Bệnh phụ khoa là bệnh ở cơ quan sinh dục nữ, bao gồm cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung) và cơ quan sinh dục trên (tử cung, tai vòi và buồng trứng).
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, khám phụ khoa là việc cần thiết, nhưng nhiều chị em có tâm lý ngại bị soi vùng kín nên không đi khám định kỳ. Ngoài ra, nhiều người nghĩ rằng chỉ khi lập gia đình hoặc đã quan hệ tình dục mới cần phải khám phụ khoa. "Đây là quan niệm hết sức sai lầm", bác sĩ cho biết.
Những bệnh phụ khoa phái đẹp cần đề phòng:
U xơ tử cung
U xơ tử cung thường gặp nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân có thể so sự tăng đột biến nồng độ estrogen, béo phì, di truyền, dậy thì sớm, có quan hệ tình dục sớm... Mặc dù là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là khí hư nhiều, rối loạn kinh nguyệt (chu kỳ kéo dài hơn và lượng máu ra nhiều hơn bình thường), có thể kèm theo hiện tượng đau bụng. Nếu khối u lớn rất có thể người bệnh gặp phải tình trạng rong kinh kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi suy nhược do mất máu quá nhiều.
Tùy vào kích thước của khối u cũng như độ tuổi và nguyện vọng người bệnh, bác sĩ sử dụng các biện pháp điều trị khác nhau như điều trị nội khoa, dùng thuốc trong trường hợp khối u còn nhỏ, mổ bóc tách khối u đối với phụ nữ vẫn có nhu cầu sinh đẻ. Nếu bệnh nhân đã lớn tuổi có thể mổ cắt bỏ tử cung.
U nang buồng trứng
Bệnh chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi dậy thì hoặc mãn kinh với triệu chứng nhận biết rất mơ hồ. Nếu không điều trị kịp thời có thể chuyển thành ung thư buồng trứng, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng phát triển trứng, rụng trứng, từ đó gây khó khăn trong quá trình thụ thai.
Bệnh khi mới xuất hiện thường gặp phải những dấu hiệu giống như các bệnh phụ khoa khác mà không có bất kỳ dấu hiệu rõ rệt nào. Bệnh nhân có thể gặp hiện tượng khí hư ra nhiều, bí đại tiểu tiện, rong kinh, đau bụng kinh...
Với u nang buồng trứng, việc điều trị phụ thuộc vào tính chất của khối u (lành hay ác tính). Không thể xác định được tính chất khối u thông qua các xét nghiệm hoặc thăm khám mà phải giải phẫu chi tiết. Trong trường hợp nghi ngờ ung thư, nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ buồng trứng để không gây hại cho sức khỏe.
Viêm âm đạo
Là bệnh thường gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nguy cơ cao gây vô sinh do môi trường âm đạo thay đổi khiến tinh trùng khó tồn tại được hoặc viêm nhiễm lây lan đến buồng trứng gây viêm và cản trở quá trình thụ tinh.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội), mọi phụ nữ, kể cả các bé gái 12-13 tuổi, đều có khả năng bị bệnh do cấu trúc của vùng kín mở hẳn ngoài da, lại nằm giữa lỗ đi đại tiên và tiểu tiện - nơi chứa rất nhiều vi khuẩn. Nếu giữ vệ sinh không sạch sẽ, vi khuẩn, nấm phát triển sẽ gây viêm nhiễm.
Thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục, tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thấp hơn vì có màng trinh bảo vệ. Nó giống như một lớp màng ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào sâu bên trong (nhưng chỉ một phần nào đó). Vì thế, phụ nữ đã lấy chồng hoặc có quan hệ tình dục thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Người đã từng phá thai có nguy cơ viêm âm đạo và viêm cổ tử cung cao gấp 2 lần. Phụ nữ đã sinh con thì nguy cơ viêm âm đạo cao gấp 2,4 lần. Ngoài ra, rửa sâu vào âm đạo có nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục dưới gấp 1,6 lần.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Đây là căn bệnh lành tính nhưng cũng là khởi nguồn của một số bệnh phụ khoa nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí có thể gây ung thư cổ tử cung nếu không điều trị kịp thời. Bệnh khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ buồng trứng hoạt động mạnh hoặc do bẩm sinh.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường có nguyên nhân chủ yếu do viêm hoặc sang chấn như rách cổ tử cung, nạo hút nhiều lần làm hủy hoại các lớp mô bên trong cổ tử cung gây nên lộ tuyến. Khi bị viêm lộ tuyến tử cung, bạn sẽ thấy các biểu hiện rõ rệt nhất là xuất hiện khí hư, cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại.
Viêm buồng trứng
Nguyên nhân do vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn tới ung thư buồng trứng và gây vô sinh cho nữ giới.
Biểu hiện của bệnh là khí hư ra nhiều kèm theo đau vùng hạ vị liên tục và dữ dội hoặc một số biểu hiện khác như sốt cao, sưng hậu môn, đau ngực dưới, đau hạ sườn phải... Bệnh nặng hơn khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi thường xuyên và kinh nguyệt không đều.
Nguyên nhân là do vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, nhiễm trùng sau phá thai không an toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Phòng ngừa bệnh phụ khoa
Để hạn chế tình trạng viêm nhiễm, nên giữ vệ sinh trước, trong và sau giao hợp, có đời sống tình dục lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tránh thụt rửa âm đạo nhiều.
Cần rửa sạch âm hộ mỗi ngày đúng cách sau mỗi lần tiêu tiểu, rửa với nước sạch bằng vòi hoa sen hoặc dội trong tư thế ngồi xổm, rửa từ trước ra sau; sau đó dùng khăn sạch lau khô. Tránh trang phục quá chật. Nên dùng quần lót bằng vải coton.
Tránh quan hệ tình dục vào những ngày đèn đỏ dễ tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn vi nấm phát triển.
Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ sắt, canxi, vitamin, khoáng chất, axit folic... giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng để chống lại sự xâm nhập và phát triển của các loại vi khuẩn có hại.
Thùy An