Tháng 7 Âm lịch hay gọi là tháng Vu Lan báo hiếu, có nguồn gốc từ tích về ngài Mục Kiền Liên ở Ấn Độ cứu mẹ cách đây hơn 2.500 năm. Noi gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả, mọi người dành tình cảm yêu thương cho đấng sinh thành. Dịp này, nhiều ca khúc về cha mẹ được mọi người tìm nghe.
Bông hồng cài áo
Ca khúc được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, viết lời từ đoản văn Bông hồng cài áo của thầy Thích Nhất Hạnh.
Phần mở đầu lột tả nỗi đau, mất mát của con cái khi mẹ không còn với ca từ: "Rủi mai này mẹ hiền có mất đi/ Như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm". Từng câu chữ như lời nhắn nhủ đến những ai còn mẹ biết trân trọng những khoảnh khắc bên người thân. Tác giả còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ mang tính tượng trưng cao như dòng suối, bóng mát, trăng sao... để nói công lao to lớn của mẹ.
Bài hát mang đậm giáo lý nhân văn của nhà Phật, khơi gợi lòng hiếu thảo, thiện lương trong mỗi người. Tác phẩm được biết đến nhiều qua giọng hát của Bằng Kiều, Khánh Ly, Mỹ Tâm. Bằng Kiều cho biết: "Tôi thường hát Bông hồng cài áo trong dịp Lễ Vu Lan và Ngày của mẹ (Chủ nhật thứ hai của tháng 5). Mỗi khi biểu diễn, tôi rưng rưng xúc động khi nghĩ đến mẹ của mình, đến bông hồng đỏ được cài trên ngực áo".
>> Xem thêm: "Bông hồng cài áo" - từ đoản văn đến bản nhạc bất hủ về tình mẹ
Ơn nghĩa sinh thành
Ơn nghĩa sinh thành do nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác năm 1973, lấy cảm hứng từ hai câu ca dao quen thuộc: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Trên tờ nhạc gốc, tác giả viết: "Ca khúc dành tặng những người biết thương cha kính mẹ".
Dương Thiệu Tước sử dụng ngôn ngữ dung dị, dễ hiểu kết hợp âm nhạc đậm chất dân gian tựa lời tự sự, nhắc nhở con cái phải hiếu thảo, làm trọn đạo hiếu với cha mẹ.
"Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta?"
Tình cha
Tình cha là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của Ngọc Sơn. Nhạc phẩm được anh viết lời dựa trên những ký ức về thời thơ ấu được cha chăm sóc. Nhiều đêm anh bị bệnh, cha thức suốt đêm chăm sóc.
"Và con nhớ mãi những ngày tháng qua
Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng
Nhớ hoài tuổi thơ bên cha, gian khổ ngày đêm chăm lo
Mong muốn con được lớn khôn"
Ngọc Sơn khắc họa hình tượng lớn lao, vững chãi của cha bằng loạt hình ảnh ẩn dụ như "vầng thái dương", "dòng nước tuôn đầu nguồn"... Ca sĩ nhiều lần đưa hình tượng đấng sinh thành vào trong các ca khúc tự sáng tác. Năm 2015, cha qua đời, Ngọc Sơn phải hủy show, nghỉ hát một thời gian để xoa dịu tinh thần.
Lòng mẹ (Y Vân)
Bài hát được nhạc sĩ Y Vân sáng tác năm 1959 tại Sài Gòn, lấy cảm hứng từ mẹ. Một lần, mẹ nhạc sĩ đi giặt quần áo ở bể nước công cộng, về quá giờ giới nghiêm nên bị quân cảnh tạm giữ. Y Vân khi đó là nhạc công chuyên chơi tại các phòng trà, đi diễn về nghe tin đã đến đồn cảnh sát bảo lãnh cho mẹ. Đêm đó, nghĩ thương mẹ thức khuya dậy sớm chăm lo cho gia đình, ông viết nên ca khúc.
Tác giả sử dụng hình ảnh so sánh mẹ với biển thái bình, dòng suối, đồng lúa, vầng trăng, sáo diều... nhằm khắc họa tình yêu ngọt ngào và to lớn của mẹ dành cho con.
"Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu"
Y Vân cho biết sau khi sáng tác, ông hát cho mẹ nghe và bà khóc vì cảm động. Nhạc sĩ qua đời năm 1992, khi mẹ còn sống. Đứng trước linh cữu con, bà nói: "Người đời thường bảo: Con 'đi' trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài Lòng mẹ".
Lòng mẹ (Ngọc Sơn)
Lòng mẹ được Ngọc Sơn sáng tác năm 1987, khi còn là sinh viên trường nhạc. Năm đó, anh được khán giả yêu mến và ủng hộ qua tác phẩm Nhớ. Thành công ập đến, anh thường xuyên phải đi diễn xa nên nhớ nhà và chỉ mong có mẹ bên cạnh. Cảm xúc của một đứa con xa quê gợi lên cho anh cảm hứng sáng tác.
Ngọc Sơn cho biết anh đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Anh không bao giờ làm cho mẹ phiền lòng. Mẹ ca sĩ - bà Kim Loan - từng cho biết: "Ngọc Sơn là một đứa con rất hiếu thảo, lúc nào cũng nghĩ đến cha mẹ. Mỗi khi đi đâu nghe người ta nhắc đến Ngọc Sơn, tôi mừng rớt nước mắt".
Mẹ tôi
Mẹ tôi được nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác cách đây hơn 20 năm để tưởng nhớ người mẹ đã khuất. Trong ngày giỗ của mẹ nhưng Trần Tiến vẫn phải đi diễn. Ngồi trong cánh gà, ông đặt bút viết những ca từ đầu tiên.
"Mẹ ơi con đã già rồi
Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi
Con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa..."
Vừa viết vừa khóc, ông chỉ hoàn thành được nửa bài. Nhiều năm sau, cũng trong một ngày giỗ mẹ, Trần Tiến mới viết nốt phần còn lại. Ông nói: "Tôi không hát được, khó hát lắm, hát tôi dễ khóc".
Ca dao mẹ
Ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965, thể hiện tình yêu không đổi thay theo thời gian của mẹ dành cho con. Nhạc sĩ sử dụng ngôn từ đậm tính hình tượng, giai điệu trầm buồn như: "Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn/ Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn/ Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên/ Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình..."
Năm 1970, ca khúc được dịch sang tiếng Nhật. Ca dao mẹ được khán giả yêu mến qua giọng hát của danh ca Khánh Ly. Năm 2019, ca sĩ Quang Dũng đưa ca khúc vào album cùng tên, phát hành dịp Vu Lan với lời tựa đề Những bài hát dâng mẹ nhân mùa Vu Lan.
Gặp mẹ trong mơ
Gặp mẹ trong mơ do Lê Tự Minh viết lời dựa trên nền nhạc Mother in the dream từng được Uudam - cậu bé Mông Cổ mồ côi cha mẹ - trình diễn trong China's Got Talent 2011. Tác phẩm thể hiện nỗi nhớ mong, khao khát được gặp mẹ dù chỉ trong giấc mơ.
Tại Việt Nam, ca khúc được biết đến nhiều qua phần thể hiện của ca sĩ Thùy Chi. Giai điệu nhẹ nhàng, ca từ đơn giản kết hợp giọng hát cảm xúc của ca sĩ khiến nhiều người xúc động.
"Mẹ giờ này ở chốn rất xa, trong mơ con đã thấy mẹ
Mẹ dịu dàng hát khúc ca, sao con thấy mẹ buồn
Nhìn cánh đồng xa xanh, con nhớ mong về mẹ
Mẹ trở về với con ấm áp bên mái nhà
Và từ bầu trời rất cao, mong ước con yên bình
Mẹ ngồi buồn ở chốn xa nhớ thương con vắng mẹ"
Nhật ký của mẹ
Nhật ký của mẹ được Nguyễn Văn Chung sáng tác năm 2008 như một món quà tặng mẹ. Khi ấy, gia đình anh gặp biến cố. Sự quan tâm, chăm lo của mẹ đã khiến anh xúc động. Anh nghĩ lại những điều mẹ đã hy sinh cho các con từ nhỏ và đặt bút viết ca khúc. Ba năm sau, nhạc phẩm được Hiền Thục thu âm. Ca sĩ cho biết là một người mẹ, cô không khỏi xúc động khi thể hiện ca khúc. Cô nhiều lần khóc trong phòng thu.
Bài hát nhận giấy khen của Cục Nghệ thuật Biểu diễn về tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục. Năm 2014, Nhật ký của mẹ được nhạc sĩ người Nhật Yoshimoto Kayo dịch sang lời Nhật và được ca sĩ gốc Việt - Hải Triều thể hiện. Phiên bản tiếng Nhật được đưa vào nhiều trường tiểu học của nước này.
Hiểu Nhân