Ca khúc "Xin hỏi đường ở nơi nao"
Bài hát chủ đề của Tây du ký do Hứa Kính Thanh viết nhạc, Diêm Túc viết lời, ca sĩ Tưởng Đại Vi thể hiện. Ca từ không dài nhưng chứa đựng nội dung phong phú, vừa ca tụng sự dũng cảm trừ yêu diệt tà của Tôn Ngộ Không vừa khắc họa tinh thần vượt khó của bốn thầy trò Đường Tăng.
Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh sử dụng âm thanh điện tử cho ca khúc của mình. Ông nói: "Trước tôi, hầu như chưa có ai dùng nhạc điện tử trong phim truyền hình Trung Quốc".
Điều này khiến nhiều chuyên gia âm nhạc cho rằng bài hát quá “Tây” và không hợp với một danh tác cổ điển. Song đạo diễn Dương Khiết quả quyết đây là ca khúc phù hợp nhất cho Tây du ký mà bà đã tìm kiếm suốt thời gian dài. Xin hỏi đường ở nơi nao vang lên suốt bộ phim và trở thành một trong những bản nhạc phim tiếng Hoa được yêu thích nhất mọi thời.
“Đệ gánh hành lý
Ta dắt ngựa đi
Đón ánh bình minh
Tiễn đưa ráng chiều
Bước qua bao gập ghềnh chông gai
Đường dài rộng trải dài dưới chân
Đuổi mọi hiểm nguy
Ta lại xuất phát, lại xuất phát
Biết bao mùa xuân hạ thu đông
Biết bao phen cay đắng ngọt bùi
Xin hỏi đường ở nơi nao
Đường ở ngay dưới chân ta”.
Ca khúc "Năm trăm năm bãi bể nương dâu"
Ở tập 4, Tôn Ngộ Không sau khi đại náo thiên cung bị Phật Tổ Như Lai nhốt dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Thấm thoắt 500 năm trôi qua, càn khôn biến hóa, vật đổi sao dời. Chỉ có Ngộ Không vẫn một mình nằm dưới chân núi. Ca khúc Năm trăm năm bãi bể nương dâu mang hai nội dung rõ rệt: mở đầu là nỗi xót xa khi Ngộ Không nhớ lại thời oanh liệt vẫy vùng nay đã không còn, sau đó là quyết tâm không từ bỏ, chờ ngày thoát thân. Bài hát do ca sĩ Vương Lập Quân thể hiện.
“Năm trăm năm bãi bể hóa nương dâu
Tảng đá cứng cũng phủ đầy rêu xanh
Chỉ một trái tim còn chưa chết
Nhớ về quá khứ tiêu diêu tự tại
Nào sợ lửa thiêu đốt
Nào sợ băng tuyết che phủ
Chí hướng vẫn hiên ngang không đổi
Niềm tin vẫn không hề suy giảm
Đã để phí hoài năm tháng
Ngậm ngùi mang bao hoài bão
Vì sao? Vì sao? Ta lại chịu cảnh thế này?”
Ca khúc "Tình nhi nữ"
Đây là ca khúc trong tập 16 - Thỉnh kinh nữ nhi quốc. Thầy trò Đường Tăng tới Tây Lương quốc - đất nước chỉ toàn nữ nhi. Động lòng trước dung mạo của “Ngự đệ” nhà Đường, nữ vương xinh đẹp đem lòng ái mộ và thuyết phục Đường Tăng ở lại để cùng nàng kết tóc se tơ. Trước sự si tình của nữ vương, trái tim Đường Tăng cũng có phút lay động, bởi vậy mới ngập ngừng câu nói: “Nếu có kiếp sau”. Dù vậy, quyết tâm phổ độ chúng sinh vẫn chiến thắng ái tình nam nữ, Đường Tăng từ biệt nữ vương, tiếp tục hành trình đi Tây Thiên lấy kinh.
Sau khi quay xong tập 16, đạo diễn Dương Khiết muốn nhạc sĩ Hứa Kính Thanh viết một ca khúc dành riêng cho mối tình Tây Lương nữ vương và Đường Tăng. Nhạc sĩ họ Hứa kể lại: “Kịch bản câu chuyện này rất hay, cảnh quay cũng rất đẹp, dù ở nhân gian mà ngỡ như nơi tiên cảnh”. Thế là, những nốt nhạc đầu tiên vang lên trong đầu ông: “Khẽ hỏi thánh tăng ‘Thiếp có đẹp?’”.
Sau khi phần nhạc của ca khúc hoàn tất, đạo diễn Dương Khiết phụ trách viết lời. Giai điệu đẹp với ca từ như thơ, đầy ý nghĩa giúp Tình nhi nữ trở thành một sáng tác kinh điển khác của Tây du ký. Ca khúc do Ngô Tĩnh thể hiện.
“Uyên ương hồ điệp sánh đôi
Sắc xuân khắp chốn làm say lòng người
Khẽ hỏi thánh tăng 'Thiếp có đẹp?'
Khẽ hỏi chàng 'Thiếp có đẹp không?'
Nói chi vương quyền cao quý
Sợ gì giới luật thanh quy
Chỉ mong được thiên trường địa cửu
Bên ý trung nhân mãi chẳng rời
Hỡi người trong trái tim ta
Nguyện kiếp này đôi lứa sánh đôi”.
Nhiều ca sĩ như Lý Linh Ngọc, Vạn Hiểu Lợi, Lý Ngọc Cương từng thể hiện lại ca khúc này.
Ca khúc "Gặp nhau khó chia tay cũng khó"
Vẫn với nền nhạc ca khúc Tình nhi nữ, bài hát cuối tập Thỉnh kinh nữ nhi quốc có tên Gặp nhau khó chia tay cũng khó. Lời bài hát thể hiện tâm trạng bịn rịn lưu luyến của nữ vương khi tiễn chân Đường Tăng.
“Gặp nhau rồi thật khó lìa xa
Bao tâm sự còn dang dở
Tình ta mênh mông như biển trời
Nhưng chí chàng còn rộng lớn hơn
Kiếp này đôi ta không duyên phận
Nói không hết những lời ghi nhớ mãi
Đành lặng lẽ chúc chàng bình an
Chuyện thế gian khó như ý nguyện
Đã mấy lần trăng tròn trăng khuyết
Chàng đi xa, xa khuất chân trời
Chỉ còn ta ở lại với vấn vương”.
Ca khúc "Hà tất Tây Thiên xa vạn dặm"
Mở đầu tập 19 - Lạc lối Tiểu Lôi Âm, Đường Tăng bị bắt tới một khu rừng của yêu quái cây - tự xưng là các bậc đại tiên. Họ cùng làm thơ đối ngẫu dưới ánh trăng. Sau đó, Hạnh Tiên xuất hiện với ánh mắt đa tình. Nàng hát ca khúc Hà tất Tây Thiên xa vạn dặm để khuyên Đường Tăng từ bỏ chặng đường gian khổ mà cùng mình hưởng thụ niềm vui trước mắt. Nhân vật Hạnh Tiên chính là ca sĩ Ngô Tĩnh.
Bài hát lấy chất liệu nhạc dân gian Trung Quốc vui tươi, kết hợp ca từ đầy ý thơ do nghệ sĩ viết kịch quá cố Diêm Túc chấp bút.
“Đào mận khoe hương, hoa lê cười
Sánh sao nổi ý xuân đang nồng
Thược dược khoe sắc, hoa mận thẹn
Sánh sao nổi bóng hồng thướt tha
Trà thơm một chén đón chàng
Sao sáng lung linh mây bồng bềnh
Hà tất Tây Thiên xa vạn dặm
Đời người được mấy giấc mơ
Nay không hưởng lạc còn mong lúc nào”.
Ca khúc "Thiếu nữ thiên trúc"
Ca khúc nằm trong tập 24 - Thu phục thỏ ngọc. Ca sĩ Lý Linh Ngọc đảm nhận vai Thỏ ngọc tinh đồng thời thể hiện Thiếu nữ thiên trúc. Vấn đề nhạc sĩ Hứa Kính Thanh phải đối diện khi sáng tác ca khúc này là làm sao thể hiện được âm hưởng Ấn Độ trong một tác phẩm thần thoại của Trung Quốc.
May mắn, những năm 80 của thế kỷ trước, nhạc Ấn Độ khá thịnh hành ở Trung Quốc, việc vận dụng những chất liệu âm nhạc sẵn có phát huy tác dụng. Sự kết hợp hoàn hảo của nhạc sĩ họ Hứa và cố nghệ sĩ Diêm Túc cho ra ca khúc đình đám một thời.
Thán từ “Shaliwa” trong ngôn ngữ Ấn lặp đi lặp lại ở đoạn điệp khúc, hòa quyện với giai điệu. Giọng hát của Lý Linh Ngọc khá hợp với ca khúc mang âm hưởng Ấn Độ, làm tăng thêm màu sắc cho bài hát.
“Là ai đã đưa chàng đến bên ta
Có phải là vầng trăng tròn sáng tỏ?
Hay là suối nguồn róc rách kia?
Ta như hạt sương đọng trên cánh hoa
Ngọt ngào khiến chàng phải lưu luyến
Ha... Shaliwa!
Là ai đã đưa chàng đến bên ta
Có phải là vì sao lấp lánh?
Hay là bầu trời trong xanh kia?
Tâm nguyện của ta là dùng tấm lòng mình
Khiến chàng phải lưu luyến
Ha... Shaliwa!”.
>>> Xem thêm:
Bài hát chủ đề 'Tây du ký' - ca khúc từng suýt 'chết yểu'
Lan Anh