Bệnh trĩ (Hemorrhoids) được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Khi các xoang tĩnh mạch trong trực tràng trên phồng to, trĩ hình thành ở trong trực tràng được gọi là trĩ nội. Trĩ ngoại hình thành ở xung quanh hậu môn, khi các xoang tĩnh mạch trực tràng dưới phồng to.
Bệnh trĩ không gây nguy hiểm đến tính mạng, song ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống vì thường xuyên gây đau đớn. Trĩ ngoại gây khó chịu nhiều hơn trĩ nội, do vùng da phủ bên ngoài hậu môn bị kích thích và ăn mòn. Nếu hình thành một cục máu đông bên trong búi trĩ ngoại, cơn đau có thể đến đột ngột và nghiêm trọng. Người bệnh có thể thấy khối u xung quanh hậu môn. Các cục máu đông thường tạo nên vùng da dư thừa, ngứa hoặc dễ bị kích thích.
Trĩ nội thường không đau ngay cả khi chảy máu, có thể bị sa hoặc mở rộng ra ngoài hậu môn. Người bệnh dễ thấy máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt vào bồn cầu. Khi một búi trĩ bị nhô ra, chất nhầy và phân có thể gây ngứa, việc gãi sẽ làm bệnh nghiêm trọng hơn.

Trĩ nội và trĩ ngoại.
Chảy máu và sa búi trĩ là 2 triệu chứng phổ biến của bệnh. Lúc đầu, người mắc trĩ thấy chảy máu ít khi đại tiện. Về sau, máu có thể chảy thành tia, thậm chí chảy khi ngồi xổm hoặc đi lại nhiều. Hiện tượng sa búi trĩ sẽ xuất hiện cách đó không lâu. Đây là một khối thịt nhỏ lồi ra khỏi hậu môn và có thể tự thụt vào. Ở mức độ nặng, khối thịt này to và khó thụt vào hơn, phải dùng tay nhét trở lại. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng như đau, nóng rát quanh hậu môn sau mỗi lần đi tiêu. Đôi khi, cơn đau chỉ xảy đến khi sa búi trĩ hay có ổ áp xe quanh hậu môn.
Nguyên nhân gây trĩ thường do táo bón kéo dài và cố gắng đi tiêu khi táo bón; thói quen ngồi hoặc đứng lâu; mang vác nặng làm tăng áp lực lên vùng chậu; mang thai và sinh con; thiếu vận động và căng thẳng quá mức; chế độ ăn uống không phù hợp. Bệnh sẽ cải thiện đáng kể bằng nhiều cách đơn giản dưới đây.
Ăn nhiều chất xơ
Cùng với chất lỏng, chất xơ làm mềm phân, khiến quá trình đi tiêu diễn ra dễ dàng hơn, giảm đáng kể những cơn đau trĩ. Để phòng ngừa trĩ, người bệnh nên bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn (bông cải xanh, đậu, lúa mì, cám yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả tươi...). Lượng chất xơ mỗi ngày nên vào khoảng 25-30 gam.
Uống đủ nước
Uống đủ nước là chìa khóa để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ. Bạn nên uống từ 6 đến 8 ly nước (tương ứng 2 lít) mỗi ngày. Ngoài ra, cần tránh các loại đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng.

Uống đủ nước giúp ngăn ngừa bệnh trĩ.
Tập thể dục
Để phòng tránh bệnh trĩ, bạn nên thường xuyên tập các môn thể thao nhẹ nhàng giúp kích thích chức năng của ruột như aerobic, yoga, bơi lội, đi bộ nhanh 20-30 phút mỗi ngày... Tuy nhiên, tránh tham gia vào các hoạt động làm tăng áp lực lên ổ bụng hoặc phải gắng sức nhiều (tập cử tạ, vật...) làm trầm trọng thêm bệnh trĩ.
Không đại tiện quá lâu
Đọc sách báo, hút thuốc khi đại tiện có thể làm rối loạn khả năng tiêu hóa. Thói quen này khiến bạn bị phân tâm, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch và hậu môn, từ đó hình thành các búi trĩ.
Không nhịn đi tiêu
Khi cảm thấy muốn đại tiện, bạn không nên trì hoãn, bởi nhịn lâu làm nén chặt phân, gây khó khăn khi đi tiêu. Ngoài ra, cũng không nên cố rặn, tạo ra áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng và hình thành trĩ. Tốt nhất nên tập thói thói quen đi tiêu mỗi ngày.
Cẩn thận với thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng có thể được sử dụng khi táo bón, song cần chọn loại phù hợp. Các loại thuốc có tác dụng lên cơ thể an toàn hơn là thuốc kích thích hoặc mô phỏng hoạt động sinh lý bình thường. Thuốc nhuận tràng gây kích thích co ruột để đẩy phân ra ngoài, có thể làm tăng các triệu chứng của trĩ.
Giảm cân
Béo phì và thừa cân là nguyên nhân làm tăng đáng kể nguy cơ trĩ. Vì thế, việc giữ căng nặng ở mức cân đối sẽ ngăn ngừa bệnh.
Ngâm nước ấm
Để giảm cơn đau trĩ, bạn có thể ngồi ngâm trong một thau nước ấm nhằm làm giảm ngứa, kích ứng và co thắt cơ vòng. Thời gian lý tưởng để ngâm là khoảng 20 phút sau mỗi lần đi tiêu, 2-3 lần một ngày. Sau khi đi tiêu, nên rửa sạch bằng nước, lau bằng khăn mềm, không sử dụng giấy hay chà xát.
Bôi kem tại chỗ
Ngoài ra, có thể sử dụng kem bôi tại chỗ gây tê cục bộ để giảm đau tạm thời. Các loại kem, thuốc có chứa hydrocortisone cũng mang lại hiệu quả, nhưng không nên sử dụng quá một tuần, bởi chúng có thể gây teo da. Ngoài ra, đặt một túi nước đá nhỏ vào vùng hậu môn trong vài phút sẽ giúp giảm đau và sưng. Cuối cùng, nên ngồi trên ghế mềm để giúp giảm sưng trĩ và ngăn chặn hình thành búi trĩ mới.
Nếu áp dụng các biện pháp trên mà chưa thuyên giảm, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị kịp thời. Nếu ủ bệnh lâu, trĩ càng khó chữa và gây đau đớn cho người bệnh.
An San
Vào 7h30-16h ngày 20/8, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (60-60A Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TP HCM) tổ chức chương trình “Khám và tầm soát bệnh trĩ”. Tham dự chương trình, bạn được khám bệnh miễn phí và ưu đãi giảm 70% phí nội soi đại tràng, trực tràng. Đăng ký tại đây hoặc liên hệ điện thoại 08 3995 9862 (6h-18h).