
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm cơ sở chế tạo vũ khí năm 2017. Ảnh: KCNA.
Khi Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore vào 12/6, họ sẽ có hai chương trình nghị sự rất khác nhau. Washington muốn Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược (Mỹ gọi tắt là CVID) trong khi Bình Nhưỡng đòi hỏi điều kiện tiên quyết rằng "chính sách thù địch" của Mỹ đối với đất nước họ phải kết thúc. Tuy nhiên, nếu họ thu hẹp được khoảng cách và đạt được thỏa thuận thì việc giải trừ vũ khí có thể được tiến hành theo một số cách sau:
Bàn giao một số
Truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn tin giấu tên nói rằng ông Kim có thể sẵn sàng bàn giao một số vũ khí hạt nhân như dấu hiệu thể hiện sự chân thành. Đây sẽ là một động thái có ý nghĩa lớn và thậm chí có thể mang về cho Trump giải Nobel Hòa bình.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã nghĩ đến điều đó khi ông nói rằng mô hình Libya là một ví dụ tốt cho Triều Tiên noi theo. Sau khi Libya từ bỏ hạt nhân năm 2003, các tài liệu, thiết bị và cả máy ly tâm liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa quốc gia được vận chuyển bằng máy bay quân sự Mỹ đến Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge ở Tennessee.
Triều Tiên được cho là có vài chục vũ khí hạt nhân, vì vậy việc bàn giao một số ít tuy là động thái lớn nhưng sẽ không thực sự giải quyết vấn đề trừ khi hai bên đạt được thỏa thuận về những vũ khí còn lại.
Hạn chế và đóng băng
Ông Kim đã tuyên bố sẽ ngừng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Ông còn cho phá hủy điểm thử hạt nhân Punggye-ri. Tuy nhiên, Triều Tiên từng có các động thái tương tự rồi lại đổi ý. Kim Jong-un chưa thực hiện điều gì không thể đảo ngược hoặc đặc biệt tốn kém.
Vì vậy, dù không thể phi hạt nhân hóa ngay lập tức, bước tiếp theo hợp lý cho Washington là đẩy mạnh đóng băng không chỉ việc sản xuất bom của Triều Tiên mà còn cả việc sản xuất tên lửa và vật liệu phân hạch như plutonium và uranium làm giàu có thể chế tạo thêm bom.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ hàng đầu cũng khó có thể biết kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lớn đến mức nào hay họ đặt tất cả bom ở đâu. Họ sẽ cần phải xác minh điều đó và việc này sẽ không dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều sự hợp tác từ Kim Jong-un. Họ cũng sẽ phải tìm ra cách để xác minh rằng Triều Tiên không chế tạo thêm vũ khí - một nhiệm vụ khó khăn khác đòi hỏi giám sát trên mặt đất.
Washington không thể mong đợi điều đó xảy ra mà không phải đổi lại điều gì đó. Vì vậy, họ và Triều Tiên sẽ phải đàm phán thêm và có các động thái có qua có lại và tăng cường tin tưởng lẫn nhau, cây bút Eric Talmadge của AP nhận xét.
Chia thành từng giai đoạn
Nhà vật lý hạt nhân Siegfried Hecker và Robert Carlin, hai chuyên gia hàng đầu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cách đàm phán với Bình Nhưỡng, đã hợp tác với nhà nghiên cứu Elliot Serbin, để đề xuất lộ trình phi hạt nhân hóa cho Trung tâm An ninh Quốc tế tại Đại học Stanford.
Theo họ, việc này nên được tiến hành theo ba giai đoạn trong hơn 10 năm, bắt đầu với việc kiểm soát và đóng băng trong năm đầu tiên, giảm thiểu trong 2-5 năm và cuối cùng loại bỏ hoặc thiết lập giới hạn chấp nhận được về những gì còn lại.
Họ cho rằng Triều Tiên nên có thêm nỗ lực để thể hiện cam kết của mình, chẳng hạn như vô hiệu hóa lò phản ứng sản xuất plutonium. Washington cũng có thể yêu cầu truy cập sớm vào cơ sở máy ly tâm hạt nhân tại Yongbyon và ngừng hoạt động các cơ sở điều chế uranium.
Các chuyên gia tin rằng cách tiếp cận chia thành từng giai đoạn là con đường thực tế duy nhất phía trước. "Nếu chúng ta cứ nhấn mạnh Triều Tiên phải thực hiện CVID ngay lập tức thì họ sẽ coi hành động đó là đầu hàng", các nhà phân tích đánh giá. "Đề nghị vận chuyển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ra khỏi nước họ cũng ngây thơ và tiềm ẩn nguy hiểm", họ viết.