussein Ahmed, người bị truy tố tại tòa án liên bang New York về tội buôn bán 10 tấn ngà voi, 190 kg sừng tê giác và gần 10 kg ma túy.
Nhân viên tình báo Kenya phát hiện Ahmed đang ẩn náu ở Meru, thị trấn vùng núi ở Kenya. Đầu tháng 8/2022, sĩ quan tình báo Kenya cung cấp thông tin cho thanh tra Korir. Bà cử một đội tới Meru và đợi điện thoại. "Khi đồng nghiệp của bạn hành động, bạn không được ngủ", bà nói.
Ahmed bị bắt và đưa về Nairobi, nơi các đặc vụ DEA, FBI và Cục Cá và Động vật hoang dã của Mỹ cùng thẩm vấn. Một tháng sau, Ahmed được đưa đến New York, Mỹ. Anh ta nhận tội âm mưu buôn bán động vật hoang dã và ma túy, bị kết án 4 năm tù vào tháng 5.
Đơn vị của Korir cũng giành được thắng lợi khác vào tháng 9/2022, khi cảnh sát nhận được tin báo Calvin Juma Boy Ombata, một sĩ quan của DCI, lại là kẻ buôn lậu gỗ đàn hương ở Samburu, Kenya. Korir tập hợp đội và lái xe 7 tiếng tới Samburu. Họ tìm thấy 13,5 tấn gỗ đàn hương, loài cây có nguy cơ tuyệt chủng ở Kenya, trong hai chiếc xe tại nhà Juma, cùng với khẩu súng trường quân dụng và đạn dược.
Juma không nhận tội và hiện bị xét xử tại Nairobi. Sĩ quan DCI này có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt 21.000 USD hoặc 5 năm tù. Luật sư cho biết Juma nói gỗ không phải của anh ta và phần lớn trong số đó là bằng chứng thu được từ vụ buôn lậu mà Juma đang điều tra.
Ba kẻ bị bắt vì săn trộm tê tê hồi tháng 8 cũng không nhận tội tại tòa án Kenya. Theo luật sư, họ phải đối mặt ít nhất 3 năm tù nếu bị kết tội.
Thanh Tâm (Theo WSJ)