Như vậy, Nhật Bản đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp. Hồi quý II, GDP nước này cũng giảm 0,7%. Theo lý thuyết, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã rơi vào suy thoái. Đây là điều đã được các nhà kinh tế học dự báo trước, nhưng tốc độ sụt giảm theo họ chỉ là 0,2% quý này, Bloomberg cho biết.
Sự yếu kém về đầu tư và hàng tồn kho giảm sút đã khiến kinh tế Nhật Bản co lại, trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và cả thế giới khiến doanh nghiệp nước này không muốn chi tiêu và sản xuất. Dù GDP quý IV được dự báo tăng, con số trên vẫn sẽ gây áp lực lên Thủ tướng Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - Haruhiko Kuroda, trong việc kích thích tài khóa và tiền tệ. Tuần này, BOJ sẽ tổ chức họp chính sách.
"Kinh tế Nhật Bản đang khá yếu, do tăng trưởng Trung Quốc giảm tốc. Các công ty vẫn băn khoăn liệu kinh tế đã đủ mạnh để tăng đầu tư hay chưa. Vì vậy, nhu cầu trong nước cũng không đủ bù đắp lại sự suy yếu bên ngoài", Daiju Aoki - nhà kinh tế học tại UBS nhận xét.
Đây là lần thứ 2 Nhật Bản rơi vào suy thoái từ cuối năm 2012. Lần đầu tiên cũng là vào quý III năm ngoái, sau khi tăng thuế tiêu dùng. Việc này sẽ càng khiến ông Abe gặp khó nếu muốn thúc đẩy kinh tế trong nước và chấm dứt tình trạng giảm phát đã kéo dài hai thập kỷ qua.
Những số liệu kinh tế gần đây của Nhật Bản cũng khá ảm đạm. Lạm phát giảm, chi tiêu hộ gia đình, sản xuất phương tiện giao thông, bán lẻ đi xuống và xuất nhập khẩu cũng lao dốc. Điểm sáng duy nhất là sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng so với tháng 8, nhưng cũng không đủ bù lượng giảm của 2 tháng trước đó.
Ông Abe đã yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản - Akira Amari soạn ra nhóm biện pháp giúp đạt mục tiêu GDP danh nghĩa của Nhật Bản tăng 20% lên 600.000 tỷ yen trong 5 năm tới.
Hà Thu