2016 sẽ là năm có rất nhiều sự kiện đáng chú ý. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng được được Quốc hội 12 nước thành viên thông qua. Mỹ sẽ bầu cử Tổng thống, Olympic mùa hè diễn ra ở Brazil, Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm mới. Sự kiện lớn nhất trong tất cả có lẽ là cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Kinh tế thế giới năm sau được dự báo mạnh hơn năm 2015, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg. Tuy vậy, "khả năng quay về thời kỳ tăng trưởng mạnh và đồng bộ trên toàn cầu vẫn còn khó", IMF cho biết trong báo cáo triển vọng hồi tháng 10. Quỹ này dự báo năm tới, GDP toàn cầu tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với 3,1% năm nay và tương đương trung bình 3,5% giai đoạn 1980-2014.
Adair Turner - cựu lãnh đạo Cơ quan Giám sát Tài chính Anh (FSA) cho rằng năm tới nhìn chung là ổn. Tuy nhiên, ông bi quan hơn nhiều so với nhận định chung. Turner lo lắng sẽ có một cuộc chiến tiền tệ ngầm giữa châu Âu và Nhật Bản, khi hai nền kinh tế này cố hạ giá nội tệ để tăng xuất khẩu và việc làm trong nước, từ đó tác động xấu tới tăng trưởng của các đối tác thương mại.
Viễn cảnh chung cho năm tới là Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống dốc. Kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong nhóm nước giàu có. Ngoài ra, khi nhu cầu thế giới còn yếu, lãi suất, giá dầu và các hàng hóa khác có khả năng vẫn duy trì ở mức thấp. Lãnh đạo các ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ là tâm điểm chú ý năm tới.
Biến số quan trọng nhất năm 2016 chính là Trung Quốc. Tăng trưởng nước này đã xuống dưới 7% trong quý III năm nay, lần đầu tiên từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều nước đang phát triển phụ thuộc lớn vào thương mại với Trung Quốc, như Brazil, Chile, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, nhu cầu hàng Trung Quốc của thế giới không còn tăng trưởng với tốc độ như trước đây nữa. Và nước này cũng không cần nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách cấp bách. Cũng như người tiền nhiệm, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đang có khoảng thời gian rất khó khăn, khi phải lái tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng.
IMF dự báo năm tới, nền kinh tế lớn nhì thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 6,3%, thấp hơn so với 6,8% năm nay. Con số này có thể chấp nhận được, dù vẫn dưới mục tiêu các lãnh đạo nước này đặt ra.
Dù vậy, một số người vẫn khá bi quan, như Willem Buiter - kinh tế trưởng toàn cầu tại Citigroup. "Chúng tôi cho rằng Trung Quốc có rủi ro cao hạ cánh cứng", do dư thừa công suất và khối nợ lớn. Khi Brazil và Nga đã rơi vào suy thoái, sự đi xuống của Trung Quốc sẽ kéo tụt các thị trường mới nổi khác, Bruiter cảnh báo. Phần lớn các nước giàu ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì thế, họ sẽ "không bị suy thoái nhưng cũng tăng trưởng ngày càng chậm".
Giá dầu rẻ cũng là một trong những yếu tố được quan tâm năm tới. Giá thấp khiến các nước xuất khẩu bị ảnh hưởng, như Nga hay các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, nó lại giúp các nước nhập khẩu đang phát triển ở Mỹ Latin, châu Phi, châu Á. Dầu rẻ cũng giúp giảm chi phí nhiên liệu tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, với các chuyên gia kinh tế vĩ mô, giá dầu thậm chí còn khó đoán hơn cả kinh tế Trung Quốc, do nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chính trị trong OPEC đến xung đột tại Trung Đông. Gần đây, giá dầu được dự báo có thể xuống tói 15 USD một thùng năm sau do dư cung và thế giới cạn chỗ chứa dầu.
Người ta cho rằng giá rẻ sẽ làm giảm sản xuất, đến một mức nào đó gây ra thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá tăng trở lại. Emad Mostaque - chiến lược gia tại Eclectic Strategy cho rằng mỗi thùng dầu có thể lên 100 USD hoặc thậm chí 130 USD năm 2017. Cho đến lúc đó, giá nếu tăng cũng sẽ chỉ nhích rất nhẹ.
Với Mỹ, 2015 là một năm đầy tín hiệu tốt về nền kinh tế. Vì vậy, giữa tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lần đầu trong gần một thập kỷ. Tuy nhiên, mức lương của người Mỹ vẫn chưa tăng đáng kể. Theo Sentier Research, thu nhập một hộ gia đình trung bình tại đây hồi tháng 9 thấp hơn 1,7% so với tháng 1/2000 (sau khi đã điều chỉnh lạm phát). Năm tới, số liệu này được dự báo tăng mạnh hơn. Khảo sát của PwC hồi quý III cho thấy các công ty tư nhân dự định nâng lương 3,1% năm nay.
Bên cạnh đó, vì lạm phát tại đây vẫn kém xa mục tiêu, lãi suất được dự báo sẽ không tăng mạnh. "Suy thoái sinh ra từ sự dư thừa. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hồi phục chứ không phải tăng trưởng", Liz Ann Sonders - chiến lược gia tại Charles Schwab nhận xét.
Kinh tế châu Âu và Nhật Bản năm tới được dự báo yếu hơn. Không như Mỹ - tăng trưởng chậm mà chắc từ sau 2009, cả hai nền kinh tế trên đều đang đi lùi. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể giảm thêm lãi suất và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã sẵn sàng mua thêm trái phiếu để hạ lãi suất dài hạn.
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp đã khiến người Anh thở phào vì vẫn giữ nội tệ suốt nhiều năm qua. Năm 2016, họ cũng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có rời EU hay không. Russ Koesterich - chiến lược gia toàn cầu tại BlackRock cho rằng nếu người Anh muốn ra đi, "việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin doanh nghiệp tại châu Âu".
Khủng hoảng di cư là cơn đau đầu mới với EU. Nhưng ít nhất tại Đức, nó có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, Malte Rieth - Giám đốc bộ phận dự báo kinh tế toàn cầu tại Viện nghiên cứu Kinh tế Đức cho biết. Cơ quan này ước tính khi Chính phủ trợ cấp những người này, và họ dùng số tiền đó chi tiêu vào hàng hóa, dịch vụ, GDP Đức sẽ tăng 0,1-0,2%.
2016 cũng sẽ là năm không mấy dễ chịu với Brazil và Nga. Brazil đang trải qua khủng hoảng chính trị và bị ảnh hưởng bởi giá dầu. Nga cũng đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế và hụt thu ngân sách từ giá dầu giảm. IMF dự báo cả hai nền kinh tế này tiếp tục đi xuống năm 2016, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Còn với các nước mới nổi khác, cơ quan này cho rằng tốc độ tăng trưởng tại Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc lên 7,5%, Mexico là 2,8% và Nam Phi là 1,3%.
Hà Thu