Chủ nhật thứ hai của mỗi tháng 5 là "Ngày của mẹ". Những người con sẽ nhớ về mẹ nhiều hơn trong ngày này. Thế nhưng, suốt hành trình sống của họ - từ lúc được hoài thai đến khi trưởng thành - đều có bóng dáng người mẹ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tái hiện hành trình đó trong ca khúc Nhật ký của Mẹ. Nam nhạc sĩ viết hoa từ "Mẹ" như một cách để thể hiện sự trân trọng với đấng sinh thành.
"Bao ngày Mẹ ngóng... Bao ngày Mẹ trông... Bao ngày Mẹ mong con chào đời...
Ấp trong đáy lòng có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần?
Mẹ chợt tỉnh giấc và Mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần,
Tiếng con khóc òa, mắt Mẹ lệ nhoà, cảm ơn vì con đến bên Mẹ..."
* MV "Nhật ký của mẹ"
Những người phụ nữ từng trải qua sinh nở đều không quên cảm giác "chín tháng mười ngày". Suốt thời gian đó, người mẹ ngóng trông, dõi theo từng nhịp tim, từng cái đạp chân của con. Để rồi đến khi con chào đời, nghe tiếng khóc đầu tiên của đứa trẻ, người mẹ vỡ òa trong hạnh phúc. Những ngày tháng sau đó sẽ là hành trình sóng đôi: Mẹ ở bên từ lúc con tập nói, tập đi. Khi con vào tuổi đến trường, mẹ dõi theo quá trình con làm quen với thầy, với bạn. Mỗi thay đổi nhỏ bé của con trong cuộc sống đều là niềm vui của mẹ.
"Ngày đầu đến lớp, Mẹ cùng con đi, ngập ngừng con bước sau lưng Mẹ,
Tiếng ve cuối hè, hát vang đón chào, ánh mặt trời soi con đến trường...
Ngày ngày đến lớp, dần dần con quen, bạn bè, thầy cô yêu thương con,
Bé con của Mẹ vẫn luôn chăm ngoan, khiến cho Mẹ vui mãi trong lòng..."
Lúc con nhỏ, mẹ lo từng bữa ăn giấc ngủ. Khi con đến tuổi bắt đầu có những xúc cảm đầu đời, mẹ ở bên con như một người bạn. Mẹ là chỗ dựa tinh thần, giúp con vượt qua những biến cố đầu đời.
"Những kỷ niệm lần đầu yêu, suốt một đời đâu dễ quên...
Vầng trăng kia sẽ sưởi ấm con, và sau cơn mưa, nắng sẽ trong,
Sẽ có một người yêu con hơn Mẹ yêu..."
Ca sĩ Hiền Thục (trái) bên con gái Gia Bảo. |
Với mỗi người mẹ, việc con cái lớn nhanh vừa chứa đựng niềm vui lẫn nỗi buồn. Con trưởng thành - mẹ hạnh phúc. Nhưng con lớn, đồng nghĩa con ngày một rời xa vòng tay của mẹ. Khi đó, những ký ức về lần đầu con cất tiếng khóc chào đời, lần đầu con gọi "Mẹ", lần đầu con chập chững bước đi... chỉ có thể nằm trong kho ký ức mà lâu lâu người mẹ lại mang ra ngắm nghía như xem lại một thước phim quý giá.
"Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa Mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng Mẹ chợt nhớ con vô bờ,
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời..."
Nguyễn Văn Chung kể Nhật ký của mẹ được sáng tác năm 2008, xuất phát từ ý tưởng muốn viết một ca khúc làm quà tặng mẹ anh. Khi ấy, gia đình anh gặp biến cố. Sự quan tâm, chăm lo của mẹ đã khiến anh xúc động. Anh nghĩ lại những điều mẹ đã hy sinh cho các con từ nhỏ và đặt bút viết ca khúc.
Lúc hoàn thành bài hát, nhạc sĩ đưa Hiền Thục xem. Tuy nhiên, vì vướng một số dự án khác, cô không kịp thu âm. Ba năm sau, Nguyễn Văn Chung lại ngỏ ý mời Hiền Thục hát Nhật ký của mẹ một lần nữa và được cô đồng ý. Là một người mẹ, Hiền Thục không khỏi xúc động khi thể hiện ca khúc. Cô tâm sự từng nhiều lần khóc trong phòng thu.
Nhật ký của mẹ dài tám phút, vì thế, Nguyễn Văn Chung từng e ngại ca khúc khó được đưa lên biểu diễn trên sân khấu và truyền hình. Tuy nhiên, anh không cắt gọt nhạc phẩm vì muốn tái hiện đầy đủ hành trình mẹ theo sát con qua từng giai đoạn: chào đời, tập nói, tập đi, đi học, trưởng thành, có tình cảm với người khác giới và đi làm xa. "Đó là những điều mà ở bất kể quốc gia, hoàn cảnh, tôn giáo nào, người mẹ cũng làm cho con. Tôi viết theo từng giai đoạn và khi đó Nhật ký của mẹ hoàn thành", Nguyễn Văn Chung kể.
* "Nhật ký của mẹ" bản tiếng Nhật
Video ca khúc được thể hiện bằng tranh cát, do chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vẽ. "Nhật ký của mẹ là bài hát tôi rất tự hào, tôi muốn thể hiện ca khúc một cách mộc mạc, giản đơn và bao quát nhất, vì thế, tôi chọn cách thể hiện bằng tranh cát", Nguyễn Văn Chung kể. Nhạc sĩ đã nhờ nghệ nhân Trí Đức hướng dẫn. Sau một thời gian luyện tập chăm chỉ, anh tự vẽ minh họa cho nhạc phẩm của mình. Video có kinh phí vẻn vẹn ba triệu đồng nhưng gây xúc động mạnh cho người xem.
Đến nay, Nhật ký của mẹ là sáng tác đương đại về chủ đề tình cảm gia đình có sức lan tỏa. Năm 2013, ca khúc nhận được giấy khen của Cục Nghệ thuật Biểu diễn về tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục của bài hát. Năm 2014, Nhật ký của mẹ được nhạc sĩ người Nhật Yoshimoto Kayo dịch sang lời Nhật và thể hiện bởi ca sĩ gốc Việt - Hải Triều. Phiên bản tiếng Nhật được đưa vào nhiều trường tiểu học của nước này.
Hà Thu