Thứ sáu, 6/12/2024
Thứ tư, 8/7/2020, 02:08 (GMT+7)

Những cảnh đẹp có thể biến mất trên sông Dương Tử

Trung QuốcMưa lớn và lũ lụt gây ảnh hưởng nặng nề tới những danh thắng, di tích lịch sử như hẻm núi Tây Lăng, suối Thần Nữ hay Phượng Hoàng cổ trấn.

Tam Hiệp được coi là một trong 10 danh thắng nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, nằm trên sông Dương Tử (Trường Giang). Trải dài hơn 190 km, Tam Hiệp được tạo nên bởi hạ lưu sông, từ thành phố Trùng Khánh tới thành phố Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc.

Đây cũng là nơi xây dựng đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới có chức năng kiểm soát lũ. Khu thắng cảnh đập mở cửa năm 1997, bao gồm điểm ngắm cảnh và vườn tưởng niệm. Từ đài quan sát, du khách có thể ngắm toàn cảnh công trình đồ sộ và đền Hoàng Lăng, tòa nhà cổ lớn nhất trong khu vực. Ảnh: Hugo Mauricio Lopez V/Shutterstock.

Gần đây mưa lớn xuất hiện trên các nhánh sông ở thượng nguồn Trường Giang, khiến dòng chảy vào hồ chứa Tam Hiệp bắt đầu tăng vào chiều 27/6. Để đối phó với nguồn nước ồ ạt tràn về, hồ chứa Tam Hiệp được tăng ngưỡng xả lên 35.000 m3/ giây.

Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thắng cảnh trong khu vực. Trong đó có hẻm núi Tây Lăng, nằm phía đông đập Tam Hiệp, với chiều dài tổng thể 120 km. Chảy từ tây sang đông, bắt đầu từ thị trấn Ba Đông và kết thúc tại thành phố Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc, khu vực này sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên với những ngọn núi cao và những bãi cát gồ ghề.

Khách du lịch đến đây có thể trải nghiệm trò nhảy bungee hẻm núi từ độ cao gần 100 m, đu quay cách mặt nước 18 m, xích đu lớn nhất đạt đến 68 m. Thêm nữa, khách còn có dịp tìm hiểu các điệu múa dân gian qua các buổi biểu diễn cố định tại nhà hát Ba Đông.

Có hai tuyến tham quan phổ biến dành cho du khách là từ Trùng Khách đến Nghi Xương, và từ Nghi Xương ngược lên Trùng Khánh. Ảnh: Chiew Lo/Flickr.

Trước đây, giao thông ở khu vực Tam Hiệp chủ yếu phụ thuộc vào đường thủy. Vì vậy vào mùa lũ, mọi hoạt động vận chuyển, đi lại đều gặp khó khăn. Để khắc phục, người dân đã xây dựng một con đường gỗ trên các vách đá, bằng kỹ thuật đục. Con đường này trải dài tổng cộng 65 km từ huyện Phụng Tiết đến huyện Vu Sơn.

Phần đường đẹp nhất nằm ở Vu Sơn được xây dựng vào năm 1888 và hoàn thành trong 3 năm do gặp nhiều khó khăn trở ngại. Con đường nằm cao hơn mặt sông khoảng 10 m, với những lối đi có hàng rào. Ngày nay, dưới tác động của nước lũ, con đường thường xuyên bị ngập. Ảnh: Kaimalo.

Nằm ở bờ sông phía bắc của sông Dương Tử, cách thành phố Trùng Khánh 190 km, chùa Thạch Bão Trại được xem là một viên ngọc quí của những kiến trúc xưa cũ. Ngôi chùa nằm cheo leo thẳng đứng trên một tảng đá cao khoảng 40 m. Chùa gồm 12 tầng, đứng vững trên vách đá mà không dùng đinh đóng cột, kèo. Mỗi tầng lầu của chùa này có thờ những tướng lãnh nổi tiếng của thời Tam Quốc.

Để bảo vệ chùa khỏi mực nước dâng cao, từ năm 2005, chính phủ xây một con đê dài 800 m và cao 50 m quanh chùa. Đỉnh đê có một lối đi bộ cho du khách. Chùa được mở cửa đón khách năm 2009. Ảnh: Numage/Shutterstock.

Thành Bạch Đế (Baidicheng), nằm bên bờ sông phía bắc được bao quanh bởi nước ở 3 phía. Đây là danh lam thắng cảnh nổi tiếng với phong cảnh đẹp, từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi qua các thời đại như Xuân Thu và Chiến Quốc. Ảnh: BBS.

Hơn 130 cỗ huyền quan (quan tài treo) được xây dựng trên vách đá dựng đứng của động Hang Tiên, có niên đại khoảng 1.200 năm. An táng người chết trong huyền quan là tập tục cổ xưa, để bảo vệ xác người khỏi mưa lũ, thú dữ, với quan niệm giúp tổ tiên nhanh về với trời. Một số quan tài treo ở độ cao hơn 500 m. Ảnh: Ulli.

Phượng Hoàng cổ trấn thuộc châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía tây tỉnh Hồ Nam, cách Cát Thủ (Jishou) khoảng 53 km, cách Trương Gia Giới khoảng 280 km. Có niên đại từ thời Xuân Thu chiến quốc (770 - 476 trước Công nguyên), đây là một trong những cổ trấn được bảo tồn tốt ở Trung Quốc.

Cổ trấn gây ấn tượng với du khách bởi những ngôi nhà gỗ ven sông, được nâng đỡ bằng cột trụ. Năm 2010, trận lũ lớn kéo qua đã khiến những ngôi nhà cổ bị hư hỏng, đặc biệt là các cột gỗ. Sau đó, phần lớn được gia cố lại bằng xi măng và gạch.

Cuối tháng 6 năm nay, mưa lớn kéo dài tạo thành dòng lũ lớn, cuộn chảy qua những con phố trong thị trấn, khiến nhiều người mắc kẹt. Dòng sông màu xanh lục thường thấy chảy qua thị trấn, nay chuyển màu đỏ đục. Ảnh: Sumeth anu/Shutterstock.

Thanh Thu - Lan Hương (Theo China Highlight)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net