Bà còn kích nổ từ xa một quả mìn trước sự theo dõi của truyền thông toàn thế giới. "Đã xong một quả, còn 17 triệu quả nữa", bà nói.
Mặc dù vào năm 1997 cuộc hôn nhân của Diana với Thái tử Charles đã kết thúc và bà không còn là thành viên hoàng gia Anh, Diana vẫn là biểu tượng toàn cầu. Khi Tổ chức Hỗ trợ Cuộc sống ở Khu vực Nguy hiểm có trụ sở tại Anh (HALO Trust) mời Diana đến thăm bãi mìn ở miền nam châu Phi, bà đã đồng ý. Tháng một năm đó, bà đến thành phố Huambo tại Angola, đất nước lâm vào nội chiến từ năm 1975 đến năm 2002.
Diana cảm thấy kinh hoàng khi biết thứ vũ khí chết chóc này được sử dụng bừa bãi, khiến nhiều đứa trẻ bị thương tật hay chết oan. Bà quyết tâm sử dụng sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của mình để ủng hộ nỗ lực tháo dỡ mìn.
"Cảnh bà đi qua bãi mìn đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng, Diana khiến mọi người phải suy nghĩ về vấn đề bom mìn", Dickie Arbiter, khi đó là thư ký báo chí của Diana, kể. "Diana luôn hành động theo bản năng. Chúng ta đã thấy bà bắt tay các bệnh nhân HIV và chạm vào những người mắc bệnh phong, xóa mờ đi quan niệm của nhiều người rằng 'không nên chạm vào' những bệnh nhân này".
"Hoàng gia không bao giờ đưa ra phản ứng về những gì các thành viên khác làm, nhưng phản ứng từ công chúng, đặc biệt là các cựu quân nhân, những người đã thấy các đồng đội bị thương bởi những quả mìn, rất mạnh mẽ", Arbiter nói về chuyến đi Angola của Diana. "Bà ấy biết rõ mình đang làm gì".
Ngày 27/9, với tư cách là người bảo trợ của HALO, Hoàng tử Harry cũng đến thăm Angola. Anh ở lại qua đêm tại bãi vô hiệu hóa mìn của tổ chức và cũng kích nổ từ xa một quả mìn giống mẹ mình.
Năm 1997, khi được hỏi vì sao bà cảm thấy vấn đề tháo dỡ bom mìn quan trọng, Diana trả lời: "Tôi đã đọc số liệu thống kê rằng Angola có tỷ lệ người cụt chân tay cao nhất thế giới. Cứ 333 người thì có một người mất một chi, hầu hết do các vụ nổ mìn nằm trong đất".
Chỉ riêng ở Huambo, mìn gây ra 30 thương vong mỗi tháng sau khi chiến tranh kết thúc. HALO Trust khi đó đã làm công tác tháo dỡ mìn trong ba năm. Tuy nhiên, chỉ 30.000 quả mìn được gỡ và vấn đề này không được thế giới quan tâm. Điều đó thay đổi đáng kể nhờ chuyến thăm của Diana.
Paul Heslop, chuyên gia tháo dỡ bom mìn đã giúp Diana điều chỉnh thiết bị an toàn kể lại ngày căng thẳng: "Bà ấy không nhìn vào mắt mọi người và ban đầu tôi thấy bà ấy có vẻ thờ ơ. Sau đó, khi một đám đông nhà báo tiến đến, tôi nhận ra tại sao bà ấy lo lắng như vậy. Diana chuẩn bị đi vào một bãi mìn chưa bị vô hiệu hóa, một khu vực nguy hiểm, trước con mắt theo dõi của hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ người qua các bản tin".
Một nhân viên từ thiện Anh đi cùng Diana nói đùa: "Đừng chạm vào bất cứ thứ gì lấp lánh", dường như để làm dịu bầu không khí căng thẳng.
Sau khi cất những bước đi lịch sử, Diana gặp một số nạn nhân, trong đó có những trẻ nhỏ bị cụt chân tay vì các vụ nổ. Là người mẹ có hai con, bà rất thương cảm cho các em.
Chuyến thăm của Diana ngay lập tức khiến thế giới chú ý đến vấn đề bom mìn, tuy nhiên nó cũng kéo theo một số tranh cãi. Bà bị các chính trị gia ở Anh công kích là đang can thiệp vào chính sách của chính phủ. Diana phản hồi rằng: "Chúng tôi chỉ cố gắng làm nổi bật một vấn đề đang xảy ra trên toàn thế giới, chỉ vậy thôi".
Tháng 8/1997, Diana qua đời trong vụ tai nạn xe hơi thảm khốc. Nhưng chuyến đi của bà đến Angola đã để lại tác động lâu dài. Ba tháng sau khi bà ra đi, 122 chính phủ đã ký kết Hiệp ước Ottawa với mục tiêu xóa bỏ việc sản xuất và sử dụng mìn. Nhiều người tin rằng sự ủng hộ của Diana đã tạo ra bước ngoặt trong nỗ lực toàn cầu để hạn chế thiết bị này.
Bãi mìn mà bà đi qua hiện là một cộng đồng khá giả với nhà cửa, xưởng mộc, trường học - bằng chứng cho thấy những bước đi dũng cảm của bà ngày hôm đó thực sự tạo ra khác biệt.
Phương Vũ (Theo Yahoo News)