Bao Thanh Thiên 1993 dài 236 tập với 41 câu chuyện phá án ly kỳ, hấp dẫn, làm nên tên tuổi của Kim Siêu Quần, Hà Gia Kính, Phạm Hồng Hiên. Sau khi phát sóng, bộ phim tạo nên “cơn sốt Bao Công” ở Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc đại lục và cả Việt Nam.
Ca khúc chủ đề "Bao Thanh Thiên" – Nhạc đầu phim
“Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên, thiết diện vô tư rõ ngay gian”. Phần lớn khán giả theo dõi series phim truyền hình về vị quan thanh liêm đời Bắc Tống có thể thuộc làu câu hát trên.
Bao Thanh Thiên có giai điệu nhanh, dồn dập, xen lẫn nhịp chiêng thường được sử dụng trong dòng nhạc dân gian Trung Quốc. Ca khúc được đạo diễn Tôn Thụ Bồi “đặt hàng” nhạc sĩ Dương Bỉnh Trung sáng tác, Tôn Nghi viết lời và ca sĩ Hồ Qua thể hiện.
"Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên
Thiết diện vô tư rõ ngay gian
Giang hồ hào kiệt tới tương trợ
Vương Triều, Mã Hán ở cận bên.
Toàn Thiên Thử thân như chim én
Triệt Địa Thử một trang hảo hán
Xuyên Sơn Thử thần quyền tay sắt
Phiên Giang Thử thân thủ bất phàm
Cẩm Mao Thử hào hiệp can đảm
Ngũ Thử đó kết nghĩa kim lam
Truyện thất hiệp ngũ nghĩa lưu truyền trong dân gian".
Mộng uyên ương hồ điệp – Nhạc cuối phim
Ca khúc nằm trong album cùng tên phát hành năm 1993 của ca sĩ Hoàng An.
Một tối tháng 10/1992, Hoàng An bế con gái xuống dưới nhà đi tản bộ, bỗng anh nghe thấy một đoạn nhạc ngắn. Cảm hứng sáng tác được khơi gợi. Trong đầu anh xuất hiện những giai điệu đầu tiên. Anh vội về nhà chép lại từng nốt và dần hoàn thiện.
Giai điệu của bản nhạc mang đậm phong cách Trung Hoa. Để viết lời, Hoàng An lật giở thơ Đường, đọc lại thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ. Sau thời gian dài tìm kiếm, anh phát hiện một bài thơ của Lý Bạch có đoạn: “Kẻ vứt bỏ ta, ngày hôm qua chẳng thể níu kéo. Kẻ khiến ta bấn loạn, ngày hôm nay thật lắm ưu phiền. Rút dao chém nước, nước càng chảy, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”. Hoàng An sửa lại đoạn thơ này thành đoạn đầu bài hát Mộng uyên ương hồ điệp.
Sau khi phim truyền hình dài tập Bao Thanh Thiên phát sóng, ca khúc được lưu truyền rộng rãi. Màu sắc âm nhạc Trung Hoa, kết hợp lời thơ cổ và ca từ có nguồn gốc Phật học khiến bài hát có thêm ý nghĩa văn hóa độc đáo.
Ca từ đơn giản, dễ đi vào trái tim người nghe giúp Mộng uyên ương hồ điệp trở thành ca khúc kinh điển của làng nhạc Hoa ngữ.
"Chuyện hôm qua như nước chảy về đông
Mãi xa ta không sao giữ được
Nay lại có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta.
Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm
Gió sớm mai thổi đi bốn phương
Xưa nay chỉ thấy người nay cười
Nào nghe thấy tiếng người xưa khóc
Hai chữ ái tình thật cay đắng
Muốn hỏi cho rõ hay giả vờ ngây ngô
Chỉ có thể biết nhiều hay ít, khó biết sao cho đủ.
Giống như đôi uyên ương bươm bướm
Trong những năm tháng khó khăn này
Có ai thoát được kiếp sầu nhân thế
Trong thế giới phồn hoa ấy
Đôi uyên ương bươm bướm sống ở trên đời đã là chuyện điên rồ
Sao còn muốn lên tận trời xanh
Chi bằng cùng chìm vào giấc ngủ bình yên".
Mộng uyên ương hồ điệp – Lời tiếng Quảng
Ở Trung Quốc, ngoài tiếng phổ thông là ngôn ngữ chung được sử dụng cả nước, mỗi dân tộc thiểu số, địa phương lại có thứ tiếng riêng. Trong đó, phương ngữ được sử dụng rộng rãi nhất là tiếng Quảng Đông (bạch thoại).
Một phiên bản Mộng uyên ương hồ điệp khác của phim được viết bằng tiếng Quảng. Phần nhạc của Hoàng An được giữ nguyên, phần lời do Lâm Tịch đảm nhận. Lâm Tịch từng viết nhiều ca khúc cho các ca sĩ nổi tiếng như Trương Quốc Vinh, Vương Phi, Trương Hữu Học...
Mộng uyên ương hồ điệp phiên bản tiếng Quảng do Hà Gia Kính thể hiện.
"Nếu không vì tình
Sao nỡ làm tổn thương nhau
Hai chữ ái tình chẳng thể tách rời
Tiếng yêu vừa dứt
Tình mới tới trong nháy mắt.
Trải qua bao phong hoa tuyết nguyệt
Mới biết người có duyên hay không
Loạn thế, tâm loạn, ý càng loạn
Chỉ cầu thấy một ngày bình yên
Oán trời trách đất, lời khó tận.
Uyên ương hồ điệp mãi bền lâu
Cho dù ở thời đại nào
Người ta đều tin có tình sẽ hóa thành hồ điệp
Tình ái trở thành truyền thuyết chốn nhân gian
Khó lòng phán đoán thị phi
Cay đắng ngọt bùi chỉ là màn kịch mà thôi".
Ngoài ra, ca khúc còn có phiên bản tiếng Việt cùng tên do nghệ sĩ quá cố Minh Thuận thể hiện, hay bản tiếng Anh Can’t let go của nhóm Tokyo Square.
Nắm tay du ngoạn nhân gian – Nhạc cuối phim
Từ tập 151 - mở đầu vụ án Bản tấu thứ chín, ca khúc Nắm tay du ngoạn nhân gian thay thế cho Mộng uyên ương hồ điệp, trở thành nhạc cuối phim.
Đây là ca khúc chính trong album phát hành tháng 9/1993 của ca sĩ Trương Chân. Giai điệu trữ tình, nhẹ nhàng là sản phẩm của Trương Chân và nhạc sĩ Lữ Trinh Hoàng. Cảm thấy tâm đắc với phần nhạc, Trương Chân dày công suy nghĩ, viết lời. Ca từ đậm chất thơ phù hợp với nền nhạc man mác buồn.
Cùng với thành công của Bao Thanh Thiên, ca khúc này được đông đảo khán giả yêu thích. Trên đường phố đại lục và Đài Loan lúc bấy giờ, có thể nghe thấy ca khúc được phát trên radio hay các cửa hàng.
Nắm tay du ngoạn nhân gian trở thành sáng tác tiêu biểu trong sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ Trương Chân, cũng là một trong những bản nhạc phim kinh điển mọi thời của Trung Quốc.
"Đừng để năm tháng làm mệt mỏi trái tim chờ đợi
Ta nguyện theo nàng đến chân trời góc biển
Ngọn đèn trước ô cửa giờ lặng lẽ vụt tắt
Trái tim ta khẽ soi sáng gương mặt như ánh nước của nàng.
Nụ cười của nàng vẫn đẹp như năm nào
Ký ức về nàng là mối tình ta luôn lưu dấu
Chốn phồn hoa nay thành cánh đồng hoang lá rụng, vùi xác người hiệp khách
Lời hẹn thề chi bằng hãy ghi nhớ ngày hôm nay
Ta và nàng xa xôi cách trở, nhân thế lặng lẽ đổi thay
Vượt muôn sông ngàn núi, phải chăng vẫn chung một tấm lòng
Không cầu đời đời kiếp kiếp, chẳng mong sớm sớm chiều chiều
Chỉ mong yên bình nắm tay du ngoạn khắp nhân gian".
>>> Xem thêm:
Dàn sao 'Bao Thanh Thiên' sau hơn hai thập niên
Lan Anh